Wednesday, December 10, 2014

Sự minh bạch cần thiết cho xã hội Việt Nam

Chân Như, phóng viên RFA 2014-12-10
000_Hkg10126245.jpgCông an đứng gác trong một lễ hội bia Hà Nội hôm 7/12/2014-AFP photo
Sự thật, sự minh bạch thường bị coi là "thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng". Chính vì thế , để một xã hội phát triển lành mạnh, thì sự minh bạch là không thể thiếu.
Tại Việt Nam, xã hội có nhiều vấn đề bị cho là "nhạy cảm". Vậy những thứ "nhạy cảm" đó có ảnh hưởng đến tính minh bạch trong xã hội VN hay không, đó là những điều mà chúng ta sẽ thảo luận ngày hôm nay với sự tham gia của 4 bạn trẻ Minh Hiển, Quang Sơn, Đắc Đạt và Trung Dũng
Chân Như: Theo các bạn, sự minh bạch cần thiết như thế nào trong xã hội Việt Nam ngày nay? Vì sao?
Minh Hiển: Xin chào các bạn, để trả lời sự minh bạch cần thiết như thế nào thì thật ra Hiển đang nghĩ đến cách đặt vấn đề ngược lại thay cho câu trả lời.  Đấy là giả sử người dân không cần sự minh bạch từ phía guồng máy nhà nước nữa, tức là đã tự bịt vào mắt mình để trở thành một thứ công cụ chứ không còn khái niệm người dân làm chủ nữa.
Quang Sơn: Sự minh bạch rất cần thiết trong xã hội Việt Nam bởi vì việc chúng ta minh bạch hay không một vấn đề là thể hiện sự công bằng trong xã hội.  Việc thiếu minh bạch trong xã hội Việt Nam sẽ tạo nên sự bất công trong xã hội, sẽ tạo nên sự độc quyền, sự độc tài, sự mập mờ trong thông tin và khiến cho tất cả mọi người đều mù mờ khi những thông tin bị thiếu.
Đặc Đạt: Em xin đưa vấn đề chính : ở bất cứ một tập thể nào cũng thế, không riêng gì một đất nước, đều cần có một sự minh bạch. Bởi, nếu không có sự minh bạch thì mọi thứ sẽ là dối trá và xã hội đấy không có tính chân thực, mọi người không tin tưởng nhau được.
Trung Dũng: Em hoàn toàn đồng tình với các ý kiến trên.  Theo em nếu xã hội không có sự minh bạch sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa con người trong xã hội; Ở trong đấy, sẽ có một số người họ sẽ lợi dụng sự không minh bạch đó để chiếm quyền đoạt lợi, để khiến cho những người khác cũng có hoàn cảnh như thế nhưng họ không được hưởng những thứ mà đáng lẽ họ được hưởng.
Thực trạng xã hội
Chân Như: Qua những chuyện lùm xùm gần đây, đơn cử như chuyện tài sản ông Trần Văn Truyền-nguyên Tổng thanh tra chính phủ- bị báo chí phanh phui, bạn có cho đó là bước chuyển mình của xã hội Việt Nam trong việc hình thành minh bạch hóa xã hội?
Trung Dũng: Theo em nó chỉ là sự đấu đá hạ bệ lẫn nhau thôi chứ chưa phải là sự minh bạch hoá trong xã hội.  Mình muốn minh bạch hoá thì không chỉ gọi là một vụ ông sắp về hưu rồi mới lôi ra.  Mà sự minh bạch hóa cần phải gọi công khai toàn bộ tất cả những tài sản của toàn bộ người lãnh đạo.
Việc phanh phui ra một người đã về hưu chẳng có ý nghĩa gì cả, nó chỉ có ý nghĩa khi chúng ta minh bạch hoá được tất cả những tài sản của các quan chức đang nắm giữ quyền lực bây giờ.
- Quang Sơn
Minh Hiển: Mình cho rằng việc nhận xét đấy nó hơi quá lạc quan bởi vì trong những năm gần đây chúng ta đều thấy ngày càng có nhiều những đại cán tham nhũng được công luận biết đến.  Chúng ta thậm chí cũng được chứng kiến rất nhiều những đợt kèn trống linh đình và các chương trình chống tham nhũng.  Nhưng thực tế cả một bầy sâu lại chả bắt được con sâu nào thậm chí lại còn được gọi là X là Y vân vân.  Vì vậy tôi cho rằng việc minh bạch hoá xã hội không thể đến theo cách gọi là xin, cho hoặc ban phát như vậy được.
Đắc Đạt: Theo ý kiến của em thì em cũng đồng tình với bạn Trung Dũng vừa nói.  Vụ việc như việc ông Truyền vừa xảy ra, em cho rằng đấy là hậu quả của sự đấu đá lẫn nhau và hạ bệ lẫn nhau.  Em cũng cho rằng xã hội Việt Nam ngày nay nó cũng giống như một cơ thể mang rất nhiều những khối u nhọt, đến một lúc nào đấy sẽ vỡ ra mà không làm thế nào để che dấu được thì bắt buộc họ phải công khai.  Cho nên em cũng cho rằng đây thật sự không phải là sự chuyển mình về vấn đề minh bạch hoá trong xã hội Việt Nam
Quang Sơn: Em rất là đồng tình với bạn trả lời đầu tiên (Trung Dũng).  Đúng là chống tham nhũng hiện nay em thấy nó chỉ là một cái sự thanh toán lẫn nhau trong nội bộ và thậm chí người ta thường nói “kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Việc ông Truyền, ông chỉ là một đại diện cho cả một tập đoàn tham nhũng.  Việc chống tham nhũng ở Việt Nam bây giờ bản chất của nó cũng chỉ là cuộc nội chiến tương tàn giữa chính tầng lớp đồng chí của nội bộ đảng, nội bộ nhà nước hoặc là của chính giòng họ có chung một nhóm lợi ích với nhau.  Việc phanh phui ra một người đã về hưu không còn tại chức tại quyền, không còn tiếng nói nhiều lắm trong chính phủ này, nó chẳng có ý nghĩa gì cả, nó chỉ có ý nghĩa khi chúng ta minh bạch hoá được tất cả những tài sản của các quan chức đang nắm giữ quyền lực bây giờ, chứ không phải một người đã về hưu.
000_Hkg10125349-400.jpg
Công việc hàng ngày của người lao động nghèo VN. AFP photo
Chân Như: Trong thực tế của Việt Nam hiện nay, nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực khi ai đó đề cập đến những sai trái, gian dối thì bị gắn cho cái mark “nhạy cảm” hay “ bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá”.  Liệu đó có phải là biểu hiện của việc thiếu minh bạch, ngăn cản việc công khai những sự sai phạm trong xã hội hay không ? Đối với người dân, người ta sẽ có thái độ ra sao trong những vấn đề bị cho là "nhạy cảm" kia ?
Quang Sơn: Đây chính là biểu hiện của việc thiếu minh bạch, bởi vì cứ mỗi lần có ai phanh phui ra bất kỳ vụ gì hay động đến bất kỳ một người nào đang tại chức thì lập tức bị ném đá.  Thậm chí vừa rồi chúng ta có thể biết rằng những người rất nổi tiếng như thầy giáo Vũ Mạnh Hùng, thầy giáo Đỗ Việt Khoa những người phanh phui ra rất nhiều những vụ sai phạm về tham nhũng ở trong xã hội Việt Nam.Dĩ nhiên, đó chỉ là phanh phui những vụ cấp thấp nhưng rõ ràng lập tức bị cơ quan an ninh họ gán cho cái mark là thế lực phản động lợi dụng để chống phá, để làm mất niềm tin vào đảng và nhà nước.  Đây rõ ràng là việc thiếu minh bạch trong xã hội và ngăn cản việc công khai sự thật của một giai đoạn trong xã hội.  Bởi những hành động đó đối với người dân thì thái độ của họ đã quá chán nản và họ coi tham nhũng nó trở thành một thứ chất bôi trơn cho hệ thống này chạy một cách trơn tru hơn. Người dân gần như họ thờ ơ, và coi đây là việc dĩ nhiên phải có.
Nếu xã hội Việt Nam có nhiều phát triển minh bạch hơn thì đương nhiên là vấn đề tham nhũng hoặc là làm quyền sẽ giảm đi.
- Đắc Đạt
Minh Hiển: Chúng ta đang nói đến vấn đề thông tin.  Mỗi chúng ta cần phải hiểu được rằng quyền thông tin là phần không thể thiếu cho các quyền cơ bản của con người.  Điều này đã nằm trong các công ước quốc tế quan trọng về quyền con người rồi.  Vì vậy việc gắn những mark “nhạy cảm” hay “thế lực thù địch lợi dụng” vân vân, là rõ ràng đây là biểu hiện của việc thiếu minh bạch và chụp mũ và coi quyền thông tin vốn là quyền cơ bản của con người như một thứ gì đó do nhà nước có thể ban phát.
Điều này mâu thuẫn với tất cả những lời nói về việc thực thi quyền con người theo công ước quốc tế.  Còn thái độ của người dân như thế nào thì mình cho rằng điều này, người dân nói chung, bất kể nhà nước có tìm cách cất giấu những thông tin mà họ cho là nhạy cảm thì người dân chúng ta cũng bằng cách này hay cách khác cũng tìm cách tiếp cận chúng thôi.  Nói chung là đã qua thời nhà nước có thể bao cấp toàn bộ từ những thông tin cho đến tư tưởng.  Ngày nay mạng xã hội, rồi blogs vân vân thì việc kiểm soát chặt chẽ thông tin đấy là điều nói chung là (chính phủ Việt Nam) không thể thực hiện được ít nhất là về mặt kỹ thuật.
Đắc Đạt: Em có một chút bổ sung thêm.  Thật sự đấy là biểu hiện của sự thiếu minh bạch bởi vì xã hội của Việt Nam thời gian trước thì họ có thể che dấu một cách rất tốt  nhưng do xã hội hiện nay mạng internet phát triển nên khó có thể có sự thiếu minh bạch
Trung Dũng: Em cũng hoàn toàn đồng ý với những nhận xét trên thôi và em chỉ muốn nói thêm đặc biệt là điều 258 và điều 88, đó chính là những điều đã hạn chế quyền tự do ngôn luận của mỗi người.  Vì khi có quyền tự do ngôn luận mọi người nói gì họ muốn thì  sẽ tạo ra được sự minh bạch.
Minh bạch và tham nhũng
Chân Như: Vừa qua tổ chức minh bạch quốc tế công bố báo cáo tình hình tham nhũng toàn cầu, theo đó, tình hình tham nhũng tại VN không có biến chuyển. Theo các bạn, nếu xã hội Việt Nam minh bạch hơn, thì tình hình tham nhũng sẽ có biến chuyển thế nào?
d3fe785e-3021-440d-98e5-bce8c5b61d39-400.jpg
Mọi người xếp hàng bên ngoài một cửa hàng điện thoại Nokia ở Hà Nội để mua điện thoại giảm giá vào ngày 03 tháng 12 năm 2014. AFP photo
Đắc Đạt: Theo em nếu xã hội Việt Nam có nhiều phát triển minh bạch hơn thì đương nhiên là vấn đề tham nhũng hoặc là làm quyền sẽ giảm đi. Tuy nhiên, đấy chưa phải là vấn đề mấu chốt mà nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nữa, nhưng chắc chắn nó sẽ giảm đi.
Minh Hiển: Đầu tiên chúng ta đang nói đến vấn đề về quan hệ giữa tham nhũng và minh bạch thông tin thì đầu tiên Hiển nghĩ cần phải nói về mối quan hệ giữa tham nhũng với minh bạch thông tin đã.  Việc để xảy ra tham nhũng là do tình trạng thứ nhất là độc quyền cộng bưng bít thông tin và thứ ba là thiếu vắng trách nhiệm giải trình từ các bộ máy cơ quan nhà nước và cả hệ thống nhà nước nói chung.  Ở Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia vừa rồi có thể nói là tụt hạng về nạn tham nhũng. Đặc điểm chung là cả hai quốc gia đều chỉ thực hiện những cuộc phô diễn rầm rộ về chống tham nhũng, mà thiếu hẳn cái minh bạch thông tin độc quyền và các trách nhiệm giải trình.  Vì vậy, nếu chúng ta chỉ nói đến vấn đề về minh bạch thông tin thì nó chỉ là một trong những điều kiện cần mà thôi chứ chưa phải là toàn bộ các điều kiện đủ vì sẽ đến lúc tham nhũng nó lại biến tướng sang một kiểu cách thức khác tinh vi, phức tạp hơn thì tình trạng đấy nó lại tiếp diễn.
Quang Sơn: Em cũng khá đồng tình với quan điểm của anh Hiển và anh Đạt vừa rồi. Tuy vậy, theo quan điểm của riêng em, nếu Việt Nam có minh bạch hơn thì tình hình tham nhũng của Việt Nam có biến chuyển, nhưng sẽ là không đáng kể. Theo suy nghĩ của em, tham nhũng Việt Nam hiện nay nó là văn hoá, là tập quán của người Việt trưởng thành khi đã bước vào một ngưỡng cửa công chức.
Việc này đã làm cho xã hội bị đình trệ quá lâu, nguồn lực nhân lực lớn của đất nước bây giờ họ chỉ có một suy nghĩ là chỉ mong xây dựng cuộc sống của mình gắn liền với quan niệm là phải ổn định, được nhàn hạ, ít phải động não, và họ sẽ làm ra được nhiều tiền từ những trạng thái làm việc rất là mơ hồ.  Và chúng ta thấy rằng một tập thể con người có học lớn trong xã hội Việt Nam bây giờ họ tham gia vào việc hợp thức hoá những việc, đơn cử như việc rửa tiền, họ coi đó như là công việc hằng ngày và không có khái niệm đây là phạm tội.
Với tư duy của người Việt Nam bây giờ, đồng ý là nó sẽ có minh bạch lên nhưng tham nhũng sẽ phát triển ngày càng tinh vi và nguy hại hơn trong nền kinh tế vốn đang bế tắc và thậm chí nợ công ngập đầu của chúng ta. Vì thế chúng ta có thể dễ dàng thấy bẳng một số những cái đơn giản, ví dụ như việc mời thầu trong xây dựng, tỉ lệ ăn chia phần trăm dự án, hoặc những hình thức cung cấp hồ sơ đấu thầu hay chào thầu hay quân xanh quân đỏ vân vân; Nó được bật đèn xanh hết từ những hệ thống điều hành từ bên trên.
Và em thấy rằng không chỉ cơ quan công quyền mà người dân đã có rất nhiều các hình thức tham nhũng và những hình thức tiếp tay khác liên quan đến cuộc sống của chính họ và họ ngoan ngoãn tiếp tay cho những tham nhũng đó có thể là vì lợi ích trước mắt của họ hoặc là những lợi ích lâu dài của họ mà ít ai dám nói ra.  Theo quan điểm của em là kể cả có minh bạch xã hội Việt Nam này lên nhưng sẽ không đáng là bao nhiêu so với tham nhũng ngày càng trở nên tinh vi hơn.
Nhưng thực tế cả một bầy sâu lại chả bắt được con sâu nào thậm chí lại còn được gọi là X là Y vân vân.  Vì vậy tôi cho rằng việc minh bạch hoá xã hội không thể đến theo cách gọi là xin, cho hoặc ban phát như vậy được. 
- Minh Hiển
Trung Dũng: Theo em minh bạch hơn cùng lắm tăng thêm được vài bậc, chứ chưa gọi là  triệt hẳn gốc rễ của vấn đề tham nhũng.  Em đồng ý ý kiến của anh Sơn về tham nhũng này đã ăn vào văn hoá, trong tiềm thức của người Việt rồi, nên muốn làm triệt để sự tham nhũng này thì cần phải có sự thay đổi cả văn hoá nữa.
Chân Như: Theo bạn, để có một xã hội minh bạch và con người Việt Nam có được lòng tự trọng, tự tôn dân tộc thì chúng ta phải làm gì?
Minh Hiển: Tất nhiên đây là câu hỏi có phạm vi rất rộng. Theo Hiển thì là một câu trả lời vắn tắt  sẽ không thể diễn đạt hết được. Vì thế, Hiển muốn nói đến một việc cơ bản mà bản thân mỗi chúng ta mỗi ngày có thể thực hiện được đó là tự nâng cao những nhận thức và hiểu biết của mình về mảng trí thức mà thôi; Tìm hiểu những quyền căn bản của mình theo các tiêu chuẩn quốc tế phổ quát cũng là trong một những việc cần làm.
Quang Sơn: Đúng như anh Hiển nói tự bản thân mỗi người chúng ta phải tự tìm hiểu về những quyền của mình và tự nâng cao trí thức của mình. Mình phải nói cho nhiều người bạn bè xung quanh mình và chính bản thân cũng phải đứng lên, cũng phải chống lại những bất công, chống lại những tham nhũng trong xã hội như bạn Dũng nói. Theo em việc chống tham nhũng chỉ hữu hiệu khi chúng ta phải quán triệt từ tư tưởng chứ không phải chỉ chống tham nhũng mà chúng ta cứ chấp nhận việc tham nhũng bằng cách như lách luật.  Em thấy có câu nói rất hay rằng “Việc lựa chọn đứng giữa hai bên là bất công và chống lại bất công, việc bạn không đứng về phía bên nào thì thực chất bạn đã đứng về phía bất công rồi”. Mỗi người dân chúng ta ai cũng chỉ cần im lặng thôi là đã tiếp tay cho sự tham nhũng, sự không minh bạch rồi. Tất cả mọi người chúng ta ai cũng phải ý thức được quyền lợi,nghĩa vụ, trách nhiệm của mình.
Đắc Đạt: Theo em, bản chất của tham nhũng xuất phát từ vấn đề độc quyền về quyền lực cũng như quyền lãnh đạo.  Nên em nghĩ từ vấn đề ấy nẩy sinh rất nhiều vấn đề khác. Muốn đạt được những điều ấy người dân phải có những quyền tự do cơ bản mình trước đã và trong một xã hội tự do mỗi người dân nhận thức được trách nhiệm của mình với xã hội. Đấy người ta mới có thể có ý thức để xây dựng lên một xã hội tốt đẹp hơn.
Trung Dũng: Em cũng đồng quan điểm với tất cả những ý kiến trên.
Chân Như: Vâng xin cám ơn 4 bạn Đắc Đạt, Minh Hiển, Quang Sơn và Trung Dũng đã dành thời gian để đến với diễn đàn bạn trẻ kỳ này.
Chân Như cũng hy vọng các bạn trẻ đang nghe chương trình cũng sẽ tham gia vào hội luận để hầu nêu lên chính kiến của mình, đó là quyền bày tỏ mà mỗi con người trên trái đất này đều phải có. Các bạn có thể gởi email về cho Chân Như qua hoangc@rfa.org hay theo dõi Chân Như qua facebook tạifacebook.com/Channhu.rfa

No comments:

Post a Comment