Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 7-9 ngang nhiên đưa ra cái gọi là “4 điểm cần tôn trọng” của các bên liên quan trong vấn đề biển Đông tại cuộc gặp người đồng cấp Úc Julie Bishop ở TP Sydney.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng cấp Úc Julie Bishop-Ảnh: Sydney Morning Herald
Theo Tân Hoa Xã, 4 điểm trên gồm “lịch sử, luật pháp quốc tế, đối thoại và tham vấn trực tiếp giữa các nước liên quan, nỗ lực chung của Trung Quốc - ASEAN trong bảo vệ hòa bình và ổn định của biển Đông”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng cấp Úc Julie Bishop Ảnh: Sydney Morning Herald
Dù vậy, thực tế đã chỉ rõ Trung Quốc chính là nước không tôn trọng nguyên tắc chính họ đề ra thông qua những hành động đơn phương sai trái ở biển Đông, dẫn đến sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Vụ hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam gần đây là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh không hề “tôn trọng luật pháp quốc tế”. Chưa hết, nước này còn gây bức xúc trong dư luận thế giới khi ngang nhiên vẽ đường 10 đoạn nhằm độc chiếm biển Đông dù không trưng ra được bất kỳ chứng cứ pháp lý xác thực nào.
Một mặt kêu gọi đối thoại và đàm phán trực tiếp giữa các nước liên quan về biển Đông nhưng Trung Quốc cho đến giờ vẫn khăng khăng đòi đàm phán song phương nhằm dễ gây sức ép lên đối phương.
Nước này còn tiếp tục trì hoãn đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), qua đó càng cho thấy lời kêu gọi “tôn trọng nỗ lực chung của Trung Quốc - ASEAN trong bảo vệ hòa bình và ổn định của biển Đông” mà ông Vương Nghị nêu ra là sáo rỗng.
Cũng tại cuộc hội đàm với bà Bishop, ông Vương còn lớn tiếng yêu cầu các nước không liên quan trực tiếp đến tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông “đừng can thiệp” và “gây thêm rắc rối”.
Hãng tin Bloomberg nhận định dù không nêu đích danh nhưng rõ ràng đây là thông điệp gửi Mỹ, nước đang tăng cường quan hệ quân sự với một số quốc gia có liên quan đến tranh chấp như Philippines.
Biển Đông là một trong những vấn đề đe dọa làm xấu đi quan hệ Mỹ - Trung, nhất là sau vụ chạm trán gần đây giữa máy bay hai nước trên không phận quốc tế ở vùng biển này. Không những thế, quan hệ hai nước còn chịu thử thách bởi cáo buộc tấn công mạng, chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ và những bất đồng về chính sách kinh tế.
Những khúc mắc trên dự kiến được đem ra bàn khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice gặp gỡ các quan chức quân sự, ngoại giao Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm nay, 9-9.
Hãng tin AP dẫn lời bà Rice cho biết bất chấp những thách thức đang đối mặt, chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama vẫn xem Trung Quốc là ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Vì thế, chuyến đi của bà còn nhằm mở đường cho chuyến công du Bắc Kinh của ông Obama vào tháng 11 - được bà Rice đánh giá là “cột mốc quan trọng” trong quan hệ 2 nước.
Không được đánh giá thấp Việt Nam
Hãng tin Reuters hôm 8-9 dẫn lời các chuyên gia quốc tế nhận định Việt Nam sẽ sớm tạo được sức mạnh răn đe trên biển nhờ đội tàu ngầm Kilo mua từ Nga và sẽ khiến Trung Quốc phải cân nhắc khi có ý đồ dồn ép Việt Nam tại biển Đông.
Theo Reuters, Việt Nam hiện có 2 tàu ngầm Kilo tối tân và sẽ có chiếc thứ ba vào tháng 11 tới theo hợp đồng trị giá 2,6 tỉ USD ký kết với Nga hồi năm 2009.
Các chuyên gia cho rằng một khi tàu ngầm mới đi vào hoạt động, Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiến hành hoạt động chống tiếp cận, xâm nhập ngoài khơi bờ biển mình và xung quanh các căn cứ hải quân ở quần đảo Trường Sa.
Điều này làm phức tạp các tính toán quân sự của Trung Quốc ở biển Đông bất chấp việc nước này có lực lượng hải quân hùng hậu với khoảng 70 tàu ngầm.
“Việt Nam đã làm thay đổi toàn bộ cục diện. Họ đã có 2 tàu ngầm, thủy thủ và dường như là cả vũ khí, đồng thời năng lực và kinh nghiệm của họ sẽ lớn mạnh. Từ góc độ đánh giá của Trung Quốc, không thể xem nhẹ thực lực đánh chặn của Việt Nam” - ông Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu về chuyển giao vũ khí tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), nhận định.
Thứ Hai, 23:05 08/09/2014
Hoàng Phương
Theo Ngườilaođộng
No comments:
Post a Comment