Monday, September 8, 2014

Áp lực nợ công tăng một cách đáng ngại


Tại một ngân hàng ở Hà Nội ngày 18/08/2014. Nợ công của Việt Nam đang tăng nhanh một cách đáng ngại.Reuters

RFI-Thanh Phương
Theo đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) của tạp chí The Economist công bố ngày 20/08/2014 nợ công của Việt Nam hiện đã lên tới 83 tỷ đôla, tăng thêm 3 tỷ đôla trong vòng 5 tháng . Tính đổ đồng, mỗi người dân Việt Nam hiện nay gánh món nợ khoảng hơn 900 đôla.
Theo lời bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn ở Quốc hội gần đây, tỷ lệ chi tiêu nợ công trên GDP của Việt Nam vào năm 2013 là 53,4%, tức là vẫn còn dưới ngưỡng an toàn 65% theo khuyến cáo của các định chế tài chính quốc tế.
Đúng là nếu so sánh với nhiều nước khác, tỷ lệ nợ công của Việt Nam chẳng thấm vào đâu, chẳng hạn như tính đến năm 2014 nợ công của Nhật Bản lên đến 242% GDP, hay của Mỹ lên tới 107%. Nhưng cái chính không phải là ở tỷ lệ, mà là khả năng thanh toán và cơ cấu nợ công của quốc gia đó.
Mặt khác cũng cần phải thấy là nợ công chính thức của Việt Nam hiện nay chưa tính tới nợ của các doanh nghiệp Nhà nước. Nếu tính đủ cả nợ doanh nghiệp Nhà nước thì mức nợ công này cao hơn rất nhiều. Chưa kể là có thể Việt Nam sẽ phải dùng ngân sách Nhà nước để trả những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
Chuyên gia kinh tế tế Lê Đăng Doanh, trả lời phỏng vấn RFI từ Hà Nội, cũng cho rằng nợ công của Việt Nam đúng ra phải tính luôn cả nợ của các doanh nghiệp Nhà nước, mà Nhà nước sẽ phải gánh thay. Ông cho rằng áp lực nợ công của Việt Nam hiện đang gia tăng một cách đáng ngại :
“Nợ công của Việt Nam theo số liệu chính thức do Bộ Tài chính công bố là vào khoảng 54 hay 56% GDP, như vậy còn dưới ngưỡng an toàn 65% mà Ngân hàng Thế giới ấn định. Tuy vậy ở Việt Nam, số nợ của các doanh nghiệp Nhà nước cho đến nay chưa được tính vào số nợ công của Nhà nước.
Số nợ của các doanh nghiệp Nhà nước, theo các số liệu do các chuyên gia đưa ra, là khoảng 51% GDP. Nếu cộng với số nợ công mà Bộ Tài chính công bố, thì tổng số nợ công có thể lên đến 106% hay 107% GDP. Như vậy là nó vượt xa tỷ lệ 65% của Ngân hàng Thế giới.
Nếu như doanh nghiệp Nhà nước không trả nợ được -như trường hợp Vinashin- Nhà nước phải đứng ra trả nợ thay, bởi vì Nhà nước đã đứng ra bảo lãnh, hay chính Nhà nước đã đi vay cho các doanh nghiệp này.
Điểm thứ hai cũng cần phải thấy rằng tổng số nợ công đã tăng lên một cách nhanh chóng trong thời gian gần đây và gánh nặng trả nợ đã lên đến mức 25% tổng số chi ngân sách. Đấy là một con số rất đáng lo ngại.
Trong số nợ này, có số nợ trong nước do chính phủ phát hành trái phiếu, mà trái phiếu trước kia do tình hình lạm phát nên có lãi suất rất cao. Lãi suất này, nay cũng giảm dần. Tuy vậy số nợ phải trả trong nước cũng rất là lớn và nghĩa vụ trả nợ trong năm 2014 cũng tăng rất mạnh so với năm 2013 và những năm trước đây. Cho nên, điều đáng lo ngại là tốc độ tăng của nợ công cũng như tốc độ tăng của tỷ lệ chi ngân sách để trả nợ công."
Theo tường thuật của tờ VnEconomy, tại một cuộc tham luận vào trung tuần tháng 7 vừa qua, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tiến sĩ Trần Đình Thiên đã nêu lên ba nguy cơ của nợ công Việt Nam :
Thứ nhất là tốc độ tăng nợ vay cao, hiện đã đến mức vay để trả nợ, chứ không phải vay để sản xuất rồi bán đi lấy tiền trả nợ. Thứ hai là cơ cấu nợ, bởi vì trong nợ công của Việt Nam, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, nên áp lực trả nợ gay gắt và ngày càng tăng cao. Thứ ba là năng lực trả nợ của Việt Nam đã thực sự đáng báo động, với nghĩa vụ trả nợ năm 2014 đã vượt qua vạch đỏ (25% tổng thu ngân sách) và chắc sẽ còn tăng cao trong năm tới và có thể vượt qua ngưỡng mất an toàn là 30%.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng đặc biệt lưu ý về áp lực của các món nợ ngắn hạn đối với Việt Nam:
“ Số nợ mà cho các chương trình hỗ trợ chính thức ODA cấp thì có thời hạn trả nợ dài, có một thời gian ân hạn cũng đáng kể, thường là 5 năm và lãi suất thấp. Cho nên, số nợ đó thì không đáng lo ngại. Đáng lo ngại là số nợ trái phiếu chính phủ trong nước và số nợ vay thương mại như khoản vay 750 triệu đôla năm 2005 để mang về cấp toàn bộ cho Vinashin và lần thứ hai là khoản vay 1 tỷ đôla năm 2010 cũng đưa về cho các tập đoàn và doanh nghiệp Nhà nước.”
Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, trả lời RFI từ Sài Gòn, cũng chia sẽ ý kiến nói trên của ông Lê Đăng Doanh :
“ Dòng tiền được huy động để thanh toán những khoản nợ gốc và lãi cho những khoản nợ ngắn hạn sẽ tạo áp lực mạnh hơn là các khoản nợ dài hạn. Ở đây nó cũng thể hiện mức độ rủi ro còn rất cao của Việt Nam. Nếu một nước có mức độ rủi ro thấp thì người ta có thể vay được các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp, còn Việt Nam thì phải vay ngắn hạn nhiều hơn và với lãi suất cao hơn. Cũng giống như một doanh nghiệp không có năng lực cao thì thường là các ngân hàng cho vay với lãi suất cao và thời hạn ngắn.”
Như tiến sĩ Lê Đăng Doanh có nói ở trên, tại cuộc họp báo của chính phủ ngày 28/08/2014, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Nguyễn Văn Nên xác nhận là chính phủ Việt Nam đang xem xét khả năng vay 1 tỷ đôla dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tể. Khoản vay này là nhằm để “ đảo nợ” , tức là sẽ được dùng để trả một khoản vay trên dưới 1 tỷ đôla có lãi suất cao hơn nhiều. Theo bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, như vậy số nợ không thay đổi nhưng lãi thì trả thấp hơn.
Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, việc phát hành trái phiếu quốc tế để lấy tiền trả nợ là chuyện bình thường ở các quốc gia khác, nhưng điều đáng ngại ở Việt Nam là trong khi nợ công tăng thêm, thì hiệu quả sử dụng nợ lại giảm xuống :
“ Các chính phủ đều có xu hướng phát hành trái phiếu để huy động nguồn tiền bên ngoài, có thể để thực hiện đầu tư công, đầu tư vào một số dự án nào đó, hoặc là để trả nợ. Cho nên việc phát hành trái phiếu là một chuyện bình thường. Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì gần đây rất nhiều chuyên gia cảnh báo là tình hình nợ công đang tăng lên và hiệu quả sử dụng nợ công cho việc phát triển kinh tế thì đang có xu hướng kém đi.
Thật ra cái việc đi vay nợ để phát triển kinh tế là điều tốt. Thy vì nhận viện trợ thì vay nợ thể hiện trách nhiệm của một nước sử dụng đồng tiền đó để phát triển kinh tế. Nếu là viện trợ cho không thì người ta xu hướng sử dụng vào những chuyện không hiệu quả, còn đi vay nợ thì người ta phải nghĩ đến chuyện trả nợ và như vậy phải đầu tư vào những dự án tốt.
Thế nhưng tình hình ở của Việt Nam trong một hai thập niên gần đây là đầu tư công kém đi hiệu quả. Trên thực tế ta đã thấy là có nhiều công ty Nhà nước đã mắc nợ rất nhiều và lâm vào tình trạng là do hoạt động không hiệu quả nên không thể trả được nợ đúng hạn, nên Nhà nước phải đứng ra trả nợ thay.
Quốc hội và chính phủ cũng đang cố gắng giảm những khoản đầu tư đó và kêu gọi các tập đoàn Nhà nước nên tập trung vào những lĩnh vực chuyên biệt của mình hơn là đầu tư dàn trải, như trường hợp của Vinashin.”
Đây là lần thứ ba trong vòng 9 năm qua, chính phủ Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế. Trước đây, năm 2005, chính phủ đã phát hành trái phiếu quốc tế tại thị trường chứng khoán New York, để vay 750 triệu đôla với kỳ hạn 10 năm. Số trái phiếu này sẽ đến hạn trả nợ gốc và lãi vào năm 2016. Tuy nhiên, do chính phủ cho Vinashin vay lại toàn bộ số trái phiếu nói trên và khoản vay đã không được sử dụng hiệu quả, nên Vinashin hầu như không có khả năng trả nợ cho chính phủ.
Đến năm 2010, chính phủ lại phát hành 1 tỷ đôla trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Số tiền này sau đó cũng được chính phủ cho một số tập đoàn kinh tế lớn như Dầu khí, Điện lực, Vinalines... vay lại. Tập đoàn Vinalines thì như đã biết, đang nợ hàng tỷ đôla không biết bao giờ mới trả xong.
Như vậy là sau khi đã vay nợ cho các tập đoàn Nhà nước làm ăn không hiệu quả, nay Nhà nước phải vay tiền coi như là để trả nợ thay cho các tập đoàn đó. Đối với tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc phải vay nợ mới để trả nợ cũ là một điều rất nguy hiểm đứng về mặt tài chính :
“ Đó là một điều rất đáng lo ngại, tức là chính phủ không thể dùng tiền ngân sách hay dự trữ ngoại tệ để trả nợ, mà phải vay nợ mới để trả nợ cũ. Việc vay nợ này hiện còn thuận lợi vì lãi suất trên thị trường thế giới thì thấp. Gần đây hãng Moody’s đã nâng hạng tín nhiệm tín dụng và tài chính của Việt Nam, cho nên vay kỳ này sẽ có lãi suất thấp hơn so với năm 2005.
Nhưng việc không tiền để trả mà phải vay nợ mới để trả nợ cũ là một tín hiệu rất đáng lo ngại đối với giới tài chính quốc tế. Tôi nghĩ rằng họ sẽ thương lượng một lãi suất thế nào đấy để trang trải cái rủi ro ấy. Họ sẽ có cái đánh giá rất là nghiêm túc.”
Tại hội nghị về kế hoạch và đầu tư vào cuối tháng 8/2014, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố “ Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ”. Nhưng tuyên bố của ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn chưa trấn an được giới chuyên gia, như lời tiến sĩ Lê Đăng Doanh :
“ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh quyết tâm của chính phủ và tôi rất trân trọng cái quyết tâm ấy. Tuy vậy, thứ nhất, chúng ta không có khả năng dùng tiền tiết kiệm của chúng ta, tiền ngân sách thu được, mà lại phải vay nợ mới để trả nợ cũ. Thứ hai, tình hình mất cân đối ngân sách của chúng ta là khá nghiêm trọng. Tôi nghĩ đó là một vấn đề mà giới chuyên gia kinh tế và tài chính thực sự quan ngại và đang bàn cách giải quyết, để trong tương lai tránh việc vay nợ mới để trả nợ cũ.”
Nếu tình trạng nợ công như hiện nay cứ tiếp diễn, liệu Việt Nam có nguy cơ bị vỡ nợ hay không ? Đối với chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, để tránh nguy cơ đó, Việt Nam phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn Nhà nước và giảm bớt những dự án đầu tư công không cần thiết :
“ Cho tới hiện nay thì người ta chưa nghĩ đến việc Việt Nam vỡ nợ giống như Hy Lạp. Nhưng rõ ràng là cần phải điều chỉnh lại hoạt động của các tập đoàn Nhà nước, cũng như phải giảm bớt các dự án đầu tư công quá tham vọng và không hiệu quả, để có thể bớt những khoản vay của nước ngoài, cũng như là dành đồng vốn cho các dự án có hiệu quả hơn. Như vậy sẽ làm giảm bớt nguy cơ vỡ nợ.
Tôi không nghĩ là chính phủ chi tiêu nhiều, đây chỉ là sự thiếu hiệu quả trong việc đầu tư vào khu vực kinh tế Nhà nước. Nếu đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, nếu quyết tâm cấu trúc lại các tập đoàn kinh tế, tập trung vào những lĩnh vực thật sự có hiệu quả, thì trong thời gian tới áp lực nợ công sẽ giảm nhiều.
Thời gian qua, chương trình cổ phần hóa, được tiến hành từ cách đây hơn một thập niên rồi, nhưng còn rất chậm và sự hình thành các tập đoàn Nhà nước lớn thì càng ngày càng rõ nét hơn. Quốc hội và chính phủ cũng đã nhận thức là phải tiến hành rất nhanh việc cổ phần hóa các công ty Nhà nước, cũng như tái cấu trúc nền kinh tế, phát triển hoạt động tư doanh, thì mới mong là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng lên và từ đó gánh nặng nợ công giảm dần.” 

No comments:

Post a Comment