09.10.2014 | 09:28
Kiều Hương | New York Times | TCĐNA
(Seatimes) Cuộc biểu tình ở Hồng Kông được châm ngòi từ một bất đồng chính trị nhưng phải chăng nó còn ẩn chứa sự phản đối của người dân ở đặc khu hành chính này khi Bắc Kinh đang cố gắng áp đặt và thay đổi "bản sắc" nơi đây?
"...không bao giờ từ bỏ"
Không chối bỏ nguồn gốc
Trong cuộc biểu tình đang lan rộng trên những con phố của Hồng Kông, người ta có thể thấy xuất hiện nhiều nhất trên những tấm bảng viết tay, áo thun, trong những lời phát biểu hay các buổi tuyên truyền… là cụm từ “Người dân Hồng Kông” (Hong Kong People).
Ngày 6/10, ngồi tại khu vực những người biểu tình trước Văn phòng Chính phủ, anh Yeung Hoi-kiu (20 tuổi) cho biết: “Tôi không từ chối nguồn gốc Trung Quốc của mình, chỉ là tôi chưa bao giờ cảm thấy Trung Quốc là nơi “chôn nhau cắt rốn”. Thế hệ trẻ không nghĩ rằng họ là người Trung Quốc”.
Thực tế, hơn 90% người dân Hồng Kông có nguồn gốc là người Trung Quốc. Tuy nhiên khi được hỏi là người nước nào thì nhiều người sẽ nói rằng mình là người Hồng Kông, hay là một công dân châu Á chứ không phải là một người Trung Quốc.
17 năm trước, Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc và cũng từ đó, chính quyền Bắc Kinh phải "vật lộn" để kiểm soát đặc khu hành chính "một nhà nước, hai chế độ" này. Nhưng chỉ với việc áp đặt quy trình bầu cử đặc khu trưởng Hồng Kông vào năm 2017, Bắc Kinh đã châm ngòi cho một cuộc biểu tình dữ dội.
Thế nhưng bên cạnh chính trị thì "Bản sắc" là một trong những vấn đề khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc phải “đau đầu”. Xin nhắc lại rằng, từ nhiều năm trước, giới chức Trung Quốc đã bắt đầu nhận ra vấn đề âm ỉ này và cố gắng khắc phục bằng cách áp đặt một chương trình giáo dục lòng yêu nước trong các trường học ở Hồng Kông từ năm 2012. Nhưng đã quá muộn.
Bảo vệ sự khác biệt
Cuộc biểu tình hiện tại ở Hồng Kông cốt lõi là để khẳng định “bản sắc” của người dân nơi đây khi Trung Quốc liên tục can thiệp vào nền văn hóa, chính trị và kinh tế của Hồng Kông. Một suy nghĩ ngày càng ăn sâu trong đầu người dân, đặc biệt là giới trẻ Hồng Kông chính là họ đang bị bắt buộc phải "yêu thương đại lục” bằng cách thay đổi theo "đại lục". Mặt khác, nhiều người trong số họ cảm thấy tự hào khi nói về 156 năm thực dân Anh cai trị nơi này. Từ khi Hồng Kông được trao trả về cho Trung Quốc thì phần lớn họ xác định rằng Trung Quốc là “đại lục” chứ không phải là quê hương của họ.
Một cuộc thăm dò được Đại học Hồng Kông thực hiện hồi tháng 6 chỉ ra rằng đa phần người dân Hồng Kông luôn tự xưng mình là người Hồng Kông chứ không phải là “một công dân của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” hay Trung Quốc.
Vì vậy từ cuộc "cách mạng Dù" (Umbrella Revolution) bắt nguồn từ lý do chính trị thì theo một góc nhìn khác,người dân Hồng Kông đang đấu tranh để bảo vệ một “bản sắc” khác biệt với Trung Quốc đại lục trong các lĩnh vực như: luật pháp, tự do báo chí và ngôn luận,tài chính, chống tham nhũng, giáo dục, ngôn ngữ (tiếng Quảng Đông) và ảnh hưởng từ phương Tây.
Những chiếc ô đã trở thành biểu tượng của cuộc biểu tình ở Hồng Kông
Trước đó, ngọn lửa phản đối bắt đầu âm ỉ kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất chính sách áp đặt ý thức hệ và chế độ kiểm soát ở đại lục lên Hồng Kông trong đó bao gồm cả chương trình giáo dục lòng yêu nước. Tất nhiên, gần hai chục năm lấy lại Hồng Kông không phải là ngắn, nhưng cũng chưa đủ dài để ông Tập Cận Bình có thể áp đặt chế độ nhân sự điều hành đầy tính độc đoán vào mảnh đất này theo phương pháp “đả hổ diệt ruồi” mà ông đang tung hoành ở Trung Quốc.
"Chúng tôi muốn được lãnh đạo bởi một nước dân chủ", Jeff Leung, 23 tuổi đang tham gia biểu tình ở Mong Kok tuyên bố: “Chúng tôi không muốn một chính phủ tàn sát người dân lãnh đạo mình”.
Giữ gìn giá trị cốt lõi
Dennis Kwok, 36 tuổi, một luật sư sinh ra tại Hồng Kông, từng từ bỏ quốc tịch Canada và trở về nước, nhận định: “Mọi người thường không quan tâm quá nhiều tới chính trị, tuy nhiên, từ sau năm 1997, những người trẻ tuổi muốn tiếng nói của họ có sức nặng hơn trong các vấn đề quốc gia và đơn giản, họ nghĩ rằng Hồng Kông là quê hương của mình”.
Trong thời gian qua, doanh nhân và giới đại gia ở đại lục vung tiền mua đất ở Hồng Kông khiến mức giá bất động sản ở đây đội lên vào hàng cao nhất trên thế giới. Điều này cũng gây ra những tác động không hề nhỏ đối với tầng lớp trung lưu và sinh viên mới tốt nghiệp ở Hồng Kông khi họ không có khả năng mua nhà.
Ngoài ra, dân cư trong đại lục đổ xô đưa con em tới Hồng Kông để học tập vì ở đây có những trường học ưu tú được xếp hạng quốc tế. Nhiều phụ nữ được gia đình đưa tới Hồng Kông để sinh nở vì những bệnh viện hiện đại bậc nhất và để con cái họ có quyền cư trú, hưởng thụ hệ thống y tế, giáo dục ở đây.
Cũng như những người Tây Tạng hay Duy Ngô Nhĩ ở vùng phía Tây Trung Quốc, sự di cư của nhiều người Hán làm cuộc sống của người dân bản địa bị thay đổi “chóng mặt”. Tuy nhiên, khác biệt ở chỗ, Hồng Kông không tìm kiếm giải pháp hay đấu tranh để tách ra khỏi Trung Quốc như những bộ phận dân tộc kể trên.
Jimmy Lai, ông trùm truyền thông ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông khẳng định Hồng Kông “không bao giờ có thể độc lập khỏi Trung Quốc. Những gì chúng tôi cần phải giữ gìn là sự khác biệt, giá trị cốt lõi, di sản từ khi còn là thuộc địa Anh của chúng tôi”.
No comments:
Post a Comment