Hai đứa trẻ đi bán vé số ở khu công nghiệp Sóng Thần II - Bình Dương.RFA PHOTO
Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2014-10-07
Trẻ em sớm vào đời, học hành dang dở và luôn phải đối mặt với nhiều cạm bẫy xã hội luôn là vấn đề nan giải hiện nay tại Việt Nam. Một phần do nghèo đói, phần khác do cha mẹ không ý thức được trách nhiệm làm cha làm mẹ cũng như không thấy được giá trị của việc học tập bởi bản thân họ cũng chưa bao giờ được học tập cho đàng hoàng. Có hàng trăm nguyên nhân dẫn đến trẻ em sớm bỏ học vào đời. Nhưng có hai nguyên nhân chi phối nhiều nhất, đó là sự nghèo khổ, bất công xã hội cũng như sự tăm tối của một bộ phận dân cư bị đẩy xuống tầng đáy xã hội.
Các thành phần trẻ em vào đời
Một nhà giáo gốc Quảng Nam, tên Trung, hiện đang dạy môn toán ở quận Tân Bình, Sài Gòn, chia sẻ:
Rõ ràng bỏ học sớm và vào đời sớm là hoàn toàn không tốt rồi. Vấn đề đó mang tính xã hội nhiều, vấn đề học ở trong nhà trường và giáo dục không tạo được cơ hội cho các em học.
-Một nhà giáo
“Bây giờ, rõ ràng bỏ học sớm và vào đời sớm là hoàn toàn không tốt rồi. Vấn đề đó mang tính xã hội nhiều, vấn đề học ở trong nhà trường và giáo dục không tạo được cơ hội cho các em học. Vì việc đẩy thành tích như hiện nay, như các em học bình thường mà được lên hai lớp, rồi càng lên thì các em càng không thể học, rồi chán học, đâm ra mất hứng thú, bỏ học. Thứ hai là tác động ngoài xã hội, các em chưa đủ khôn ngoan nên dẫn đến ham chơi, bỏ học.”
Theo thầy giáo Trung, nói về vấn đề bỏ học và sớm vào đời của trẻ em, cần phải chia thành hai nhóm, nhóm con nhà giàu, nhà quan chức và nhóm con nhà nghèo. Nếu như nhóm con nhà giàu, nhà quan chức bỏ học để chơi bời lêu lổng ở các quán, các tựu điểm và gây ra nhiều tai ương cho xã hội thì nhóm con nhà nghèo bỏ học sớm sẽ đi làm thuê rày đây mai đó, bữa được bữa mất, đi bán vé số, đi lượm ve chai, thậm chí đi xin.
Giữa hai nhóm bỏ học sớm gồm con nhà nghèo và con nhà giàu có một điểm chung là nguy cơ cướp giật, con đường đồi trụy và tương lai mịt mùng đang chờ đón chúng. Và nếu như nhóm con nhà giàu bỏ học sớm một thời gian quay về phá gia bằng cách trộm cắp tiền của cha mẹ thì nhóm con nhà nghèo sẽ mang tiền về phụ giúp cha mẹ bằng nhiều cách. Nhưng có một điểm chung là cả hai nhóm này có thể kết hợp trở thành nhóm trộm cướp, đầu lĩnh sẽ thuộc về nhóm con nhà giàu và tham mưu cho đầu lĩnh sẽ thuộc về nhóm con nhà nghèo.
Và còn một vấn đề khác là có thể nói rằng tỉ lệ 100% các học sinh, trẻ em bỏ học sớm đều có gia đình không được ổn định, nếu không phải là thiếu ổn định về kinh tế thì tính ổn định về văn hóa của gia đình đó cũng có vấn đề trầm trọng. Ví dụ như con nhà nghèo quá, kinh tế có vấn đề trầm trọng, buộc lòng cha mẹ phải cắn răng cho con nghỉ học để lao động phụ giúp họ. Ngược lại, những gia đình có kinh tế khá giả nhưng bản thân cha mẹ lại có vấn đề, nếu không có người ngoại tình thì bản thân họ cũng là những hàng cha mẹ vô ý thức, không quan tâm đến tương lai con cái mà định giá cuộc đời này bằng tiền bạc, mãi mê lao đầu kiếm tiền, để con hư hỏng.
Nói đến đây, vị thầy giáo này lắc đầu chua chát, đưa ra kết luận là hầu như Việt Nam thuộc vào diện có trẻ em mù chữ đứng đầu khu vực, và không dừng ở đó, mọi cạm bẫy xã hội luôn nhắm vào trẻ em. Điều này cho thấy tương lai đất nước sẽ rất tăm tối khi mà hàng hàng lớp lớp thanh niên tử tế phải sống bên cạnh hàng hàng lớp lớp thanh niên kém ý thức, vô văn hóa và quen với cuộc sống đầu đường xó chợ, lấy đường phố làm nhà, lấy trộm cắp, cướp bóc và buôn bán ma túy làm kế sinh nhai.
Những cạm bẫy xã hội
Một người mẹ có con bỏ học sớm, lêu lổng và theo băng nhóm, yêu cầu giấu tên, buồn rầu chia sẻ:
“Kinh tế đóng vai trò quyết định, do kinh tế gia đình nên nó không coi trọng việc học, do bản thân nó không thấy hứng khởi khi học, xã hội, bạn bè đưa đẩy, đàn đùm, bản thân nó không quý sự học mà muốn có tiền.”
Kinh tế đóng vai trò quyết định, do kinh tế gia đình nên nó không coi trọng việc học, do bản thân nó không thấy hứng khởi khi học, xã hội, bạn bè đưa đẩy.
-Một người Mẹ
Theo người mẹ này, cái sự nghèo đôi khi đưa đẩy con người vào chỗ không lối thoát, như con trai của bà chẳng hạn, từ lớp vỡ lòng cho đến lớp sáu, cháu là một học sinh ngoan, hiền và có thành tích học tập luôn giỏi. Thế nhưng khi bước vào lớp bảy, do yêu cầu phải đi học thêm nhiều môn nhưng gia đình bà không có đủ tiền cho cháu đi học, đến lớp, cháu thường bị gọi lên dò bài đầu tiên và bị hỏi những câu rất lạ, rất khó, kết cục là học kỳ một của lớp bảy, cháu tuột hạng từ học sinh giỏi xuống còn học sinh trung bình khá. Và rồi mọi bất bình, hư hỏng manh nha.
Ban đầu cháu chỉ gấu bà chuyện tranh thủ đi bán vé số, về sau, cháu cúp tiết để đi bán vé số vì nghĩ rằng giờ học chính không quan trọng mà làm thế nào để có tiền học thêm. Khi người mẹ phát hiện con mình đi bán vé số cũng là lúc đã quá muộn màng, gần hai tuần bươn chải với gió sương cuộc đời, tâm tính và nhân cách của đứa bé đã hoàn toàn thay đổi.
Từ một đứa bé ngoan hiền, dễ thương, con của bà trở nên khó tính, hung hăng và cáu gắt. Tìm hiểu ra bà mới biết là trong quá trình đi lang thang bán vé số, đứa bé đã va chạm quá nhiều, hai lần bị du đãng hù dọa lấy mất vé số, một lần đánh nhau với một đứa bán vé số khác. Chính cuộc sống quay cuồng và khốc liệt nơi đầu đường xó chợ trong những ngày cúp học đã đẩy con bà đến chỗ hung hãn và phản kháng.
Khi bà biết chuyện thì mọi việc đã quá muộn màng. Đứa con ngoan và chăm học đã hoàn toàn thay đổi, chẳng còn ham học, không những chán học mà nó luôn coi trọng đồng tiền và nghĩ rằng chỉ có tiền mới giải quyết được mọi thứ trong cuộc sống. Bà rất buồn phiền vì chuyện này nhưng chưa biết tính làm sao với con mình. Chung qui, mọi chuyện cũng do cái nghèo và sự nhạy cảm của con bà mà ra. Chứ nếu con bà kém thông minh một chút, không sớm bị mặc cảm vì nghèo thì câu chuyện đã hoàn toàn khác. Bà buồn bã đưa ra kết luận.
Hiện nay, vấn đề trẻ em sớm bỏ học để bươn chải với cuộc sống và có nguy cơ sa vào những cạm bẫy cuộc sống đang là vấn đề có chiều hướng nảy nở tại Việt Nam, đặc biệt là tại một số khu vực dân nghèo, vùng sâu vùng xa Việt Nam.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
No comments:
Post a Comment