Hình ảnh người biểu tình đòi dân chủ tập trung ở khu Trung Tâm Hồng Kông vào nhiều ngày đêm vừa qua làm tê liệt mọi sinh hoạt. Ngày 4 tháng 10, 2014-AFP
Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA 2014-10-08
Chưa biết là tình hình Hong Kong sẽ xoay chuyển theo hướng nào, người ta có thể tìm về những nguyên nhân sâu xa khiến một khu vực nổi danh thế giới về tự do và thịnh vượng lại trở thành một trung tâm nổi loạn. Diễn đàn Kinh tế sẽ nói về những nguyên nhân đó qua cuộc trao đổi của Vũ Hoàng cùng ông Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của đài Á Châu Tự Do.
Vũ Hoàng: Xin chào tái ngộ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa sau hai tuần vắng bóng vì tang lễ ở nhà. Thưa ông, tình hình Hong Kong có nhiều xoay chuyển bất ngờ và là mối quan tâm của thế giới. Nếu muốn dự đoán tương lai, ta có thể trở ngược về quá khứ; và trong phạm vi chuyên đề của diễn đàn này thì yếu tố kinh tế có giải thích được vì sao mà Hong Kong bị khủng hoảng chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ gút mắc Hong Kong là nan đề khó giải mà yếu tố kinh tế không thể giải thích hết nếu ta quên mất cái gốc là văn hóa rồi cái nhánh là chính trị. Có lẽ đây là một cuộc Cách mạng Văn hóa ngược!
Chúng ta sẽ phải đi từng bước thì may ra hiểu được nguyên ủy, rồi mới suy đoán ra hậu quả. Trước hết, vụ Hong Kong là một biểu hiện khủng hoảng của chính Trung Quốc vì lãnh đạo Bắc Kinh và người dân Trung Quốc không biết là họ muốn gì, cho nên khủng hoảng sẽ còn kéo dài mà chẳng tập trung vào Hong Kong. Đi vào đề tài theo lối nói ngược của tôi để khích động sự tò mò và tìm hiểu về lý do thì ta có thể phần nào nhìn ra vụ khủng hoảng Hong Kong khi nhớ lại rằng đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời tại Hong Kong vào đầu năm 1930.
Vũ Hoàng: Ông có cái lối nhập đề hấp dẫn, nhưng vì sao chuyện Hong Kong biểu tình lại có thể bắt rễ mọc mầm từ việc đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập tại khu vực này từ năm 1930?
Đây (Hongkong) cũng là nơi mà các đảng phái "cách mạng" của Tầu và của Ta, từ cuối đời Mãn Thanh đến thời Dân Quốc và Cộng Sảnsau này, đều tìm vào để xin tỵ nạn chính trị hoặc để phát triển cơ sở đấu tranh cho vùng Hoa lục hay Việt NamNguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nhắc đến việc đảng Cộng sản Việt Nam ra đời tại Hong Kong vì người cộng sản nói chung có trí nhớ rất kém và bù đắp bằng lý luận hàm hồ nên thường xuyên bị khủng hoảng mà chẳng biết tại sao!
Đầu tiên, sự hiện hữu của Hong Kong có thể phủ nhận lý luận ngoa ngụy của Lenin về chủ nghĩa đế quốc. Hong Kong vốn là thuộc địa của Đế quốc Anh từ sau năm 1842 mà lại thành đấy trù phú, một trung tâm sinh hoạt tự do, đa nguyên và cởi mở trong 150 năm. Đây cũng là nơi mà các đảng phái "cách mạng" của Tầu và của Ta, từ cuối đời Mãn Thanh đến thời Dân Quốc và Cộng Sản sau này, đều tìm vào để xin tỵ nạn chính trị hoặc để phát triển cơ sở đấu tranh cho vùng Hoa lục hay Việt Nam.
Đặc điểm của Hong Kong như một thuộc địa Anh là người dân bản xứ tự động xây dựng được "xã hội dân sự", một "civil society" trước khi khái niệm này trở thành thông dụng, và một xã hội dân sự hướng về kinh tế theo quy luật tự do của thị trường. Vì là thuộc địa, dân Hong Kong không được bầu lên lãnh đạo, nhưng có tự do tư tưởng, tự do lập hội để sinh hoạt và giải quyết sinh kế trên nền tảng luật pháp của Đế quốc Anh và nhờ một bộ máy hành chính hữu hiệu.
Những yếu tố lịch sử đặc biệt ấy khiến Hong Kong là nơi cởi mở về tư tưởng, có mức độ tự do kinh tế số một của thế giới, là chuyện ai cũng nói đến, nhưng thật ra lại còn có một nét văn hóa riêng và trở thành một "bản sắc Hong Kong". Hiện tượng ấy kéo dài 155 năm cho tới khi Hong Kong "hồi quy cố quốc", trở lại là lãnh thổ Trung Quốc từ năm 1997. Từ đấy, yếu tố văn hóa đụng vào chính trị với biểu hiện là kinh tế!
Vũ Hoàng: Có lẽ thính giả của chúng ta hiểu ra từng bước trình bày của ông. Bây giờ, ta bước qua giai đoạn hồi quy cố quốc" của Hong Kong. Đâu là những yếu tố đáng ghi nhớ và có thể giải thích vụ khủng hoảng ngày nay mà ông nhấn mạnh là vừa văn hóa chính trị vừa kinh tế?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ năm 1984 đến 1997, khi thương thuyết với nước Anh việc thu hồi lại Hong Kong, lãnh đạo Trung Quốc thời đó là Đặng Tiểu Bình mới chỉ khởi sự cải cách kinh tế sau những mộng mị chết người của Mao Trạch Đông. Cho nên ông ta biết là phải duy trì đặc tính tự do kinh tế của Hong Kong để phát triển các tỉnh bên trong, mà tôi sẽ gọi chung là "Hoa lục" và đề ra nguyên tắc "một quốc gia hai chế độ". Hoa lục thì theo chế độ cộng sản, còn Hong Kong vẫn giữ ưu điểm tự do của chế độ tư bản và là hành lang hay bệ phóng của kinh tế Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Thế rồi tình hình biến chuyển ra sao mà ngày nay Hong Kong lại bị khủng hoảng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi phải nhắc lại rằng đây là một vụ khủng hoảng của Trung Quốc mà Hong Kong chỉ là một trong nhiều biểu hiện khác nhau.
Hong Kong là nơi cởi mở về tư tưởng, có mức độ tự do kinh tế số một của thế giới, là chuyện ai cũng nói đến, nhưng thật ra lại còn có một nét văn hóa riêng và trở thành một "bản sắc Hong Kong". Hiện tượng ấy kéo dài 155 năm cho tới khi HK "hồi quy cố quốc", trở lại là lãnh thổ Trung Quốc từ năm 1997Nguyễn-Xuân Nghĩa
Thứ nhất, sau 30 năm tăng trưởng nhờ quy luật thị trường Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế mà có vấn đề bên trong, là chuyện ta đã nhiều lần phân tích. Những vấn đề ấy xuất phát từ chế độ chính trị độc tài và trở thành bài toán cho đảng Cộng sản Trung Hoa mà họ không thể quy lỗi cho các nước thực dân đế quốc hay Tây phương. Một trong các giải pháp gỡ rối cho đảng là phát huy chủ nghĩa quốc gia dân tộc mà đảng này bỗng dưng trở thành đại biểu chân chính.
Thứ hai là số phận của Hong Kong 15 năm sau khi được sát nhập vào Trung Quốc và ta nói đến các vấn đề kinh tế. Hong Hong mất dần ưu thế cạnh tranh của một hải cảng lớn, một trung tâm chế biến có nhân công nhiều và rẻ và một giao điểm tài chính quốc tế đứng hàng thứ ba sau hai trung tâm New York và London. Với diện tích có hạn, Hong Kong tiếp nhận nhân công và tư bản từ Hoa lục ào ạt đổ vào nên bị nạn bong bóng đầu cơ khiến nhà cửa lên giá, khó tìm, bị ô nhiễm và dị biệt lợi tức gia tăng. Khi vụ khủng hoảng tài chính bùng nổ năm 2009, Hong Kong lại giàng giá đồng bạc vào đô la Mỹ nên bị thiệt cả hai đầu. Các vấn đề kinh tế ấy khiến người dân Hong Kong thất vọng với chính quyền sở tại mà họ cho là công cụ của Bắc Kinh và của các tài phiệt có quan hệ với Bắc Kinh.
Vũ Hoàng: Ông nhắc đến các vấn đề kinh tế này làm thính giả của chúng ta có thể ngạc nhiên vì ít ai chú ý đến sự kiện người dân Hong Kong lại thất vọng sau khi khu vực sinh hoạt của họ trở thành một Đặc khu Kinh tế của Trung Quốc.
Số phận của Hong Kong 15 năm sau khi được sát nhập vào TQ và ta nói đến các vấn đề kinh tế. HK mất dần ưu thế cạnh tranh của một hải cảng lớn, một trung tâm chế biến có nhân công nhiều và rẻ và một giao điểm tài chính quốc tế đứng hàng thứ ba sau hai trung tâm New York và LondonNguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng đúng như vậy, Hong Kong hết dẫn đầu thế giới về khả năng cạnh tranh mà còn bị tụt hạng sau Hoa Kỳ và Thụy Sĩ. Kế đó, Hong Kong bị các thành phố khác của Hoa lục cạnh tranh, như Thẩm Quyến, Quảng Châu và Thượng Hải, và mất dần bản sắc kinh tế cố hữu trong khi chính quyền địa phương lại chẳng giải quyết được nhưng cũng bắt đầu có triệu chứng tham nhũng mà người dân Hong Kong cho là "lây bệnh Bắc Kinh".
Chuyện thứ ba là dân Hong Kong càng thất vọng khi lãnh đạo Bắc Kinh phát huy chủ nghĩa dân tộc và đòi viết lại lịch sử trong giáo trình của bộ giáo dục tại Hong Kong mà người dân bản địa cho là thiên lệch, thậm chí là "tẩy não", tức là đi ngược tinh thần tự do tư tưởng truyền thống của họ. Hai năm trước, sinh viên học sinh Hong Kong đã biểu tình chống lại âm mưu tẩy não ấy.
Sau cùng ta mới đi tới hồ sơ chính trị là việc lãnh đạo Bắc Kinh phủ nhận dần những cam kết theo nguyên tắc "nhất quốc lưỡng chế" đã ghi trong Đạo luật Cơ bản của Hong Kong. Thay vì để người dân Hong Kong được quyền trực tiếp bỏ phiếu cho người lãnh đạo thì họ lại đặt ra cái lọc để đảng Cộng sản chọn người theo tiêu chuẩn đảng gọi là "ái quốc".
Giọt nước tràn ly là khi Quốc vụ viện Bắc Kinh ra Bạch thư ngày 10 Tháng Sáu vừa qua về chính sách áp dụng quy tắc "nhất quốc lưỡng chế" rồi Thường vụ Quốc hội Bắc Kinh ban hành chính sách ấy từ ngày 31 Tháng Tám. Vì những bất mãn đa diện và tích lũy ấy, dân Hong Kong mới biểu tình. Họ không chỉ đòi quyền dân chủ, họ muốn có một cuộc sống khác với khuôn mẫu đang vỡ vụn của Bắc Kinh ở bên trong Hoa lục.
Vũ Hoàng: Hồi nãy, ông nói đến một từ gây ngỡ ngàng là "Cách mạng văn hóa ngược" và nhấn mạnh rằng đây là một vụ khủng hoảng của Trung Quốc dội vào Hong Kong. Phải chăng Hong Kong phản ứng với các vấn đề văn hóa, chính trị và kinh tế xuất phát từ Bắc Kinh?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin nhắc lại rằng lãnh đạo Trung Quốc đang tìm một định nghĩa hay nội dung của chủ nghĩa dân tộc, với tham vọng sát nhập Đài Loan và thống nhất lãnh thổ dưới quyền cai trị của một đảng chưa có khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế cơ bản bên trong.
Hỏi rằng họ muốn tự xưng là gì thì đa số, nhất là trong giới trẻ, muốn được gọi là "người Tầu Hong Kong", hay "người Hong Kong" hơn là "người Tầu". Tức là nếp văn hóa ghê gớm của Trung Hoa và sự cai trị còn vĩ đại hơn của đảng Cộng sản Trung Hoa chẳng có gì là hấp dẫnNguyễn-Xuân Nghĩa
Tôi xin đơn cử hai thí dụ giải thích nghịch lý này. Từ hai năm nay, tranh chấp về chủ quyền với Nhật Bản trên quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đã là đề tài thời sự ai cũng rõ. Gần đây, một cuộc khảo sát trên không gian điện toán có hỏi cư dân trên mạng rằng nếu có đứa trẻ ra đời tại quần đảo nhỏ này thì quốc tịch của nó là gì? Là người Hoa, người Nhật, hay dân Hong Kong hay người Đài Loan? Theo thứ tự trả lời từ cao tới thấp là Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản rồi mới là Trung Quốc. Tức là làm sao? Dù chỉ là một cuộc khảo sát không rộng rãi và khoa học, sự kiện ấy cho thấy là có vấn đề trong cái gọi là "bản sắc Trung Hoa". Người ta chẳng hãnh diện được là người Hoa dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản tại Bắc Kinh.
Thí dụ thứ hai là sau khi Hong Kong trở về là lãnh thổ Trung Quốc, vào năm 2012, chỉ có dưới 17% người dân địa phương tự cho mình là người Trung Quốc thôi. Năm ngoái thì chỉ có 23% dân Hong Kong cho biết là họ có thiện cảm với Hoa lục. Và hỏi rằng họ muốn tự xưng là gì thì đa số, nhất là trong giới trẻ, muốn được gọi là "người Tầu Hong Kong", hay "người Hong Kong" hơn là "người Tầu". Tức là nếp văn hóa ghê gớm của Trung Hoa và sự cai trị còn vĩ đại hơn của đảng Cộng sản Trung Hoa chẳng có gì là hấp dẫn. Mà đây không là trường hợp cá biệt của Hong Kong.
Dân Đài Loan cũng vậy, vì thế mà Tháng Ba vừa qua, thanh thiếu niên Đài Loan đã biểu tình chống lại hiệp định mà Tổng thống Mã Anh Cửu muốn ký kết với Bắc Kinh. Cuộc biểu tình được gọi là "Thái dương hoa Học vận" ấy là màn thao dượt cho đợt biểu tình tại Hong Kong vào đầu Tháng Bảy vừa qua nhân dịp kỷ niệm 17 năm ngày "hồi quy cố quốc" và tiếp tục với những biến động ngày nay. Vì thế, tôi nghĩ là vấn đề chính nó nằm tại Bắc Kinh hơn là ở Hong Kong.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông, rồi đây sự thể sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng lãnh đạo Trung Quốc có phương tiện bạo lực và lắm mưu lược nên sẽ lại tìm cách trì hoãn, gây phân hoá để cố tránh - tránh thôi chứ cũng chẳng từ nan - một vụ tàn sát như họ đã từng làm tại quảng trường Thiên an môn năm 1989. Nhưng vì vấn đề nó nằm tại quốc gia Trung Quốc dưới chế độ cộng sản độc tài nên khủng hoảng chưa thể dứt, dù là ở tại Hong Kong hay Đài Loan, mà sẽ biến hóa thành nhiều biểu hiện khác nhau và dội ngược vào bên trong Hoa lục để lên tới thượng tầng lãnh đạo. Riêng tại Hong Kong thì từ nay đến năm 2017 là khi sẽ áp dụng luật bầu cử mới, biến động còn tiếp tục, có khi lại châm ngòi cho một vụ khủng hoảng tài chính và kinh tế tại Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi thú vị này và quý thính giả của chúng ta hiển nhiên cũng suy ngẫm về hoàn cảnh Việt Nam khi mà tuyệt đại đa số người dân không muốn là người Tầu và chẳng muốn lãnh thổ trở thành quận huyện của Trung Quốc.
No comments:
Post a Comment