Nguyên Thạch (Danlambao) - Dân ta thường nói "Đất lành chim đậu" hay "Cây cam ở vùng đất tốt sẽ đơn hoa kết trái ngọt ngào, ngược lại cũng cây cam nhưng trên vùng đất xấu sẽ èo uột và chua chát".
Người Đại Hàn (còn gọi là Triều Tiên) dẫu ở Nam hay ở Bắc thì vẫn là người Đại Hàn, nhưng chính vì thể chế vận hành quốc gia của 2 miền đã dẫn đến một sự cách biệt rất lớn về tư duy, đời sống xã hội cũng như kỹ nghệ và kinh tế... sự khác biệt này ví như ngày với đêm, như trắng với đen.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:
Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến xảy ra và kéo dài từ giữa năm 1950 đến năm 1953 trên bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vì sự chiếm đóng tạm thời của Liên Xô và Hoa Kỳ. Chiến sự được châm ngòi vào ngày 25 tháng 6 năm 1950 khi Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) tấn công Đại Hàn Dân quốc (Nam Triều Tiên). Quy mô cuộc chiến trở nên lớn khi lực lượng của Liên hiệp quốc được Hoa Kỳ lãnh đạo và sau đó là Chí nguyện quân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa can thiệp. Chiến cuộc kết thúc khi hai miền đạt được một thỏa hiệp ngừng bắn vào ngày 27 tháng 7 năm 1953.
Lực lượng hỗ trợ chính cho miền Bắc là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với sự tiếp ứng hạn chế của Liên Xô trong hình thức các cố vấn quân sự, phi công quân sự và vũ khí. Đại Hàn Dân Quốc được lực lượng Liên hiệp quốc, chủ yếu là quân đội Hoa Kỳ, hỗ trợ. Trước cuộc xung đột, CHDCND Triều Tiên và Đại Hàn Dân Quốc tồn tại như hai chính phủ lâm thời đang tranh giành ảnh hưởng kiểm soát toàn bộ Bán đảo Triều Tiên.
Ở Việt Nam, ai cũng biết Hiệp định Genève 1954, lấy sông Bến Hải làm lằn ranh giữa 2 miền, từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc thuộc VNDCCH tức Việt Nam cộng sản, từ vĩ tuyến 17 trở vô Nam thuộc VNCH.
Người cộng sản, cho dẫu ở Bắc Hàn Kim Nhật Thành hay ở Bắc Việt Hồ Chí Minh cũng đều mang những tham vọng giống nhau là phải dùng mọi phương tiện để đánh và cướp cho bằng được đối thủ miền nam, điều đó được xem là chủ trương, là cứu cánh.
Cho bán đảo Triều Tiên, chúng ta hãy đưa ra những "kịch bản" để ước đoán sự việc nó sẽ ra sao, giá như sau 1953, Bắc Hàn tiếp tục thực hiện mưu đồ tấn công và cướp được Nam Hàn thì giờ này (2014) cả Đại Hàn thống nhất dưới thể chế độc đảng toàn trị và thực hiện việc tiến lên XHCN thì cả nước sẽ như thế nào?. Kịch bản này, tác giả xin nhường lại phần suy đoán và bình luận cho bạn đọc.
May thay cho dân Nam Hàn vì trên thực tế, kịch bản đó đã không xảy ra và như phần đông đều biết. Nam Hàn được xem là một trong những con rồng châu Á với mức thu nhập GDP khá cao 25.000 USD vào năm 2007, GDP bình quân 2012: 49.965 USD.
Nam Hàn đạt được vị trí đứng hàng thứ 3 ở châu Á và hàng thứ 10 trên thế giới cùng nền kỹ nghệ điện tử, xe hơi, chiếm được vị thế trên thương trường quốc tế rất sung mãn. Hàng hóa của Nam Hàn khá đạt tiêu chuẩn và cộng đồng nhân loại cũng đã hài lòng.
Thật vinh dự và đáng tự hào, sau Chiến tranh Triều Tiên, kinh tế Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một trong những nước giàu nhất. Cuối thế kỷ 20, Hàn Quốc là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. GDP (PPP) bình quân đầu người của đất nước đã nhẩy vọt từ 100 USD vào năm 1963 lên mức kỉ lục 10.000 USD vào năm 1995 và 25.000 USD vào năm 2007. Bất chấp các ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á 1997, nước này đã khôi phục kinh tế rất nhanh chóng và vững chắc.
Người ta thường nhắc đến sự phát triển thần kỳ về kinh tế của Hàn quốc như là "Huyền thoại sông Hán", đến nay huyền thoại này vẫn tiếp tục. Hàn Quốc cũng là một nước phát triển có sự tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 5% mỗi năm - một phân tích gần đây nhất bởi Goldman Sachs năm 2007 đã chỉ ra Hàn Quốc sẽ trở thành nước giàu thứ 3 trên thế giới vào năm 2025 với GDP bình quân đầu người là 52.000 USD [1] và tiếp 25 năm sau nữa sẽ vượt qua tất cả các nước ngoại trừ Hoa Kỳ để trở thành nước giàu thứ hai trên thế giới, với GDP bình quân đầu người là 81.000 USD [2].
Hãy đơn cử một vài so sánh giữa Nam và Bắc Hàn:
Sau mấy chục năm, Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế, đứng vào hàng ngũ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hàn Quốc có những công ty nổi tiếng toàn cầu như Samsung, Hyundai, LG...
Miền Bắc trung thành với triết lý tự cung tự cấp, trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.
Dưới đây là một số dữ liệu cho thấy sự khác nhau rõ rệt giữa hai miền về kinh tế và xã hội.
- GDP của Hàn Quốc (sức mua tương đương) là 1,622 tỷ USD. Triều Tiên là 40 tỷ USD.
- GDP của Hàn Quốc (tỷ lệ tăng trưởng thực tế) là 2,7%. Triều Tiên là 0,8%.
- GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc là 32.400 USD tại Hàn Quốc. Triều Tiên chỉ là 1,800 USD.
- Xuất khẩu của Hàn Quốc là 552,6 tỉ USD, trong khi của Triều Tiên chỉ là 4,71 tỉ USD.
Trở về với Việt Nam, theo cổng tin điện tử từ văn phòng của Thủ tướng thì thu nhập bình quân đầu người của 2013 là khoảng 1.960 USD. Đây là thống kê của nhà nước VN, còn thực hư như thế nào thì chưa rõ. (3)
Sau khi tham khảo những con số khác biệt giữa Nam Hàn và Bắc Hàn về mọi chi tiết từ cuộc sống cho đến nguồn thu nhập, từ mức sinh hoạt cho đến niềm tự hào, tiếng thơm cũng như tiếng thúi trước cồng đồng thế giới, chúng ta thấy rằng Việt Nam dường như giống hệt Bắc Hàn về nhiều mặt. Tuy nhiên, khi nói thì cũng phải lột cho cạn lời là Việt Nam có phần hơn Bắc Hàn là sách lược "trai đi lao nô, gái đĩ xứ người" hầu mong thu hồi ngoại tệ.
Như đã nêu trên, Nam Hàn hay Bắc Hàn thì cũng là người Đại Hàn. Bắc Việt hay Nam Việt thì cũng đều là người Việt. Người miền Bắc "đã chiến thắng" và cướp được miền Nam, họ biến những con người này thành khối nạn nhân có cùng chung số phận với người miền Bắc trước đó, nghĩa là nghèo khổ, khốn khó, gian manh, lừa dối... giống nhau. Sau 40 năm dưới cái gọi là thống nhất để rồi xuyên suốt 40 cả nước lâm vào cảnh nghèo đói lầm than, dân oan lê thân khắp 2 miền đất nước!
Trước sự thất bại thê thảm hiển nhiên này, đảng và guồng máy cầm quyền luôn ngụy biện cho sự thất bạo não nề dưới bàn tay cai trị của mình bằng cách đổ lỗi cho chiến tranh mà quên rằng Nhật bản, Đại Hàn cũng là những nước đã phải trải qua chiến tranh và thậm chí là một trong những nước nghèo. Vậy mà họ đã vươn lên được ngang tầm với thế giới, trong khi VN vẫn luôn ù lì tụt hậu so với láng giềng hơn cả hằng trăm năm. Giờ đây, VN có nguy cơ thua sút với ngay cả Lào và Campuchea, thế mới đau!.
Họ vẫn luôn cay cú và đổ lỗi cho chất độc da cam vốn đã chìm vào dĩ vãng gần 40 năm về trước mà quên rằng trong hiện tại Tàu cộng đã và đang liên tục hàng ngày hàng giờ tống khứ những thực phẩm, những chất độc hại vào VN nhằm mục đích giết hại dần mòn dân tộc này mà chẳng cần tiếng súng xâm lăng.
Người Việt ở trong hay ngoài nước cũng đều là người Việt, có cùng lịch sử, có cùng chỉ số IQ giống nhau nhưng tại sao người Việt hải ngoại lại siêng năng cần mẫn, thành công rực rỡ, bên cạnh lo liệu cho cuộc sống riêng họ, cho gia đình cơ ngơi của họ, họ còn đã rất quan tâm thương yêu cũng như cưu mang những mảnh đời kém may mắn còn bị kẹt lại ở chốn "thiên đường XHCN" mà hàng năm, hàng chục tỉ đô la được gói ghém gởi về cố quốc, vô tình giúp chế độ kéo dài.
Cái sự khác biệt như ngày với đêm, như đen với trắng, như vườn thơm với địa ngục là do cái thể chế, cái chủ nghĩa. Đây là nguyên nhân chính mà một quốc gia có thể tiến đến Tự Do Dân Chủ Hạnh Phúc Nhân Bản và cường thịnh hay sa vào địa ngục trần gian. Thiết nghĩ người cộng sản không phải họ không biết điều đó nhưng bởi lòng tham hạ đẳng, vì lợi ích riêng tư cho cá nhân và băng đảng nên họ đã đan tâm quên đi cái lợi ích cao cả cho toàn dân tộc. Họ là những con người thấp hèn, thật vậy.
_________________________________
Chú thích:
No comments:
Post a Comment