Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc né tránh câu hỏi về sức khỏe của ông Kim Jong-un
Trong những ngày qua, câu hỏi “Ông Kim Jong-un đang ở đâu?” xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Và nếu ông không lộ diện trong ngày 10-10 nhân lễ kỷ niệm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (WPK) thì chuyện sẽ rất nghiêm trọng, theo trang The Diplomat (Nhật Bản).
Từ ngày 4-9 đến nay, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã biến mất. Ông Kim Jong-un tiếp tục vắng mặt trong lễ kỷ niệm 17 năm ngày cố lãnh đạo Kim Jong-il được bầu làm Tổng Bí thư WPK hôm 7-10. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo dẫn thông tin tình báo quân sự tiết lộ “Kim Jong-un không còn ở Bình Nhưỡng”.
Khi được phóng viên đặt câu hỏi về tình hình sức khỏe của ông Kim, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Ri Tong-il đã né tránh dù trước đó ông phủ nhận thủ đô Bình Nhưỡng đang đặt trong tình trạng nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Phó đại sứ Triều Tiên tại LHQ Ri Tong-il tại buổi họp báo. Ảnh: AP
“Tôi không nghĩ bất cứ ai bên ngoài Bình Nhưỡng thực sự biết ông Kim Jong-un đang ở đâu” - chuyên gia phân tích chính trị Michael Green thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) nhận định.
“Việc nhân vật số 2 và 3 của Triều Tiên bất ngờ tới Hàn Quốc sau khi Kim Jong-un và phu nhân vắng bóng nhiều tuần cực kỳ bất thường. Điều này chưa từng có tiền lệ” - ông Green nói thêm về chuyến thăm của ông Hwang Pyong-so, tân Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên, cuối tuần rồi.
Ngược lại, ông Andrei Lankov - chuyên gia tại Trường ĐH Kookmin (Hàn Quốc) - tin rằng ông Kim vẫn đang nắm quyền, còn lý do Triều Tiên tìm tới láng giềng miền Nam là vì muốn tăng cường hợp tác kinh tế.
Trong một diễn biến khác, Vụ phó phụ trách các vấn đề Liên Hiệp Quốc và nhân quyền thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên Choe Myong-nam ngày 7-10 bất ngờ công khai thừa nhận với cộng đồng quốc tế về sự tồn tại của những trại “cải tạo lao động”. Động thái chưa từng có tiền lệ này dường như để phản pháo bản báo cáo nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hồi đầu năm.
Trong cuộc họp hiếm hoi của giới chức ngoại giao Triều Tiên tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York - Mỹ, ông Choe nhấn mạnh Triều Tiên không có nhà tù mà chỉ có những “trung tâm giam giữ nhằm giúp mọi người cải thiện tinh thần và nhìn nhận những sai trái của bản thân”.
Hãng tin AP bình luận những trại “tái giáo dục” nói trên có thể dành cho những người phạm tội thông thường và một số tù nhân chính trị trong khi ông Choe không hề đề cập tới nơi giam giữ các tù nhân chính trị “hạng nặng” vốn được cho là khắc nghiệt hơn.
Theo ước tính do một đại diện giấu tên của Hàn Quốc tại Liên Hiệp Quốc công bố hôm 8-10, tổng diện tích 5 khu trại “cải tạo lao động” của Triều Tiên là 1.247,9 km2, gấp đôi diện tích thủ đô Seoul. Báo cáo hồi tháng 6 của Viện Hàn Quốc về tái thống nhất quốc gia còn nêu rõ 5 trại tập trung của Triều Tiên đang giam giữ khoảng 80.000-120.000 người.
Cũng trong buổi họp báo, ông Ri Tong-il tiết lộ một bí thư của WPK đã tới thăm Liên minh châu Âu (EU) và thể hiện thiện chí đối thoại về nhân quyền. “Bình Nhưỡng vốn cực kỳ hạn chế đề cập tới nhân quyền. Do đó, việc giới chức cấp cao Triều Tiên mở lời là điều rất quan trọng” - ông Greg Scarlatoiu, Giám đốc Ủy ban Nhân quyền tại Triều Tiên (Mỹ), nhận định.
Thứ Tư, 22:50 08/10/2014
Đỗ Quyên
Theo NLĐO
No comments:
Post a Comment