Saturday, August 30, 2014

Điều gì sẽ xảy ra khi 63 tỉnh thành cùng "chỉ đạo" uống bia?

Từ việc UBND tỉnh Nghệ An kêu gọi 'uống bia' theo công văn, câu hỏi đặt ra nếu 63 ông chủ tịch tỉnh, thành cả nước đều ra công văn chỉ đạo khuyến khích ưu tiên uống bia do địa phương mình sản xuất thì điều gì sẽ xảy ra?
Có phân biệt đối xử?
Trả lời chúng tội, Luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng Văn phòng luật sư Trịnh – Hà Nội) cho rằng, Công văn "chỉ đạo uống bia" của UBND tỉnh Nghệ An có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh canh, tạo rào cản đối với các sản phẩm khác cùng loại, ảnh hưởng môi trường đầu tư, xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, quyền tự do lựa chọn sản phẩm, hàng hóa của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Tuy lãnh đạo tỉnh giải thích Công văn chỉ có nội dung khuyến khích, nhưng từ ngữ sử dụng trong văn bản là "yêu cầu". Điều này đã có ý nghĩa bắt buộc.
Vị luật sư phân tích: UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã, các các tổ chức chính trị xã hội và các hội doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn các đơn vị trực thuộc, cán bộ công chức, viên chức và người dân ưu tiên dùng các sản phẩm đồ uống sản xuất trong tỉnh như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, bia Vida. Đặc biệt, trong các cuộc hội nghị, hội thảo, tiếp khách có sử dụng ngân sách theo quy định được sử dụng đồ uống, các cơ quan này phải ưu tiên dùng các sản phẩm đồ uống sản xuất trong tỉnh nêu trên. 

 Công văn của chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đăng tải trên cổng TTĐT nghean.gov.vn
Nội dung này có dấu hiệu “buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định”, vi phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Cạnh tranh. 
Theo luật sư Dũng, kể cả sử dụng tiền ngân sách, các cơ quan này vẫn phải lựa chọn những sản phẩm ngon, bổ, rẻ. Họ phải sử dụng như thế nào có lợi nhất cho nhà nước, không nhất thiết là loại hàng hóa do tỉnh chỉ định. UBND tỉnh không phải là cơ quan thẩm định để quyết định loại bia nào ngon bổ rẻ.
Thậm chí, UBND tỉnh Nghệ An còn yêu cầu một số sở tăng cường kiểm soát chặt chẽ các loại bia không sản xuất trên địa bàn tỉnh, cục thuế kiểm soát chặt các đại lý, nhà hàng sử dụng các loại bia không sản xuất trên địa bàn tỉnh. Nội dung này có dấu hiệu “phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp”, vi phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Cạnh tranh.
Khởi nguồn cho tính cục bộ địa phương?
 
Tuy nhiên, luật sư Hoàng Minh Hiển (Văn phòng luật sư Bắc Hà – Hà Nội) đánh giá, khó có cơ sở cho rằng nội dung này vi phạm pháp luật. Theo luật sư Hiển, trong trường hợp tỉnh có thỏa thuận với các doanh nghiệp bia này để hạn chế khối lượng hàng hóa dịch vụ của các hãng khác.
Theo luật sư Hiển, nếu nội dung chỉ có ý nghĩa khuyến khích, công văn chưa có dấu hiệu trái pháp luật. Cơ quan hành chính có thể động viên người dân sử dụng hàng hóa trong tỉnh. Điều này cũng giống chủ trương "người Việt dùng hàng Việt". Chủ trương này nhằm tăng ngân sách của tỉnh, huyện.
"Chúng ta nên hiểu theo nghĩa tích cực. Người ta khuyến khích chứ không ép." - Luật sư Hiển nhìn nhận.
Luật sư Phạm Thành Long (Giám đốc Công ty Luật gia Phạm – Hà Nội) cho rằng, việc kêu gọi ưu tiên dùng hàng của tỉnh nhà thay vì hàng từ tỉnh khác cũng là điều bình thường.
Nhiều người cho rằng công văn này cổ vũ sử dụng bia rượu là loại hàng hóa bị hạn chế. Nhưng theo luật sư Long, đây chỉ là khuyến khích lựa chọn trong những trường hợp được phép sử dụng. 
Về nguyên tắc, sử dụng bia từ tỉnh nào cũng đều đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, không tỉnh này thì tỉnh khác. Nhưng tỉnh muốn tăng ngân sách, có thể khuyến khích người dân sử dụng bia trong tỉnh sản xuất.
"Tôi chưa tìm được căn cứ để cho rằng Công văn này trái pháp luật." - Vị luật sư nói.
Tuy nhiên, luật sư Long đặt vấn đề: Nếu 63 tỉnh thành trên cả nước đều ra công văn tương tự UBND tỉnh Nghệ An, điều gì sẽ xảy ra?
Ông Long ví dụ: Hà Nội khuyến khích chọn uống bia Trúc Bạch, Nam Định vận động dùng bia Nada, Thừa Thiên Huế ưu tiên Huda, Đà Nẵng thích Larue,... Người dân mỗi tỉnh thành chỉ ưu tiên sử dụng hàng hóa của tỉnh mình sản xuất, điều có tạo ra sự phân biệt, kỳ thị hàng hóa giữa người dân các tỉnh thành hay không?
"Đây có phải là khởi nguồn cho tính cục bộ địa phương?" - Luật sư Phạm Thành Long nhấn mạnh.

 
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường cũng vừa ban hành Công văn 5290 yêu cầu các sở, ban ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành, thị; các tổ chức chính trị xã hội và các hội doanh nghiệp trên địa bàn chung tay góp sức hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm bia sản xuất trên địa bàn tỉnh như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, bia Vida.
Theo công văn, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức và người dân đồng hành cùng doanh nghiệp bằng việc ưu tiên dùng các sản phẩm đồ uống sản xuất trong tỉnh như bia Sài Gòn, bia Hà Nội, bia Vida. Trong các cuộc hội nghị, hội thảo, tiếp khách có sử dụng ngân sách theo quy định được sử dụng đồ uống, phải ưu tiên dùng các sản phẩm đồ uống sản xuất trong tỉnh như các loại bia trên.
Công văn này cũng giao các cơ quan khối tuyên truyền, các đoàn thể chính trị xã hội, các hội doanh nghiệp... tích cực vận động các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn ưu tiên giới thiệu, mời gọi và khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm bia sản xuất trong tỉnh nhằm quảng bá sản phẩm của nhà sản xuất đến với khách hàng, du khách…
Đồng thời giao các sở, ban ngành… hằng tháng, hằng quý, hằng năm phải báo cáo tình hình thực hiện việc này về UBND tỉnh (qua Sở Công Thương tỉnh Nghệ An)

Thứ Bảy, ngày 30/8/2014 - 11:02
 Theo Khánh Công (VN Media)

No comments:

Post a Comment