(Baodatviet) - Một số xe bọc thép của PLA di chuyển qua khu vực trung tâm Hồng Kông đúng vào thời điểm Trung Quốc đang bàn chuyện bầu lãnh đạo đặc khu này.
Ngày 28/8, tờ Apple Daily của Hồng Kông đưa tin, một số xe bọc thép của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) xuất hiện tại khu vực Jordan và Du Ma Địa, bán đảo Cửu Long – Hồng Kông, thu hút sự chú ý lớn của người dân.
Những chiếc xe bọc thép được trang bị súng xuất hiện vào thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc bắt đầu cuộc họp kéo dài 1 tuần về vấn đề bầu chọn người lãnh đạo đặc khu hành chính Hồng Kông, kéo dài từ ngày 25-31/8.
Xe bọc thép PLA di chuển trên đường Jordan, bán đảo Cửu Long hôm 28/8. Ảnh: Apple Daily |
Theo lời lãnh đạo cơ quan an ninh Hồng Kông Ambrose Lee phát biểu từ năm 2012, lực lượng PLA vẫn thường xuyên di chuyển qua lại giữa các doanh trại vài tháng một lần. Do vậy, sự xuất hiện của những chiếc xe bọc thép lần này có thể cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, sự có mặt của loại thiết bị quân sự hạng nặng vào thời điểm nhạy cảm như hiện nay phần nào làm dấy lên tâm trạng bất an của người dân Hồng Kông. Dù chính phủ Trung Quốc cam kết để người dân Hồng Kông tự bầu lãnh đạo của mình vào năm 2017 nhưng vẫn khăng khăng đòi rà soát danh sách ứng viên thông qua một ủy ban đề cử ủng hộ Bắc Kinh.
Đến ngày 27/8, truyền thông Hồng Kông đưa tin, Trung Quốc đã quyết định hạn chế các cuộc bầu cử lãnh đạo đặc khu này năm 2017 gói gọn trong những ứng cử viên trung thành với Bắc Kinh.
Đài phát thanh RTHK của Hồng Kông dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết, trong nghị quyết dự thảo công bố trong cuộc họp của Ủy ban thường vụ quốc hội Trung Quốc, Trung Quốc chỉ cho phép 2-3 ứng cử viên chạy đua cuộc bầu cử ở Hồng Kông năm 2017 và không cho phép các chỉ định mở rộng.
Thông báo chính thức được công bố vào ngày 31/8, tuy nhiên nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục giữ lập trường như vậy hẳn sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa trong bối cảnh làn sóng phản đối dâng cao tại Hồng Kông.
Phong trào ủng hộ dân chủ Chiếm Trung tâm ở Hồng Kông đã tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc biểu tình ngồi với sự tham gia của 10.000 người ở quận tài chính của Hồng Kông nếu phán quyết của Bắc Kinh về tương lai chính trị của Hồng Kông không hợp lý.
Lực lượng cảnh sát Hồng Kông với 28.000 người đang tiến hành các cuộc tập trận kiểm soát đám đông. Cùng với đó, việc xuất hiện các xe bọc thép trên đường phố Hồng Kông khiến nhiều người lo ngại chính phủ Trung Quốc đang muốn phô trưng lực lượng, răn đe phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông, thậm chí có thể mạnh tay khi cần.
Dường như sự mềm mỏng của Trung Quốc đối với Hồng Kông đang ngày càng giảm đi. Bằng chứng là trong cuộc biểu tình hồi đầu tháng 7 với sự tham gia của hàng trăm nghìn người, hơn 500 người đã bị bắt giữ với cáo buộc "tụ tập trái phép và cản trở cảnh sát".
Theo mô tả của các nhân chứng, khi cảnh sát tiến hành giải tán, nhiều người biểu tình đan tay vào nhau, đấm đá, gào thét để chống trả nhưng cuối cùng họ vẫn bị khiêng lên xe. Truyền thông quốc tế cho biết, đến ngày 2/7, khoảng 50 người đã được thả, số còn lại chưa biết sẽ bị giam giữ đến khi nào.
Hồng Kông được trao trả về cho Trung Quốc năm 1997. Trưởng Đặc khu hành chính hiện nay của Hồng Kông – ông Lương Chấn Anh do một ủy ban thân Bắc Kinh bầu ra với sự phê chuẩn của Bắc Kinh.
Dù Bắc Kinh cam kết vào năm 2017 người dân Hồng Kông sẽ được chọn lãnh đạo song phần lớn người dân Hồng Kông đều cho rằng không thể chấp nhận được điều kiện của Bắc Kinh đưa ra, đó là những ứng cử viên tham dự cuộc bầu cử này sẽ là những người do Bắc Kinh lựa chọn.
Rõ ràng Trung Quốc đang phải đối mặt với bài toán khó Hồng Kông. Chính quyền Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc rất nhiều trước khi hành động bởi Hồng Kông giàu có và là một mũi nhọn kinh tế của Trung Quốc.
Chấp nhận những tiếng nói cải cách ở Hồng Kông là đụng chạm tới mô hình “một nhà nước hai chế độ” tồn tại suốt 17 năm qua và có thể dẫn tới thay đổi cơ bản liên hệ ràng buộc chính trị, pháp lý giữa Hồng Kông và đại lục. Đó là chưa kể nhượng bộ ở Hồng Kông rất có thể sẽ dẫn tới phản ứng dây chuyền trong đại lục.
Một điều cần lưu ý là chính quyền Bắc Kinh đang tỏ ra cứng rắn cả về đối nội và đối ngoại nên không dễ gì thỏa hiệp với Hồng Kông. Bởi thế, tình hình ở Hồng Kông chắc hẳn không thể lắng dịu một sớm một chiều.
Minh Thái
Minh Thái
No comments:
Post a Comment