Wednesday, October 8, 2014

Nội chiến tại Syria bao giờ hết?



Ông Leon Panetta, cựu bộ trưởng Quốc Phòng trong chính phủ Obama, sắp phát hành một cuốn hồi ký, chỉ trích khả năng lãnh đạo của ông tổng thống nhiều lần. Thí dụ, năm ngoái ông Obama dọa sẽ đánh bom nếu Bashar al-Assad, nhà độc tài ở Syria dùng vũ khí hóa học. Sau đó, Assad đã dùng hơi độc giết chết dân, sau khi thăm dò ý kiến dân chúng và Quốc Hội, thấy không ai ủng hộ, Obama bèn không đánh mà chỉ vận động áp lực quốc tế khiến Assad chịu hủy bỏ kho vũ khí hóa học. Ông tổng thống Mỹ có thể dùng phương pháp này hay phương pháp khác để đạt cùng một mục đích. Nhưng khi ông dọa rồi không đánh thì cả thế giới sẽ coi thường nước Mỹ, kể cả dân Syria.

Một lầm lẫn khác là Tổng Thống Barack Obama không quyết định viện trợ vũ khí cho các nhóm nổi dậy chống Assad gọi chung là Quân Ðội Tự Do Syria (Free Syrian Army, FSA); mà lại đi hỏi ý kiến Quốc Hội Mỹ trước. Không được Quốc Hội ủng hộ Obama cũng thôi. Theo Panetta, đó là nguyên nhân khiến các nhóm “ôn hòa” yếu dần, còn bọn “quá khích” càng ngày càng mạnh hơn. Sau này họ tụ họp dưới tên “Quốc Gia Hồi Giáo,” thường viết tắt là IS, ISIS, hay ISIL. Chính phủ Mỹ nay lại lại phải hô hào các nước Á Rập và đồng minh cùng bỏ bom đánh quân ISIL. Nhưng FSA vẫn yếu, bị ISIL cùng quân của Assad tấn công. Ông Panetta cho rằng nếu ông Obama cương quyết giúp FSA từ hai năm trước, chắc ISIL bây giờ không mạnh như vậy.

Những lời chỉ trích của Leon Panetta rất đích đáng. Trong cuộc nội chiến ở Syria, ông Obama không muốn tự quyết định mà chỉ lo về phản ứng bên trong nước Mỹ. Nhưng ông Panetta cũng quá tự tin về vai trò quyết định của nước Mỹ trên thế giới, nhất là trong cuộc nội chiến ở Syria. Diễn biến cuộc chiến ba phe ở Syria, ISIL, FSA và quân chính phủ Assad, rất phức tạp; không giản dị để một nước ngoài nào cứ ra tay can thiệp là thành công.

Phong trào nổi dậy chống chính quyền Bashar al-Assad bắt đầu năm 2011 do nhiều nhóm cùng nổi lên một lúc; không có chỉ huy thống nhất. Các nhóm này được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar ủng hộ ngay, vì họ đều muốn lật đổ Assad. Ngoài mục tiêu lật đổ một nhà độc tài tàn ác giết dân, còn lý do bắt nguồn từ cuộc tranh chấp ngàn năm giữa hai phái Sun Ni và Shi A trong Hồi Giáo. Assad thuộc một thiểu số phái Shi A cai trị xứ Syria đa số theo phái Sun Ni. Trong cả ba nước trên, đa số dân đều theo giáo phái Sun Ni. Hơn nữa, còn yếu tố cạnh tranh ngoại giao trong vùng. Chính phủ Iran và cả chính phủ Iraq lúc đó đều thuộc phái Shi A, họ yểm trợ cho Assad. Các nước Saudi Arabia và Qatar đều chống Iran, và sẵn sàng hy sinh đến người dân Syria cuối cùng trong cuộc tranh hùng này! Ba nước Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar đổ tiền bạc và vũ khí vào giúp các nhóm nổi dậy ở Syria, và họ không cần biết những người nhận viện trợ là ôn hòa hay Hồi Giáo quá khích.

Trong hai năm, cơ quan tình báo ba nước làm việc chung tại một “trung tâm hành quân” lúc đầu đặt trong một khách sản lớn cạnh phi trường Istanbul, sau đổi về thủ đô Ankara. Người phối hợp là một điệp viên Qatari, với kinh nghiệm đã chỉ huy công tác viện trợ của Qatar cho các đám quân nổi dậy ở Libya trước đây. Họ chia phần cung cấp vũ khí và huấn luyện cho dân Syria nổi loạn, và họ chọn những nhóm mạnh và chiến đấu hăng nhất, bất kể thuộc khuynh hướng Hồi Giáo quá khích hay ôn hòa.

Vì thế, phần lớn vũ khí được chuyển cho những nhóm chiến đấu can đảm nhất, sau này tập họp thành đạo quân ISIL và Jabhat al-Nusra thuộc phong trào al-Qaeda. Khi được chất vấn về vấn đề này, một sĩ quan Qatari nói: “Tôi sẽ trao vũ khí cho cả bọn al-Qaeda, nếu họ có khả năng lật đổ Assad.” Vì thế, các đạo quân ISIL và nhóm Jabhat al-Nusra ngày càng mạnh, trong khi lực lượng FSA yếu dần. Quân FSA tại thành phố Aleppo vừa bị quân ISIL bao vây, vừa bị máy bay của chính phủ Assad bỏ bom, nếu không được Mỹ giúp bỏ bom vào đám quân ISIL thì đã thất thủ. Nhóm ISIL kêu gọi người Sria theo phái Sun Ni chống chính quyền Assad như một cuộc thánh chiến. Họ nhân danh một “Quốc gia Hồi Giáo,” thuần túy phái Sun Ni và bao gồm cả thế giới cùng nổi lên lật đổ Assad thuộc phái Shi A. Các người Hồi Giáo khắp nơi kéo về Syria nhập vào đạo quân này, kể cả từ các nước Tây phương, gần một ngàn người riêng từ nước Pháp.

Chính phủ Mỹ làm áp lực khiến vào Tháng Hai năm nay Saudi Arabia cách chức ông hoàng Bandar bin Sultan, giám đốc cơ quan tình báo; ngăn chặn làn sống viện trợ của xứ này cho các nhóm quân ISIL. Nhưng lực lượng ISIL đã đủ mạnh để tràn sang Iraq, kêu gọi các người theo phái Sun Ni theo họ, chống lại Thủ Tướng Nouri al-Maliki vì chính quyền và quân đội của ông thiên vị người Shi A. Quân chính phủ Iraq tan rã, nhiều người thuộc phái Sun Ni đào ngũ; lực lượng duy nhất kháng cự được quân ISIL là các đạo quân người Kurds, ở cả Iraq lẫn bên Syria; nhưng họ chỉ lo bảo vệ vùng đất có dân Kurds sống mà thôi. Năm 2013, chính phủ Mỹ và Saudi Arabia đã hợp tác lập trại huấn luyện cho các nhóm quân FSA tại xứ Jordan, do trung ương tình báo CIA trách nhiệm. Nhưng việc huấn luyện này cũng không giúp cho các đạo quân FSA mạnh hơn quân ISIL, vì các nhóm FSA tản mác khắp nơi không thống nhất được với nhau.

Trong cuốn hồi ký, Leon Panetta chỉ trích Tổng Thống Obama đã không ép ông Maliki để quân Mỹ đồn trú lại trong xứ Iraq, ông cho rằng sở dĩ ISIL thắng thế vì quân Mỹ đã rút đi. Nhưng nếu quân Mỹ còn đó cũng không ngăn cản được làn sóng bất mãn của những người Iraq theo phái Sun Ni; họ chạy theo ISIL vì tình đồng đạo. Nhiều quân nhân và tướng lãnh Iraq bị giải ngũ năm 2003 sau khi Saddam Hussein bị lật đổ, nay đi theo quân ISIL sau hàng chục năm thất nghiệp.

Trong cuộc nội chiến tại Syria, các quốc gia trong vùng đóng vai bảo trợ cho nhóm này hay nhóm khác. Iran giúp Assad, cho nên nhóm Hezbollah từ Lebanon vốn được Iran bảo trợ cũng gửi quân sang giúp Assad đánh cả ISIL lẫn FSA; nhóm này cũng lập một đảng chính trị, tham dự trong chính quyền Lebanon. Quân ISIL dã tràn qua biên giới bắt hàng chục quân sĩ và cảnh sát Lebanon, và đã xử chém hai người, một người theo phái Shia A, và người kia theo phái Sun Ni nhưng bị tố cáo là phản đạo vì đứng trong hàng ngũ quân Lebanon! Gia đình những người bị bắt cóc đang biểu tình đòi chính phủ giải cứu họ. Ðổi lại Lebanon sẽ phải thả nhiều tù nhân đang bị giam vì khủng bố, quá khích; mà những người được trả tự do chắc sẽ sang Syria gia nhập các nhóm ISIL hoặc Jabhat al-Nusra. Quân đội Lebanon được cả Mỹ lẫn Saudi
Arabia viện trợ vũ khí, để chống ISIL, nhưng họ không muốn can dự vào việc lật đổ Assad tại Syria.

Những quân tình nguyện khắp thế giới đi theo ISIL làm thánh chiến này, mai mốt khi trở về các nước Âu Châu, Ấn Ðộ, Úc hay Mỹ, vân vân, sẽ trở thành những hạt nhân cho các tổ chức khủng bố. Nhưng các chính phủ ở Châu Âu không muốn can dự vào cuộc nội chiến ở Syria. Ðáp lời kêu gọi của ông Obama, các nước Anh, Pháp đã cho máy bay thả bom vào quân ISIL nhưng giới hạn, chỉ đánh tại Iraq mà không đánh sang Syria. Năm ngoái, Thủ Tướng Anh David Cameron đã thất bại khi xin Quốc Hội cho phép can thiệp vào Syria, nhân vụ ông Assad dùng vũ khí hóa học. Năm nay, Quốc Hội Anh cho phép được giúp Mỹ đánh bom quân ISIL, nhưng cũng giới hạn, nếu muốn đánh tới Syria phải Quốc Hội biểu quyết lần nữa! Ðặc biệt, cả hai chính phủ Anh và Mỹ đều nêu lên quy tắc: Không đổ quân vào vùng này (no boots on the ground)! Nhưng kinh nghiệm ở Libya cho thấy, hai năm sau khi nhà độc tài bị lật đổ nay lại rơi vào nội chiến!

Nội chiến ở Syria kéo dài vì các nước Tây phương không muốn can thiệp trực tiếp vào vùng đất này. Không người Anh, Pháp, hay người Mỹ nào thấy quyền lợi của họ tùy thuộc chuyện nước Syria sẽ có một chính phủ như thế nào. Kinh nghiệm cho họ thấy hễ dính đến việc nội bộ của một quốc gia xa xôi thì hậu quả là sẽ phải vác một gánh nặng kéo dài, trong khi tiền đóng thuế của họ dùng vào việc khác ích lợi hơn.

Cuối cùng, cuộc nội chiến tại Syria còn kéo dài không biết bao lâu nữa, và sẽ tiếp tục làm nơi cho các nước trong vùng dùng làm nơi thi tài cao thấp, dùng nước Syria làm chiến địa. Iran và Saudi Arabia đều chống ISIL nhưng với mục đích khác nhau. Iran muốn bảo vệ chính quyền Assad mà Saudi Arabia muốn lật đổ. Thổ Nhĩ Kỳ muốn lật đổ Assad nhưng lại lo khối người Kurds ở cả nước họ và ở Syria cùng Iraq hợp tác được với nhau và có ngày sẽ đòi tách ra lập một quốc gia Kurdiatan. Qatar là một nước nhỏ với hai triệu dân nhưng lợi tức bình quân cao nhất thế giới nhờ dầu lửa, thì muốn đóng vai trò giúp các nước Á Rập thoát khỏi ách độc tài. Nước này đã giúp các phong trào nổi dậy trong Mùa Xuân Á Rập, mà Syria là mảnh đất còn sót lại chưa được giải phóng!
10-07- 2014 6:20:39 PM
Ngô Nhân Dụng
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment