Chuyên gia và những người quan tâm đến những vấn đề của các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đang e ngại hơn bao giờ hết khi chứng kiến hơn hai chục lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng ở Trung Quốc. Những thảm kịch liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản vẫn chưa mờ trong ký ức của nhiều người, và giờ đây nguy cơ đó lại đang hiển hiện rõ hơn bao giờ hết, ở Trung Quốc.
Dễ hiểu tại sao chính phủ Trung Quốc lại xây dựng một con số quá lớn các lò phản ứng hạt nhân như vậy ở thời điểm hiện tại. Trung Quốc hiện đang là quốc gia có tốc độ tăng trưởng thuộc diện nhanh nhất hành tinh, ước tính quá trình phát triển của cường quốc kinh tế này đang ngốn khoảng 1/3 nguồn nguyên liệu và nhiên liệu cả thế giới đang sử dụng. Tốc độ tăng trưởng như vũ bão ấy đòi hỏi những nguồn cung cấp năng lượng ổn định.
Tính đến thời điểm hiện tại, thật bất ngờ khi than mới đang là nhiên liệu chính được sử dụng để tạo nên phần lớn nguồn điện ở Trung Quốc. Lượng điện được sản xuất từ than chiếm 4/5 lượng điện mà Trung Quốc sử dụng dù nước này đang sở hữu những con đập và hệ thống thủy điện khổng lồ.
Hệ quả của điều này là mỗi năm ở Trung Quốc có khoảng nửa triệu người chết sớm do tác động trực tiếp từ quá trình sản xuất điện từ than. Không chỉ thế, nguồn năng lượng dựa vào than được cho là sẽ không đủ để đáp ứng khi kinh tế Trung Quốc mở rộng quy mô hơn nữa trong những năm tới, buộc chính phủ Trung Quốc phải có những giải pháp khác.
Chính vì thế, năng lượng hạt nhân, vốn đảm bảo một nguồn cung cấp năng lượng ổn định và dồi dào đã được lãnh đạo Trung Quốc chọn lựa, bất kể những cảnh báo từ các tổ chức năng lượng và giới chuyên gia về mức độ rủi ro khi chọn giải pháp năng lượng hạt nhân thay vì các nguồn năng lượng khác như gió hay năng lượng mặt trời. Kinh nghiệm đau thương của nhà máy Fukushima ở Nhật Bản cùng với thực tế rằng nhiều vùng ở Trung Quốc luôn phải đối mặt với động đất và nạn lở đất thường xuyên sẽ mang lại những thảm họa cho các nhà máy điện hạt nhân này, tác động tới con người và môi trường sẽ là khôn lường.
Điều thực sự khiến giới chuyên gia lo ngại là việc thiếu vắng những quy định và tiêu chuẩn nghiêm ngặt và khắt khe trong quá trình xây dựng các cơ sở kỹ thuật cao ở Trung Quốc. Áp lực chính trị ở nước này luôn có một vị thế đáng kể trong các dự án siêu công nghệ, dẫn đến các tiêu chuẩn kỹ thuật thường bị xem nhẹ. Không ai có thể quên vụ tai nạn tàu cao tốc thảm khốc ở Ôn Châu năm 2011 cũng bắt nguồn từ sức ép chính trị muốn có đường sắt cao tốc nhanh nhất thế giới đã dẫn đến các sai sót về kỹ thuật.
Áp lực ấy trong dự án xây dựng các tổ hợp nhà máy điện hạt nhân lại càng lớn hơn, khi nó dính dáng đến yêu cầu đảm bảo nguồn cung cấp điện cho quá trình phát triển như vũ bão của Trung Quốc, và nhất là khi thể diện của ngành công nghiệp nước này được ve vuốt khi mẫu thiết kế được cho là phát minh sáng chế của các doanh nghiệp trong nước. Người ta khó có thể an lòng khi chứng kiến Trung Quốc xây dựng các nhà máy hạt nhân một cách đầy hào hứng khi mà ở rất nhiều nơi trên thế giới các nhà máy điện hạt nhân đã đóng cửa, lò phản ứng lớn nhất châu Âu ở Ukraina đã chính thức đóng cửa trong tuần vừa rồi.
Nguồn điện hạt nhân, ngày càng có xu hướng trở thành một lựa chọn của người nghèo, khi những rủi ro khủng khiếp của nó ngày càng được chứng minh là rất dễ xảy ra. Kể cả các cường quốc hàng đầu về kỹ thuật năng lượng hạt nhân cũng đã bắt đầu tính đến chuyện rời bỏ nguồn năng lượng này, nhưng ở Trung Quốc – nơi vẫn chưa được xem là cường quốc kỹ thuật năng lượng hạt nhân – người ta vẫn đang rất hào hứng với thái độ chưa quan tâm đúng mức đến hậu quả.
Không chỉ có chính phủ và giới lãnh đạo Trung Quốc, vốn là những người muốn có nguồn cung cấp điện năng hiệu quả từ điện hạt nhân mà lờ đi những rủi ro của nguồn năng lượng này, mà cả người dân Trung Quốc cũng thể hiện sự thờ ơ kỳ lạ. Nhiều người Trung Quốc cho biết họ lo ngại về tình hình ô nhiễm không khí một phần lớn do bụi than sản xuất điện hơn là nguy cơ rò rỉ lò phản ứng hạt nhân.
Điều này đang cảnh báo một nguy cơ khổng lồ, Trung Quốc có thể biến thành một quả bom nổ chậm bất cứ lúc nào. Một dự án siêu công nghệ với mức đầu tư thuộc diện đứng đầu như đường sắt cao tốc Ôn Châu còn xảy ra chuyện, thì không hiểu những nhà máy điện hạt nhân Made in China này an toàn đến đâu.
19:19 10-12-2014
- Nhàn Đàm (theo The Economist)
No comments:
Post a Comment