Lời phát biểu của Phó Ðô Ðốc Zhang Zhaozhong thuộc trường Ðại Học Quân Sự Quốc Gia ở Bắc Kinh, được các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc loan tải tuần này, phản ánh điều mà các chuyên gia quân sự Trung Quốc nói là quyết tâm của Trung Quốc nhằm ngăn cản không cho các phi cơ trinh sát Mỹ tìm hiểu căn cứ tàu ngầm phóng hỏa tiễn liên lục địa của họ.
Chiến đấu cơ J-11 mà Trung Quốc dùng để ngăn cản các máy bay do thám của Mỹ. (Hình: Getty Images)
Các cuộc nghênh cản nhiều rủi ro ngoài khơi bờ biển Trung Quốc sẽ còn tiếp tục, và còn có thể gia tăng hơn nữa, theo các chuyên gia, cho biết thêm rằng đây có thể là theo lệnh của cấp cao hơn chứ không phải hành động riêng lẻ của các phi công bồng bột.
“Chúng ta đã không tạo đủ áp lực đối với họ,” ông Zhang nói với tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một phụ bản của tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc. “Kề dao vào cổ là biện pháp ngăn chặn hay nhất. Kể từ nay, chúng ta phải bay còn gần hơn nữa với phi cơ trinh sát Mỹ.”
Giới chức Ngũ Giác Ðài nói rằng một chiến đấu cơ loại J-11 của Trung Quốc đã bay sát chiếc phi cơ trinh sát loại P-8 Poseidon của Mỹ hôm 19 Tháng Tám, có khi chỉ cách chưa tới 10 m, ở khu vực Biển Ðông.
Một mục tiêu nhòm ngó của Mỹ có thể là một căn cứ tàu ngầm, được xây ở trong núi, tại đảo Hải Nam của Trung Quốc, theo các chuyên gia quân sự.
Trong số các tàu ngầm sử dụng căn cứ này là loại Jin, có khả năng mang theo hỏa tiễn nguyên tử liên lục địa, được coi là một phần quan trọng của chiến lược răn đe nguyên tử Trung Quốc.
Khả năng hoạt động chính xác của loại tàu ngầm này, Trung Quốc hiện có từ ba đến bốn chiếc, hiện không được biết rõ ràng.
“Về lâu về dài, các tàu ngầm này là hy vọng duy nhất của Trung Quốc để có được một sức mạnh răn đe nguyên tử thực sự có ý nghĩa... chúng vô cùng quan trọng với Trung Quốc,” theo lời Zhang Baohui, một chuyên gia về an ninh lục địa Trung Quốc tại đại học Lingnan University ở Hồng Kông và là tác giả cuốn sách sắp xuất bản về chiến lược nguyên tử và quân đội Trung Quốc.
Một giới chức cao cấp Mỹ ở Washington nói rằng chính phủ Obama hiện chưa xác định được rằng lệnh cho phép bay sát phi cơ Mỹ là do cấp cao tới đâu trong hệ thống chỉ huy của Trung Quốc ra lệnh, hay chỉ là quyết định của chỉ huy địa phương hoặc do các phi công bồng bột.
Ðô Ðốc Samuel Locklear, tư lệnh bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, hồi Tháng Ba cho hay Trung Quốc tiếp tục chế tạo loại tàu ngầm trang bị hỏa tiễn mới có tầm bắn xa hơn 4,000 hải lý.
Trung Quốc hiện có 70 tàu ngầm, Mỹ có 72 chiếc và Nhật có 18 chiếc, theo các nguồn tin quân sự thế giới. (V.Giang)
08-29- 2014 2:10:36 PM
No comments:
Post a Comment