(Baodatviet) - Từ khi nắm quyền kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ, Đảng Cộng hòa Mỹ đã dần hé lộ đường lối chính sách về Biển Đông.
Mới đây, một báo cáo mới công bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông, báo GMA News của Philippines cho hay.
Trong bản báo cáo công bố hôm 5/12, Cục Hải dương - môi trường quốc tế và các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ biển Đông mà Bắc Kinh đưa ra trong cái gọi là “đường 9 đoạn” là “không phù hợp với luật pháp quốc tế về biển”.
Bản báo cáo dài 24 trang khẳng định, Trung Quốc đã không thể đưa ra được bất kỳ “tuyên bố chủ quyền lịch sử hợp pháp" nào đối với khu vực trong “đường 9 đoạn”.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ biển Đông mà Bắc Kinh đưa ra trong cái gọi là “đường 9 đoạn” là “không phù hợp với luật pháp quốc tế về biển”. |
Căn cứ vào Công ước Quốc tế của Liên hiệp quốc về luật biển (UNCLOS), báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ kết luận rằng, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông là “đi ngược lại luật pháp quốc tế”.
“Một quốc gia đưa ra tuyên bố chủ quyền không thể chỉ dựa trên các tuyên bố không công khai hoặc các tài liệu mơ hồ như là nền tảng cho tuyên bố chủ quyền được đưa ra. Thay vào đó, các quốc gia phải thiết lập được tuyên bố chủ quyền một cách cởi mở, công khai và với sự minh bạch đầy đủ”, báo cáo viết.
Báo cáo tiếp tục khẳng định lập trường của Washington rằng, Trung Quốc không thể dùng “đường 9 đoạn” để “đơn phương thiết lập đường hải giới với một quốc gia khác”, và “việc phân định hải giới các vùng chồng lấn cần được đàm phán giữa các nước ven biển”.
Theo báo cáo, “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không thể được sử dụng làm biên giới cho lãnh hải của nước này, bởi đường này vượt quá giới hạn 12 hải lý mà UNCLOS đưa ra.
“Đường 9 đoạn” phản ánh lập trường đơn phương của Trung Quốc về vị trí hải giới của nước này với các nước láng giềng. Lập trường như vậy không phù hợp với luật pháp quốc tế về phân định hải giới”, báo cáo có đoạn viết.
Đây là động thái mới nhất sau khi Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết về biển Đông và biển Hoa Đông. Cụ thể, ngày 4/12 (giờ Việt Nam) đã thông qua nghị quyết về biển Đông và biển Hoa Đông với số phiếu ủng hộ tuyệt đối.
Nghị quyết trên có mã số H.Res-714 với các nội dung nhằm tái khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được các nước công nhận đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông.
Thêm vào đó, nghị quyết này cũng khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với tự do hàng hải, việc sử dụng các vùng biển và vùng trời ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế.
Đồng thời, nghị quyết H.Res-714 lên án mọi hành động cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực gây cản trở các quyền tự do tại các vùng biển và không phận quốc tế.
Theo nhận định của nhiều nhà quan sát, việc đảng Cộng hòa giành quền kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ sẽ không làm thay đổi đường lối ngoại giao của Mỹ, trong đó có chính sách châu Á. Thậm chí, chính sách này còn có thể được củng cố thêm, với vế an ninh quân sự, cũng như kinh tế, thương mại có thêm hỗ trợ từ phía lập pháp.
Với những động thái mới đây của Mỹ về vấn đề Biển Đông và Hoa Đông cho thấy, quốc gia này ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế và không chấp nhận hành động cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực của kẻ mạnh.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 7/12, Trung Quốc lên án Philippines, cho rằng nước này gây áp lực cho Bắc Kinh do kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vấn đề tranh chấp biển đảo, một lần nữa từ chối tham gia vụ kiện một tuần trước hạn chót hồi đáp.
Từ trước đến nay, Trung Quốc đã từ chối trọng tài quốc tế, khẳng định các vấn đề sẽ được giải quyết trên cơ sở song phương. Lần này, tòa án này quốc tế gia hạn cho Trung Quốc tới 15/12.
Tuyết Minh
No comments:
Post a Comment