Cái chết thương tâm của cháu Phạm Thị Nhung, học sinh Trường Tiểu học Đức Bồng (Vũ Quang, Hà Tĩnh) do đói lả rơi xuống cầu khiến người dân cả nước thương xót, nhưng Báo Hà Tĩnh đã cùng cán bộ xã đã dựng một “màn kịch vụng” xoáy sâu thêm vào nỗi đau của gia đình anh Phạm Văn Vân khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Báo Hà Tĩnh kể lại “nguyên nhân chính” dẫn đến cái chết thương tâm của cháu Phạm Thị Nhung: Khoảng 10h30’ ngày 25/9, cháu Phạm Thị Nhung ở xóm 6, xã Đức Bồng trên đường đi học về không may bị ngã rơi xuống suối dưới chân cầu Động. Do nước to, chảy xiết nên công tác ứng cứu không thành…
Tại hiện trường nơi xẩy ra tai nạn cho thấy, giữa cầu và đường không bằng phẳng, có một vũng gồ ghề, đi qua đây rất dễ bị xóc, mất tay lái” đây là chi tiết được phóng viên báo Hà Tĩnh nhấn mạnh. Chủ tịch UBND xã Đức Bồng Nguyễn Quốc Hùng khẳng định: “Cháu mệt, nhà trường gọi gia đình ra đón về nhưng trên đường về thì bàn đạp của xe bị va vào thành cầu nên ngã lộn xuống suối… Cháu Nhung chết là do sức khỏe yếu, vấp ngã và bị đuối nước chứ không phải do đói lả dẫn đến rơi xuống cầu.
Phóng viên Báo Hà Tĩnh và ông chủ tịch xã Đức Bồng trực tiếp thấy bàn đạp xe đạp của cháu Nhung va vào thành cầu khiến cháu rơi xuống sông? Chi tiết này làm dấy nên sự hoài nghi về tính chất chân thực, đạo đức tác nghiệp của phóng viên cũng như người đứng đầu chính quyền địa phương.
Báo Hà Tĩnh đặc biệt nhấn mạnh một chi tiết dẫn đến tai nạn đau lòng dành cho cháu Nhung: giữa cầu và đường không bằng phẳng, có một vũng gồ ghề. Đúng là không khảo mà xưng, phóng viên đã tự “khai” ra sự tắc trách của chính quyền địa phương không quan tâm chu đáo đến những “điểm nóng” giao thông tiềm ẩn tai nạn, vì sao cầu, đường đã xuống cấp nhiều năm, nhưng xã Đức Bổng vẫn “khoanh tay” đứng nhìn?
Hoàn cảnh gia đình anh Vân chẳng khác nào “chị Dậu thời hiện đại”, trong nhà không hề có bất kỳ tài sản nào có giá trị, chị Lê Thị Qúy mẹ cháu Nhung sức khỏe rất yếu không còn khả năng lao động, anh Vân hàng ngày phải bươn chải khắp nơi làm thuê chỉ được vài chục ngàn nhưng thu nhập bấp bênh bữa có bữa không, nên cả nhà thường phải bấm bụng nhịn đói.
Chị Loan, người hàng xóm tay xách 5 lạng gạo sang nhà làm cơm cúng vi trong nhà cháu Nhung không còn lấy nổi một hạt thóc lép đau xót nói trong nước mắt: “Sáng cháu không có gì ăn, do đói, nhiều lần đói như thế rồi nên mới ngã cầu chết đuối. Khổ như chi, khi đưa cháu về trong nhà không còn một xu.”
Cụ Sâm một người hàng xóm khác, giọng nghẹn đắng trong cổ họng : “Gạo không có nấu cơm cúng cháu, hàng xóm phải cho, hàng xóm cũng chạy về lấy trứng đặt bàn thờ cho cháu. Áo không có cái mô mới để mai táng cháu”
Những người hàng xóm nghèo tận tay giúp gia đình lo mai táng cho con đã không thể cầm lòng, họ khóc thương linh hồn cháu Nhung như chính con, cháu của họ. Vậy mà, Báo Hà Tĩnh khư khư cho rằng thông tin cháu chết vì đói lả là “sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận…”
Ngoài việc nói “hớ” về cơ sở hạ tầng giao thông hư hỏng, xuống cấp nặng, phóng viên Báo Hà Tĩnh còn khiến bạn đọc bức xúc hơn nữa khi đưa ra “công thức thoát nghèo” dành cho gia đình anh Vân:
Tờ báo viết “Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, tiếp cận với các loại hồ sơ liên quan, trong đó có phiếu khảo sát thu nhập hộ gia đình của thôn 6 cho thấy, tổng thu nhập của gia đình là 57.860 ngàn đồng/năm, thu nhập sau khi trừ chi phí sản xuất là 38.527 ngàn đồng/năm, bình quân đầu người đạt 535 ngàn đồng/người/tháng. Với mức thu nhập này gia đình anh Vân thuộc diện đã thoát nghèo,” ngoài ra Báo Hà Tĩnh còn dẫn lời ông Nguyễn Minh Lý, Trưởng
Thôn 6 cho biết: địa phương cắt ưu tiên cho anh Vân 3 sào đất.
Nói như Báo Hà Tĩnh, thu nhập của nhà anh Vân 1.70.000 đồng/tháng, nhưng phóng viên quên rằng chỉ có anh Vân là lao động chính còn lại vợ cùng các con anh sống phụ thuộc, với mức thu nhập 535.000 đồng/tháng, một ngày chi có 17.000 đồng, chia đều cho 4 thành viên gia đình, mỗi người chí có vài ngàn đồng “cầm hơi” trong ngày, mức 0,65 USD/ngày của cả nhà hoàn toàn thấp hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn của Liên hợp quốc về nghèo đói.
Ông Trưởng Thôn 6 cùng Báo Hà Tĩnh còn “bắt tay” nhau kể một câu truyện đẹp
như cổ tích: “Trước năm 2013 gia đình anh Vân thuộc diện hộ nghèo nhưng đến tháng 11/2013 thôn đã tiến hành rà soát lại hộ nghèo theo quy định thì gia đình anh Vân có mức thu nhập thuộc diện đã thoát nghèo, được mùa nên lúa đầy sập…”
Họ vừa“vụng chèo” vừa không “khéo chống”, khi ông Lý nói thêm: “Với điều kiện đó, đáng ra phải ở diện đã thoát nghèo nhưng vì con mới mổ tim, vợ chồng lại “không nhanh nhẹn” nên thôn đã họp bàn, thống nhất cho gia đình thuộc diện hộ cận nghèo và các chế độ chính sách có liên quan đều được thực hiện đầy đủ, kịp thời…”
Xin nhắc Báo Hà Tĩnh cùng UBND xã Đức Bồng, dù có chính sách hộ cận nghèo của Nhà nước dành cho gia đình, nhưng do phải bán hết tài sản, vay mượn chữa bệnh cho con, hơn nữa, cộng với sức khỏe yếu, nên anh chị Vân Qúy khó có khả năng thoát nghèo theo “công thức đơn giản hóa” mà cán bộ địa phương “lắp ráp”cho một hộ gia đình có đầy đủ năng lực và sức khỏe lao động gồm đủ thành viên đang trong độ tuổi lao động.
Báo Hà Tĩnh không những có bài viết làm lộ rõ sự “thiếu quan tâm”, “vô trách nhiệm,” thậm chí ngôn từ chai sạn vô cảm của chính quyền xã Đức Bồng mà còn xoáy thêm vào nỗi đau của anh Vân, chị Qúy đã mất đi một con gái ngoan ngoãn, ham học, thương cha mẹ trong thời gian chưa đủ giỗ 50 ngày. Đó không chỉ như một lời nói dối gượng gạo, nó cũng làm ảnh hưởng xấu đến chính sách nhân văn-nhân đạo của Đảng-Nhà nước.
Qua trao đổi, chi Loan tiết lộ : “ ngày 30/9, cán bộ xã, cán bộ thôn, trong đó có ông Chủ tịch xã và một số con bộ huyện Vũ Quang vào nhà “ép” anh Vân ký vào giấy trắng là anh Vân đã có 4 sào ruộng, nhận tiền hỗ trợ 270.000 đồng/tháng, lúc đó có 2 người chứng kiến có 2 bà Trần Thị Sâm và Lê Thị Vượng can ngăn anh Vân không nên ký vào một tờ giấy không có nội dung gì.”
Bà Sâm cho biết: “Ông Yêm Bí thư Đảng ủy, ông Hùng Chủ tịch đều có mặt và đưa ra một tờ giấy bảo Vân ký vào, vợ chồng có biết chữ mô, tôi ngăn lại vì đó là tờ giấy trắng.”
“Sau khi có vay tiền diện hộ nghèo xây được cái nhà xi măng đó, năm ngoái xã họp bình nhà Vân là hộ khá, tôi cùng mấy người hàng xóm phản đối, sau đó họ hạ xuống hộ cận nghèo,” bà Sâm cho biết thêm.
Bà khẳng định: “đoạn đường nối lên cầu nơi cháu Nhung bị ngã rơi xuống suối đã nhiều năm hư hỏng, thuộc diện quản lý địa phương, nhưng UBND xã không hề sửa chữa hoặc làm mới. Cháu Nhung bị ngã do cầu không có lan can.”
Người hàng xóm tốt bụng miêu tả hoàn cảnh bi đát của vợ chồng anh Vân: “xin thứ lỗi, Qúy vừa yếu vừa bệnh nhiều lúc vãi cả ra quần, chị Dậu ngày xưa còn có con chó để bán, cònVân trong nhà chả có chi, sống khổ hơn cả cảnh chị Dậu. Nay nó cực càng cực hơn, một mình lo cho 4 miệng ăn với gánh nặng vay 20 triệu đồng mổ tim cho con từ Ngân hàng Nông nghiệp huyện Vũ Quang.”
Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh đã có đoàn cán bộ về thăm gia đình, tại đây, ông Phó Giám đốc Sở khẳng định nhà bé Nhung đã thoát nghèo.
Báo Hà Tĩnh dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thông- Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Cháu Nhung chết không phải do đói mà do em bị bệnh tim, vì sức khỏe yếu đã đâm xe đạp vào thành cầu rơi xuống sông. Do vậy sẽ cấp chi phí mai táng cho gia đình… Gia đình anh Vân thoát nghèo là đúng quy định hiện nay bởi thu nhập bình quân của gia đình anh năm 2013 là 530.000 đồng/người/tháng”.
Báo Hà Tĩnh nêu một chi tiết thảm thương khiến độc giả phẫn nộ vì sự vô cảm của chính quyền địa phương khi nói: “Sau khi em Nhung ra đi, nhiều người mang lúa, gạo và tiền đến giúp đỡ gia đình anh Vân, chị Quý nên trên bàn thờ em ngoài bát cơm trắng cúng em thì có thêm đĩa thịt heo nấu. Chị mất, các em cũng được những bữa cơm no có thịt”.
Chính quyền xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang cùng Sở LĐTB&XH Hà Tĩnh nợ người dân một lời xin lỗi cùng hành động thiết thực có lương tâm.
Bồ Đề
Ngày 30/9, tức là sau 5 ngày cháu Nhung mất, cán bộ xã Đức Bổng nhanh chóng thể hiện “sự quan tâm”.
Nếu chính quyền xã Đức Bồng (Vũ Quang) không “diễn kịch”, tại sao có “màn xếp hình” nhận “hỗ trợ nhân đạo” như thế này?
© Bồ Đề
© Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment