Monday, September 8, 2014

Đối mặt với thay đổi, Việt Nam cần làm gì?

Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain (giữa) và Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (trái) cùng với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng trong một cuộc họp tại Hà Nội vào ngày 08 Tháng Tám, 2014. Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain (giữa) và Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse (trái) cùng với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng trong một cuộc họp tại Hà Nội vào ngày 08 Tháng Tám, 2014. AFP
Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok 2014-09-08
Trung Quốc từ những năm qua tiến hành các biện pháp gây hấn nhằm có thể chiếm cứ các vùng biển quanh Hoa Lục. Điều đó khiến cục diện thế giới biến chuyển do phản ứng không chỉ của các quốc gia liên quan mà cả các nước khác.
Trước biến chuyển bất lợi đối với Việt Nam là quốc gia bị Bắc Kinh o ép nhiều nhất, Hà Nội hiện phải vượt qua những gì để có thể giữ vững được độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Chính sách ngoại giao của Việt Nam
Việt Nam là quốc gia bị tác động trực tiếp bởi những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông nhất là trong thời gian gần đây. Sau khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào, Trung Quốc cho tàu va đâm tàu kiểm ngư của Việt Nam, và đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam. Sau đó tiếp tục bắt bớ, tấn công các tàu cá của ngư dân Việt tại khu vực Hoàng Sa và cả tại Vịnh Bắc Bộ.
Hà Nội lên tiếng phản đối nhưng không có hành động cụ thể nào để có thể bảo vệ ngư dân Việt Nam cũng như buộc Trung Quốc phải tôn trọng chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
Hồi ngày 12 tháng 8 vừa qua, thủ tướng Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hà Nội tổ chức hội nghị đối ngoại đa phương lần đầu tiên để tổng kết chính sách ngoại giao trong thời gian qua và đề ra phương hướng cho thời gian tới.
Muốn ‘đung đưa, cân bằng’ mối quan hệ giữa Việt Nam- Trung Quốc và Mỹ. Nếu không thay đổi mà vẫn thụ động chính sách này thì làm sao bảo vệ được mình. Bởi vì chính sách ‘đong đưa’ này đưa đất nước ta vào một cuộc khủng hoảng kép: vừa thất bại về kinh tế, vừa bị TQ đe dọa về chủ quyền
Ông Đặng Xương Hùng
Ông Đặng Xương Hùng, một viên chức ngoại giao Hà Nội tại Thụy Sỹ công khai từ bỏ đảng Cộng sản và xin tỵ nạn tại đó, nói đến đường lối ngoại giao của Hà Nội như sau:
Có mâu thuẫn trong việc tiếp tục hành trình đối tác chiến lược và đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ của mình. Đối với Trung Quốc luôn úp mở, thì Việt Nam luôn giữ chính sách 3 không ‘không tham gia liên minh quân sự với nước nào, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự, và không dựa vào nước này để chống nước kia’. Cái 3 không này thì nhằm vào hai nước quan trọng nhất trong mối quan hệ của mình đối với bên ngoài là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tức là cũng muốn ‘đung đưa, cân bằng’ mối quan hệ giữa Việt Nam- Trung Quốc và Mỹ. Nếu không thay đổi mà vẫn thụ động chính sách này thì làm sao bảo vệ được mình. Bởi vì chính sách ‘đong đưa’ này đưa đất nước ta vào một cuộc khủng hoảng kép: vừa thất bại về kinh tế, vừa bị Trung Quốc đe dọa về chủ quyền.
Quan hệ với Hoa Kỳ
Đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 10 quốc gia, trong đó Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện lại là quốc gia đang xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam.
Trong thời gian qua, Hà Nội có những động thái được cho là xích lại gần với Washington. Thực tế cho thấy trong tình thế hiện nay chỉ có Hoa Kỳ lên tiếng và có thể giúp Việt Nam đối phó với những hành động phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông mà thôi.
Giàn khoan HD của Trung Quốc và các tàu bảo vệ trong vùng biển Việt Nam, ảnh chụp tháng 7 năm 2014.
Giàn khoan HD của Trung Quốc và các tàu bảo vệ trong vùng biển Việt Nam, ảnh chụp tháng 7 năm 2014.
Bàn về mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, ông Đặng Xương Hùng phát biểu:
Thông điệp của ông John McCain là muốn Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới có những bước nhảy vọt trong quan hệ giữa hai nước. Điều đó chứng tỏ mối quan tâm của Hoa Kỳ với tình hình khu vực, nhất là khi phải đối phó với sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc
Ông Đặng Xương Hùng
Sau chuyến đi (Mỹ) của ông Nghị, ông John McCain sang Hà Nội ngay. Điều này chứng tỏ Hà Nội và Washington cấp thiết rất cần nhau. Trong thông cáo báo chí của chuyến đi, ông John McCain cũng nói Hoa Kỳ và Việt Nam có một chương trình nghị sự đầy tham vọng trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh có những sự kiện xảy ra gần đây ở Biển Đông. Việc ông ấy đưa ra hết những cam kết của Mỹ với tất cả những nội dung mà Việt Nam đang quan tâm, ví dụ Hiệp ước Đối tác Thái Bình Dương tiêu chuẩn cao, công nhận nền kinh tế thị trường, tăng cường hợp tác quân sự, nâng cao khả năng theo dõi lịnh vực hàng hải và bảo vệ chủ quyền, nới lỏng lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương. Tuy nhiên trong kỳ này ông cũng rất khôn khéo không làm lo ngại phía Trung Quốc, đó là cam kết chỉ giúp Việt Nam trong phạm vi phòng thủ thôi.
Thông điệp của ông John McCain là muốn Việt Nam và Mỹ trong thời gian tới có những bước nhảy vọt trong quan hệ giữa hai nước. Điều đó chứng tỏ mối quan tâm của Hoa Kỳ với tình hình khu vực, nhất là khi phải đối phó với sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc.
Thông điệp rõ ràng như vậy.
Ông này cũng chỉ ra những thách thức mà Hà Nội cần phải vượt qua:
Theo tôi thách thức thứ nhất đối với Việt Nam là vẫn lo ngại sự cân bằng giữa Mỹ với Trung Quốc. Theo tôi dưới con mắt của những nhà lãnh đạo Mỹ thì mối quan hệ với Trung Quốc quan trọng hơn nhiều với Việt Nam; và ngược lại phía Trung Quốc cũng suy nghĩ như vậy. Đã nhiều lần chúng ta đã là những con tốt trên bàn cờ quốc tế rồi. Chúng ta phải trả giá rất nhiều từ khi đất nước chia cắt bởi Hiệp định Geneve, rồi Thông cáo Thượng Hải 72 là sự mặc cả giữa Mỹ và Trung Quốc, và nhiều sự kiện khác để chúng ta thấy đất nước mình bị thí trên bàn cờ vì lợi ích quan hệ của họ, vì lợi ích quan hệ của các nước lớn khác. Điều này cần có sự khôn ngoan. Nhất là trong tình hình hiện nay cần phải tăng cường mối quan hệ với Mỹ trên tinh thần xây dựng mối quan hệ lòng tin để làm sao nước Mỹ có thể với tinh thần nhân bản, tinh thần là người dẫn dắt trật tự thế giới, họ sẽ dành cho Việt Nam một sự hợp tác rất hiệu quả và dần dần sức mạnh của đất nước mạnh lên, và lúc đó việc nói chuyện với Trung Quốc không còn là vấn đề của riêng mình nữa mà có thể lúc đó người Mỹ cũng phải bảo vệ mối quan hệ Mỹ- Việt như bảo vệ lợi ích của chính quốc gia mình.
Thách thức thứ hai là những cam kết và sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc đã quá sâu. Các thỏa thuận cả công khai lẫn bí mật với Trung Quốc đã quá sâu, để cho giới lãnh đạo hiện nay cân nhắc thoát ra khỏi là rất khó khăn. Tôi nghĩ với họ, thách thức này là lớn nhất. Bởi vì họ mất rất nhiều: quyền lợi cá nhân, gia đình, phe nhóm, chỉ có lợi cho dân tộc, cho nhân dân thôi. Tuy nhiên nếu thoát được điều này thì các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng giải thoát được cho bản thân họ và lịch sử sẽ tha thứ.
Thách thức thứ ba là thách thức ý thức hệ vì chỉ có dựa vào ý thức hệ Trung Quốc mới có thể thao túng Việt Nam một cách dễ dàng như vậy.
Thách thức thứ tư là sự phân hóa, chia rẽ trong nội bộ lãnh đạo đảng.
Ông Đặng Xương Hùng cũng nêu rõ yêu cầu về một lãnh tụ đủ sức lèo lái đất nước trong thời điểm này.
Một số đảng viên trong đảng Cộng sản, cũng như trí thức trong và ngoài nước đều lên tiếng kêu gọi lãnh đạo Hà Nội hiện nay phải kiện Trung Quốc ra trước tòa án quốc tế về những xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Đồng thời phải từ bỏ ý thức hệ cộng sản, đổi mới theo hướng dân chủ, tự do nhằm cứu đất nước khỏi tình trạng trì trệ, lạc hậu lâu nay và sự kiềm tỏa của Trung Quốc. Tuy nhiên dường như đến nay những lời khuyên chân thành đó vẫn chưa được lắng nghe.

No comments:

Post a Comment