Tại hội nghị tiếp xúc cử tri là doanh nghiệp (DN) với đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) diễn ra tại TP HCM mới đây, bà Lê Thị Giàu, Giám đốc Công ty Thực phẩm Bình Tây, đặt vấn đề: DN làm hàng tiêu dùng trong nước liệu có thua trên sân nhà hay không khi hàng loạt “ông lớn” từ Thái Lan vào Việt Nam mua lại hệ thống siêu thị Metro, đưa hàng Thái tràn ngập thị trường Việt Nam? Làm sao để hàng Việt vào nhiều hơn trong chuỗi siêu thị và cạnh tranh với hàng ngoại…?
Chỉ cầm cự!
Theo bà Lê Thị Giàu, DN bà sản xuất hàng thực phẩm với doanh thu mỗi năm trên 100 tỉ đồng nhưng cũng chỉ cầm chừng, không có lãi. Nếu các DN vừa và nhỏ không liên kết lại với nhau thì không thể cạnh tranh được với nước ngoài trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng. “Chưa hết, sản phẩm của chúng tôi còn phải vật lộn với hàng nhái, hàng giả kém chất lượng. Mới đây, một cơ sở sản xuất chả cá kém chất lượng với giá thấp vẫn được bán trong siêu thị, đến khi kiểm tra mới phát hiện ra, như vậy DN làm ăn chân chính khó cạnh tranh” - bà Giàu bức xúc.
Chính sách ưu đãi của nhà nước cần hướng đến hỗ trợ đào tạo quản lý, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hồng Thúy
Từ đầu năm 2015, khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ, các DN trong nước và hàng Việt sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn. ĐBQH Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX Thương mại TP (Saigon Co.op), cho biết ông từng đặt vấn đề với Bộ Công Thương về việc liệu chúng ta có đang bỏ quên sân nhà? So với các nhà sản xuất cùng ngành nghề, DN Việt gặp bất lợi do không cạnh tranh được về vốn, lãi suất và cả thị trường, trong khi DN ngoại có thị trường toàn cầu…
Dù tình hình kinh tế có dấu hiệu hồi phục, nhưng sức mua vẫn chậm, nếu muốn “bán chạy” mà không có khuyến mãi sẽ rất khó hút khách. “Tôi đề nghị bộ trưởng Bộ Công Thương cần có buổi làm việc trực tiếp với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, các DN và hiệp hội ngành nghề để bàn hướng tháo gỡ khó khăn cho DN. Về chính sách ưu đãi với hàng tiêu dùng sẽ rất khó thực hiện, bởi đụng các cam kết hội nhập, chỉ có thể hỗ trợ về đào tạo quản lý, chuyển giao công nghệ… Saigon Co.op sẵn sàng hỗ trợ DN trong nước đưa hàng vào siêu thị và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi” - ông Hòa nói.
Vẫn khó tiếp cận vốn
Dù lãi suất cho vay thời gian qua đã giảm nhiều và chính sách tín dụng được tháo gỡ, nhưng một số DN vẫn rất khó tiếp cận vốn vì vướng nợ xấu. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH Long Biên, chuyên sản xuất hàng thủy sản - cho rằng DN đã kiệt quệ, bây giờ có dự án tốt, bắt đầu phục hồi làm ăn và rất cần vay vốn nhưng tài sản đã thế chấp hết ở ngân hàng (NH) nên DN không thể vay mới. NH yêu cầu DN phải trả hết nợ cũ mới cho vay mới, kết quả là nhiều DN được thành lập mới nhưng thực tế là mượn người nhà đứng tên để chưa có nợ xấu, dễ vay vốn…
“Cần có chính sách tháo gỡ khó khăn này cho DN, như: khoanh nợ, giãn nợ để DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn và có chính sách cho vay trung dài hạn với lãi suất thấp để DN triển khai dự án đầu tư dài hơi” - ông Tuấn kiến nghị.
ĐBQH Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, chia sẻ bản thân DN ông cũng không được vay vốn trong suốt 3 năm rưỡi qua vì vướng nợ xấu. Sau đó, nhờ chính sách khoanh nợ, cơ cấu lại nợ và gần đây là chính sách cho vay tín chấp dựa trên dòng tiền của dự án, tính khả thi của dự án, cách đây 2 tháng, DN ông mới được vay vốn NH. Do đó, thời gian tới, với tư cách ĐBQH ông sẽ tiếp tục kiến nghị lên NH Nhà nước các chính sách về khoanh, giãn nợ để DN có thể tiếp cận vốn NH.
Thứ Ba, 19:12 09/12/2014
VŨ PHONG
No comments:
Post a Comment