Monday, September 8, 2014

Việt Nam: thành phố càng lớn, càng thiếu an toàn

BÌNH DƯƠNG (NV) - Các cơ quan hữu trách ở Bình Dương vẫn chưa tìm được xác bé La Văn Tỷ, 9 tuổi, bị nước cuốn xuống cống ngày 6 tháng 9, 2014. Ðiều này cho thấy, các thành phố ở Việt Nam càng lớn càng thiếu an toàn.

Những người cư trú tại các đô thị ở Việt Nam không chỉ bị đe dọa bởi tai nạn giao thông, sức khỏe suy giảm do đủ loại ô nhiễm (không khí, khói bụi, tiếng ồn, chất thải,...), mà còn có thể mất mạng vì vô số những tai họa khác: cây gãy, sụp ổ gà, sa xuống cống, bị nước mưa cuốn trôi...


Cuộc tìm kiếm bé La Văn Tỷ đã bước sang ngày thứ ba. (Hình: Người Lao Ðộng)

Sự bất bình về khả năng quản trị kém cỏi, vô trách nhiệm dâng cao khi có tới hai đứa trẻ ngụ ở Bình Dương thiệt mạng vì bị nước mưa cuốn xuống cống.

Chiều 6 tháng 9, Sài Gòn và nhiều tỉnh lân cận bị ngập nặng sau một trận mưa kéo dài gần ba tiếng, vũ lượng lên tới 122 mm, được xem là lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Không chỉ có Sài Gòn trở thành biển nước mà nhiều khu vực ở tỉnh Bình Dương cũng bị ngập nặng.

Sau mưa, khi đường đang ngập sâu, nước đang chảy cuồn cuộn xuống cống, bé La Văn Tỷ, 9 tuổi, ngụ ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương cùng bạn bè ra đường nghịch nước đã bị cuốn vào miệng cống thoát nước. Theo một số nhân chứng, sức nước đã đẩy các tấm bê tông đậy miệng cống dạt qua một bên. Thấy thế, một số người lớn vội vàng cảnh báo lũ trẻ tắm mưa nhưng tai nạn đã xảy ra ngay sau đó.

Trận mưa chiều Thứ Bảy còn làm bé Lê Văn Mạnh, 7 tuổi ngụ ở thị xã Tân Uyên, Bình Dương, vừa bước xuống xe đưa rước học sinh thì bị nước cuốn xuống cống rồi thiệt mạng giống như bé Tỷ. Sau tai nạn này, người ta phát giác, hệ thống cống ngầm ở thị xã Tân Uyên, Bình Dương không có lưới chắn ở khe thoát nước.

Người ta đã tìm được xác bé Mạnh vào tối cùng ngày nhưng chưa tìm thấy xác bé Tỷ. Ba ngày qua, hàng trăm tình nguyện viên đã phụ công an Bình Dương và công ty Công Trình Công Cộng Bình Dương đổ cát vào bao, đắp đập, chặn nước tràn xuống miệng cống nơi bé Tỷ thiệt mạng, bơm nước, lặn tìm xác bé Tỷ song không có kết quả.

Chưa rõ tại sao những tấm bê tông đậy miệng cống lại không đủ nặng để mỗi khi đường ngập, nước lại đẩy chúng dạt sang một bên.

Sau hai tai nạn vừa kể, tờ Người Lao Ðộng thực hiện một cuộc khảo sát và cảnh báo, chẳng riêng Bình Dương, hệ thống cống ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai và Sài Gòn cũng tiềm ẩn những nguy cơ tương tự.

Ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai, ngay cả những con đường lớn như Ðồng Khởi, Nguyễn Ái Quốc,... miệng cống còn không có nắp đậy. Xa hơn trung tâm một chút, khu vực phường Trảng Dài của thành phố Biên Hòa, gần như tất cả các hố ga đều lộ thiên. Dân chúng cho biết, họ đã yêu cầu sửa chữa nhiều lần nhưng không có nơi nào đáp ứng. Cũng vì vậy, thỉnh thoảng lại có người bị trọng thương do sa xuống cống.

Tình trạng tương tư cũng xảy ra ở Sài Gòn. Nhiều hố ga không có nắp đậy hoặc nắp đậy bị vỡ. dân chúng phải dùng hộp giấy, cành cây để cảnh báo người đi đường.

Ðầu tháng 7 năm ngoái, sau một trận mưa lớn, cô Ðinh Thị Phương Thảo, 22 tuổi, quê ở Bình Ðịnh, sinh viên năm cuối của Ðại Học Kinh Tế chết đuối giữa Sai Gòn. Hôm đó, cô Thảo và một người bạn đội mưa trở về ký túc xá Ðại Học Quốc Gia Sài Gòn. Khi xe chạy ngang một chiếc cầu nhỏ, bắc ngang một dòng suối, chảy qua khu phố 1, phường Linh Xuân, quận Thủ Ðức, nước đã cuốn cả hai xuống suối.

Bạn gái cô Thảo kể rằng do mưa mịt mù, các cô không nhìn rõ đường nên bị té. Lúc đó, nước chảy qua cầu quá mạnh, các cô bị cuốn xuống suối. Bạn cô Thảo may mắn níu được một gốc cây, cách cầu chừng 20 mét rồi bám chặt vào đó và được dân chúng trong vùng kéo lên. Riêng cô Thảo thì mất tích. Ðến tối người ta mới tìm được xác của cô.

Không có bất kỳ cơ quan hay cá nhân nào bị truy cứu trách nhiệm về những cái chết như vậy. (G.Ð)
09-08-2014 4:04:59 PM
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment