Tuesday, July 29, 2014

"Quả đắng" ODA Trung Quốc: Bị Nhật Bản trả hàng

(Baodatviet) - Nhận 2 dây chuyền thiết bị Trung Quốc do Công ty CP Nhựa Việt Nam nhập về bằng nguồn vốn ODA, Công ty Nhựa Việt Phước mất 2 năm để bù lỗ.
Nhật Bản trả lại hàng vì chệch chuẩn

Làm ăn có lãi đã được 4 năm, ông Hoàng Văn Thạc vẫn không quên những ngày đầu mới về nhậm chức giám đốc tại Công ty CP Nhựa Việt Phước (1 trong 6 thành viên của Công ty CP Nhựa Việt Nam - Vinaplast) mà theo ông là cực kỳ đau đầu bởi khó khăn chồng chất, đã thế phải đánh vật với 2 dây chuyền thiết bị mà Vinaplast nhập về từ Trung Quốc bằng chính nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc.
Trụ sở Công ty CP Nhựa Việt Phước
Công ty CP Nhựa Việt Phước đang phải gồng mình trả thuê 2 dây chuyền thiết bị Trung Quốc
"Năm 2010 tôi về làm giám đốc tại Nhựa Việt Phước. Khi đó công ty đã thuê 2 dây chuyền thiết bị PE/PP và PC do Vinaplast chuyển xuống từ nguồn vốn ODA Trung Quốc được 3 năm (từ 2007). Thời điểm đó công ty gặp rất nhiều khó khăn, lỗ mấy tỉ, dây chuyền PC hoạt động mỗi tháng được có mấy ngày, thời gian còn lại công nhân xử lý phế liệu. Dây chuyền  PE/PP không hoạt động. Chỉ có mấy năm mà đã thay tới 6 giám đốc lẫn phó giám đốc, có người làm được 1 tháng phải "bỏ của chạy lấy người", ông Thạc kể lại.
Vào thời điểm đó, dù đã nhận 2 dây chuyền thiết bị ODA Trung Quốc thế nhưng các cán bộ kỹ thuật của Nhựa Việt Phước lại chưa rành công nghệ, đặc biệt dây chuyền PE/PP anh em không nắm được kỹ thuật và công thức phối trộn nguyên liệu nhựa.
Trước khi gánh vác Nhựa Việt Phước, ông Thạc đã nghe câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến dây chuyền Trung Quốc. Cụ thể, khi đó một công ty Nhật Bản đặt Nhựa Việt Phước làm tấm PP dày 2 li (2mm).
"Khi công ty đem giao hàng thì một tuần sau phía Nhật Bản gửi trả vì 2 li ngót đi còn 1,8 li. Nhựa Việt Phước phải xin lỗi và xin làm lại. Phía Nhật Bản đồng ý và sau đó công ty giao hàng lần 2 nhưng vẫn bị trả về. Lần này 2 li ngót còn có 1,9 li. Hồi đó các kỹ sư hóa ở đây lập công thức độ co ngót này nọ... Về sau có mấy quân sư cố vấn đề nghị chuyển sang chạy tấm PC đặc nhưng cũng thất bại. Từ đó, dây chuyền PE/PP  "trùm mền" luôn".
Theo ông Thạc, điều đáng nói là Trung Quốc chỉ bán máy móc chứ không bán công nghệ cho Vinaplast. Khi bàn giao, phía Trung Quốc chỉ chạy thử ra sản phẩm là xong, còn sản phẩm có đạt chất lượng hay không, có đáp ứng được nhu cầu của khách hàng hay không thì họ không quan tâm. Vì thế, sau khi ký hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn kinh tế kỹ thuật đối ngoại Thượng Hải (SFECO), Vinaplast chỉ nhận về phần cơ (máy móc) mà thôi, còn nguyên liệu, công thức phối trộn, thực hiện thế nào không ai biết.
"Tôi đã có 18 năm làm kinh doanh nguyên liệu nhựa. Mỗi lần giao hàng cho khách tôi cũng đi theo. Mấy cậu bốc xếp vác hàng từ xe tải vào kho khách, tôi cũng vác nhưng chỉ 1 bao rồi đứng xem công nhân của khách hàng làm, từ đó tôi mới biết công thức phối trộn nhựa và sau này mang về Nhựa Việt Phước sử dụng".
Thời gian đầu, ông Thạc đau đầu vì các khoản lỗ, lại thêm dây chuyền PE/PP  không hoạt động được, dây chuyền PC thì chỉ chạy được 30% công suất.
"Nhà tôi ở Sài Gòn. Những ngày đầu mới nhậm chức, tôi lên Bình Dương làm, tối cứ phải 9-10 giờ đêm mới về nhà, thậm chí có bữa đến 12 giờ đêm. Tôi cùng anh em kỹ thuật phải tìm hiểu về các thiết bị của dây chuyền PE/PP, dây chuyền PC và điều chỉnh, cải tiến chúng… Bên cạnh đó phải tìm đầu ra cho sản phẩm.
Vận hành được 2 dây chuyền thiết bị Trung Quốc, theo ông Thạc đều xuất phát từ thị trường mà ra. "Nói thị trường thì xa xôi, tôi ra ngoài chợ, đến chỗ bán vật liệu xây dựng, nhìn các sản phẩm, dựa vào đó để làm ra cái của mình", ông Thạc nói.
Trên cơ sở các công thức phối trộn nhựa, công nghệ mà ông có được, lại nắm được tâm lý người Việt "sính ngoại", thích đồ ngon, bổ, rẻ nên Nhựa Việt Phước đưa sản phẩm dán mác toàn tiếng nước ngoài, giá rẻ thế là người dân mua ùn ùn và công ty sống.

Gồng mình trả nợ

Đến bây giờ, hàng năm công ty Nhựa Việt Phước vẫn phải gồng mình ra trả tiền thuê 2 dây chuyền thiết bị Trung Quốc mà Vinaplast nhập về.
"Năm 2007, hai dây chuyền thiết bị này được nhập về với giá 8,7 triệu Nhân dân tệ. Năm 2012, tôi sang nhà máy sản xuất thiết bị trên của Trung Quốc thì giá của hai giàn máy kia tầm 11-12 tỷ đồng (khoảng 3,3-3,4 triệu Nhân dân tệ).
Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2014, Nhựa Việt Phước đã trả được gần 13 tỷ tiền thuê máy. Nếu máy đó do Vinaplast bỏ tiền ra mua thì chúng tôi đã khấu hao xong rồi, nhưng do đây là vốn vay ODA nên bây giờ chúng tôi mới đi được 1/3 đoạn đường. Năm nhận giàn máy này về, tỷ giá mới chỉ là 1 NDT=1.800 VND, đến thời điểm hiện tại đã là 1 NDT=3.500 VND, mỗi năm đồng tiền Việt Nam lại mất giá so với đồng Nhân dân tệ nên tính ra chúng tôi còn nợ hai mươi mấy tỷ nữa", ông Thạc chia sẻ.
Cũng theo giám đốc Nhựa Việt Phước, thời gian khấu hao 2 dây chuyền trên là 12 năm nhưng mới sử dụng được 5 năm, giàn máy đã hư hỏng nhiều, mỗi năm công ty tốn vài trăm triệu để sửa chữa.
Tại Đại hội Cổ đông thường niên năm 2014 của Vinaplast tổ chức hồi tháng 6/2014 tại TP.HCM, ông Lê Hoàng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinaplast thừa nhận, đầu tư ODA từ nguồn vốn vay của Trung Quốc thông qua Ngân hàng Phát triển, doanh thu cho thuê thiết bị ODA không đủ bù đắp lãi vay và chênh lệch tỷ giá (lỗ trung bình 5 tỷ).
Cũng theo ông Lê Hoàng, hiện vay vốn ODA còn khoảng 39 triệu Nhân dân tệ.
"Chúng tôi đã làm việc với Bộ Tài chính, Ngân hàng Phát triển để xin khoanh nợ, giãn nợ gốc và lãi trong 3 năm để thực hiện vấn đề tái cơ cấu và xin Nhà nước xử lý chênh lệch tỷ giá. Vấn đề xử lý nợ ODA không thể giải quyết trong vòng 1 năm mà cần có thời gian và chúng tôi tin rằng đối với Vinaplast chúng tôi sẽ làm được bởi vì chủ trương này đã xử lý cho một số đơn vị nhà nước có trường hợp tương tự", ông Hoàng nói.

Thành Luân

No comments:

Post a Comment