Lồng đèn biển đảo đánh bại lồng đèn Trung Quốc-Courtesy of vnmoney.nld.vn
Gia Minh -RFA 2014-09-07
Từ chiếc lồng đèn: hàng Tàu vẫn sẵn
Facebooker Liberty Mê Linh vào ngày 5 tháng 9 viết ‘Dạo một vòng Hàng Mã sắm đồ chơi tết Trung Thu cho các cháu, thất vọng toàn diện. Hàng Tàu tràn từ trong cửa hàng ra đến vỉa hè, mẫu mã đa dạng bắt mắt, giá cả phải chăng. Khó khăn lắm mới tìm được vài đồ chơi Việt thì mẫu mã thô kệch, nghèo nàn nằm co ro buồn thiu trong gian hàng…’
Facebooker này chụp hình một cái đèn kéo quân Việt Nam và cho biết giá đến 180 ngàn đồng Việt Nam.
Điều mà facebooker Liberty Mê Linh nêu ra tại Hà Nội, cũng không mấy khác ở Sài Gòn theo như lời của một bà mẹ trẻ có hai con đang độ tuổi mẫu giáo và cấp 1 cho biết về việc sắm lồng đèn Trung Thu năm nay cho con như sau:
Hôm đầu tháng có dẫn ra ngoài đường Nguyễn Thái Học mua lồng đèn. Mấy đứa nhỏ thích lồng đèn chớp tắt của Trung Quốc thôi. Lồng đèn của mỉnh ở đây thắp đèn cầy nên cũng sợ nguy hiểm. Có lồng đèn của Việt Nam là lồng đèn giấy gắn đèn LED vô.
Nỗ lực: Lồng đèn "biển đảo"
Trong khi đó từ hồi trung tuần tháng 7 truyền thông trong nước loan tin về một doanh nghiệp Việt Nam thành công trong việc sản xuất ra những chiếc lồng đèn Trung Thu với chủ đề biển đảo và theo họ đang áp đảo, đánh bại lồng đèn Trung Quốc.
Doanh nghiệp được nhắc đến là Công ty Cổ Phần Bao bì Kỹ thuật Mới, trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Hữu Khánh, tổng giám đốc công ty cho biết quá trình nỗ lực để có thể giành lại phần nào thị phần sản phẩm lồng đèn trong nước như sau:
Phải nói đây là những quyết tâm rất lớn của chúng tôi trong những năm qua. Thực không có gì đau khổ hơn khi thấy đồ chơi Trung Quốc ngày càng xuất hiện nhiều khiến cho những ngành sản xuất truyền thống của mình bị mai một, bị lụi tàn đi. Đó là điều rất buồn.
Mấy năm nay chúng tôi liên tục đẩy mạnh hơn nữa sản phẩm của mình ra. Năm trước chúng tôi chiếm được khoảng 50% thị phần, đẩy được đáng kể hàng Trung Quốc. Năm nay (chúng tôi) đầu tư mạnh. Tất cả những cán đèn, nhạc Việt và nhựa đều là chính phẩm, có chất lượng, không độc hại cho trẻ con. Chúng tôi tung ra và thấy dư luận xã hội đánh giá cao.
Đến giờ này mình phấn khởi nói được rằng đã đẩy được 90% đồ chơi Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam. Đó là điều hết sức mừng và thắng lợi.
Những điều mà Công ty Cổ phần Bao bì Kỵ Thuật Mới đạt được như vừa trình bày, theo ông Nguyễn Hữu Khánh, là nhờ vào một số yếu tố như sau:
Trong vấn đề này cũng nhờ sự phối hợp của nhau ở trong nước ‘thiên thời, địa lợi, nhân hòa’. Mấy năm nay Nhà nước có khuyến khích người Việt Nam dùng hàng Việt Nam. Đó là yếu tố số một; năm
nay Trung Quốc lại đưa giàn khoan vào lãnh hải của chúng ta.
Qua hai sự kiện đó, tôi đưa ra một số sản phẩm nhằm giáo dục con em tình yêu quê hương, đất nước, rồi tình yêu biển đảo. Chúng tôi có làm những lồng đèn trên đó thể hiện những cảnh như tàu cá của ngư dân Việt Nam, tàu cảnh sát biển Việt Nam, rồi những hình ảnh quen thuộc như cờ tổ quốc hay bồ câu bay, cá bơi lội trên mặt biển- những hình ảnh vui tươi như thế nhằm giáo dục các em thế nào là tình yêu quê hương đất nước, để các em vừa chơi, vừa học. Đây là điều mà chúng tôi mạnh dạn đưa vào và gặt hái được kết quả.
Khó khăn đầu tư
Khác với thuận tiện mà Công ty Cổ Phần Kỹ Thuật Mới có được như ông Nguyễn Hữu Khánh vừa trình bày, một doanh nghiệp tư nhân trước đây chuyên tận dụng bã mía để làm ra sản phẩm giả gỗ và trong thời gian qua chuyển sang nghiên cứu phân bón lại tỏ ra bi quan khi sản phẩm được nghiên cứu ra không thể nào được đưa vào sản xuất. Người nghiên cứu và thử nghiệm cho biết tình hình khó khăn ấy:
Không có thị trường ra mặc dù phân bón của mình tốt. Bởi cạnh tranh mà mình chưa có giấy tờ nên những nhà phân bón cho mình làm phân bón giả và đe bắt mình. Hiện nay phân bón là ngành độc quyền nên khi anh làm ra phân bón tốt hơn ( mà rõ ràng tốt hơn) nên họ đe bắt.
Mình cũng không phải là nhà khoa học, nên khi đưa ra họ cũng không cho mình làm. Mà chỉ toàn gặp trường hợp những người rình rình thấy cái hay đi theo … Mình cũng không có bản quyền, mà bản quyền đưa ra thì mất toi chứ có gì nữa đâu!
Một trở ngại khác nữa theo ông trình bày, là nguồn vốn vay khó có thể đến được với những đơn vị nhỏ như của ông, dù rằng theo ông khả năng thu lời rất cao:
Tất nhiên cũng có ưu đãi, nhưng thực sự để có tiền đến mà làm cũng khó. Không như người ta nói, phải ‘có hội, có thuyền’ với nhau, chứ vay được tiền khó lắm!
Ông đưa ra một so sánh với những đơn vị tại Trung Quốc như sau:
Trung Quốc là công xưởng của thế giới, họ có đầu tư tốt. Người ta có chính sách Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp. Kỹ sư nghiên cứu để làm ra được hàng xuất khẩu ra nước ngoài. Còn ở đây doanh nghiệp của mình không làm được. Chính sách của mình khác. Như tôi làm phân bón cho cây đu đủ, làm rẻ tiền mà người ta có chấp nhận đâu.
Thị trường bỏ ngỏ- chính sách thiếu vắng
Tình trạng hàng Trung Quốc giá rẻ nhưng kém chất lượng và thậm chí độc hại được tuồn sang Việt Nam qua ngã biên giới phía bắc lâu nay được báo chí nêu lên đã nhiều. Tuy nhiên cho đến lúc này biện pháp can thiệp của các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn chưa được nêu ra.
Trong khi đó hoạt động sản xuất trong nước đối với các ngành công nghiệp như dệt may, da giày… thì chủ yếu là gia công với nguyên phụ liệu được nhập phần lớn từ Trung Quốc về. Các sản phẩm nông nghiệp như gạo, cao su, trái cây của Việt Nam thì lại tiếp tục qua đường tiểu ngạch chuyển sang Trung Quốc.
Báo chí trong nước vào những ngày đầu tháng 9 trích dẫn phát biểu của ông Trương Duy Thanh, phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương cho biết tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đưa ra danh sách 170 phụ kiện cho phía Việt Nam sản xuất nhằm cung ứng cho dòng sản phẩm GalaxyS4 và Tab của tập đoàn này.
Tuy nhiên cũng chính ông phó vụ trưởng Trương Duy Thanh cho biết sau khi hỏi các hiệp hội, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp điện tử trong nước với 40-50 năm trong ngành. Tất cả đều trả lời là chưa làm được vì không đáp ứng được công nghệ và giá thành.
Trong danh sách 170 phụ kiện được đề nghị Việt Nam sản xuất có những vật dụng đơn giản như vỏ nhựa, tai nghe, sạc pin , cáp USB…
No comments:
Post a Comment