Monday, September 8, 2014

Kiểm lâm đua nhau chiếm đất, buôn thú rừng

CÀ MAU ( NV) - Nhiều quan chức quản lý đất rừng U Minh Hạ, Cà Mau đang nắm trong tay rất nhiều đất rừng. Trong khi đó, kiểm lâm ở rừng nguyên sinh Nam Cát tiên, Ðồng Nai thoải mái săn thú rừng bán thịt...

Theo báo Tuổi Trẻ, thanh tra tỉnh Cà Mau vừa có kết luận về việc hàng loạt quan chức làm công tác bảo vệ và phát triển rừng U Minh Hạ đã lợi dụng chức vụ để chia chác đất rừng rồi đem bán hoặc thuê để hưởng lợi bất hợp pháp.

Kiểm lâm chiếm đất rừng bị biến thành đất công mang đi mua bán thoải mái. (Hình: Tuổi Trẻ)

Ðầu tháng 9 năm 2014, tại xã Khánh Thuận, huyện U Minh, nhiều người dân tố cáo nơi này có rất nhiều “khu đất quan” thuộc công ty Lâm Nghiệp U Minh Hạ.

Chỉ tay về trang trại thanh long nằm giữa cánh rừng U Minh Hạ, ông Nguyễn Văn Quang, xã Khánh Thuận nói: “Ðây là đất ‘vàng’ của ông Nguyễn Hữu Phước, phó giám đốc công ty Lâm Nghiệp U Minh Hạ. Khu đất này có diện tích 5.5hec ta.”

Ðược gọi là khu đất “vàng” vì nó giáp với hai mặt tiền, đất được sử dụng vào mục đích nông nghiệp, không như những khu đất khác bị giới hạn 30% sản xuất nông nghiệp, 70% trồng rừng.

Ngoài ra, ông Phước còn có phần đất rộng 11 hecta ở gần đấy nhận giao khoán của lâm ngư trường Sông Trẹm trước đây.

Liền kề với thửa đất trên là phần đất rộng 11.7 hecta do em ruột của ông Phước đứng tên. Ðó là chưa kể việc ông Phước để vợ đứng tên diện tích 4 hecta khác.

Theo kết luận của thanh tra tỉnh Cà Mau thì ông Phước có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng như: có nhiều tài sản thuộc diện phải kê khai nhưng cố tình che giấu những phần đất mình đang sử dụng.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên giám đốc lâm ngư trường Sông Trẹm, hiện nay là phó Ban Dân Vận Huyện Ủy huyện Thới Bình được ưu tiên giao khoán đến hai phần đất với diện tích 22,5 hec ta. Sau khi nhận khoán, ông Tuấn chuyển nhượng bằng cách xác lập hợp đồng mới cho người khác.

Bán đất xong, ba người con ông Tuấn lại được giao khoán tiếp 27.3 hecta đất. Tổng cộng, ông Tuấn và các con có năm thửa đất với tổng diện tích gần 50 hecta. Theo thanh tra tỉnh Cà Mau, ông Tuấn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vụ lợi cho cá nhân và gia đình.

Tại công ty Lâm Nghiệp U Minh Hạ, hiện có không ít quan chức cũng thuộc vào loại “vua đất” như ông Trần Minh Cảnh, cán bộ phân trường Sông Trẹm và gia đình có trong tay tới trên 68 hecta đất, ông Lê Việt Triều, trưởng phân trường Sông Trẹm có hai thửa đất trên 19 hecta...

Chỉ riêng tại vùng đệm vườn quốc gia U Minh Hạ hiện đã giao khoán 863 hecta, trong đó hợp đồng giao khoán cho quan chức 75 hecta. Phần lớn số đất này chủ nhân không trực tiếp sản xuất, mà đem đất cho thuê hoặc sang bán cho người khác.

Không chỉ chiếm đất rừng cho thuê, sang bán hưởng lợi mà các quan tham ở nơi này còn “tham ô tài sản” như tự ý bán cá, bán gỗ rừng ở U Minh Hạ để thu lợi bất chính.

Cùng lúc, báo Tuổi Trẻ đã khám phá phát hiện một số người làm công tác bảo vệ rừng ở Ðồng Nai trở thành những tay “cò” chuyên dắt mối buôn bán thịt rừng.

Chiều ngày 13 tháng 8, tại quán nước ở thị trấn Ðịnh Quán, Ðồng Nai, phóng viên báo Tuổi Trẻ trực tiếp gặp ông Mai Ngọc Ðạt là nhân viên bảo vệ rừng ở phân trường 2 thuộc Ban Quản Lý rừng phòng hộ 600 Nam Cát Tiên đặt thẳng vấn đề: “Bây giờ lấy hàng gì? Muốn lấy hàng gì có hàng đó. Hàng nuôi có hàng nuôi, hàng rừng có hàng rừng. Nói chung không thiếu một cái gì.”

Không chỉ có ông Ðạt, đồng cấp của ông này là ông Lê Quốc Văn, nhân viên của tổ kiểm lâm cơ động thuộc Hạt Kiểm Lâm H.Vĩnh Cửu cũng vô tư giới thiệu mật gấu, chào bán thịt thú rừng, “Cheo là một, chồn là hai, rắn là ba, nai là bốn, hươu là năm và heo rừng, nguồn hàng đầy đủ, giá rẻ...”

Hiện, giá thịt thú rừng rất cao do bị cấm săn bắn.

Với những người trực tiếp giữ cửa rừng còn như thế thì thử hỏi, rừng Việt Nam ngày càng cạn kiệt cây rừng, muông thú thì có lời giải thích nào thỏa đáng hơn? (N.T)

09-08- 2014 6:12:25 PM 
Theo Người Việt 

No comments:

Post a Comment