Tuesday, July 29, 2014

Mẹ anh hùng phải giữ lấy…trinh !



ANHHUNG-TIEUCHUAN

Có lẽ từ lâu lắm rồi, chúng ta thường nghe truyền thông viết về vẻ đẹp của những anh hùng. Từ Cù Chính Lan, Phan Đình Giót, đến Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, rồi sau này là chị Tuyển, chị Hằng ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) vác hòm đạn cao xạ nặng gấp đôi số cân của mình. Hình như sau này nhờ có công lao vác đạn mà chị Hằng lên tới hàm Bộ trưởng.
Thật ra, thời chiến cần những hình tượng anh hùng để cả nước học tập và làm theo, mục đích là thắng giặc Mỹ. Nếu có nói quá một chút cũng là bình thường. Chiến tranh mà.
Thời bình có của ăn của để, thế hệ sau biết ơn bằng cách phong anh hùng cho các bà mẹ có chồng con hy sinh. Đó là cách làm rất nhân văn, động viên được bao bà mẹ, bà vợ có người thân ngã xuống.
Theo nghị định 56/2013, tiêu chuẩn mẹ anh hùng ghi rõ, có từ hai con hy sinh trở lên, hoặc là con một, hoặc có một con là liệt sĩ và có chồng hoặc bản thân là liệt sĩ.
Nghị định 31/2013 cũng nói, vợ liệt sĩ tái giá không được xem xét giải quyết các quyền lợi khác ngoài trợ cấp tiền tuất hằng tháng. Có lẽ dựa vào đó mà cấp trên chưa xem xét diện bà mẹ anh hùng cho một cụ gần đất xa trời.
Báo Tuổi trẻ có một bài viết về cụ Trần Thị M. (83 tuổi, nguyên quán Đức Phổ, Quảng Ngãi, hiện ngụ ở P.12, Q.Bình Thạnh, Sài Gòn) có chồng và con trai là liệt sĩ nhưng chưa được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VN anh hùng chỉ vì bà…tái giá.
Bài báo cho biết, trong chiến tranh cụ mất 3 người thân: năm 1962, ông Võ Mười, chồng bà, hi sinh khi bà mới 30 tuổi; năm 1964, con trai út Võ Danh của bà bị bắn chết khi vừa 6 tuổi, đang được giao việc cảnh giới cho các chú cán bộ họp; năm 1971, con trai lớn Võ Thái làm giao liên cho ban binh vận Khu ủy Khu V hy sinh ở tuổi 16.
Còn lại một mình giữa đạn bom, hai lần bị bắt, giam cầm tra khảo ở nhà lao Quảng Ngãi, năm 1974 bà gá nghĩa với một người đồng đội, ông Thái Văn Thới. Như vậy cụ M. cũng cắn răng tới 10 năm sau mới tái giá.

Một bà mẹ VN anh hùng. Ảnh: Báo TTO
Một bà mẹ VN anh hùng

Hôm nay, ngày thương binh liệt sỹ 27-7, viết câu chuyện này không phải chút nào. Có bao nhiêu người chồng ra trận đều hẹn ngày về với vợ, nhưng lời hẹn ước ấy bị chiến tranh cướp mất. Người ngã xuống không muốn người ở lại phải “cắm sào” đợi ai về. Ở thế giới bên kia, chắc họ cũng mong người thương tìm được hạnh phúc trong phần đời còn lại.
Thời của thiếu niên của tôi (1960-1970) ai chả nhớ chị Phan Thị Quyên, vợ mới cưới được gần một tháng của anh Nguyễn Văn Trỗi, người định giật mìn giết chết McNamara trên đường Công Lý. Anh Trỗi bị bắt và xử bắn (1964) lúc chị mới 19-20 tuổi.
Khi được đưa ra Bắc, chị đi nói chuyện khắp nơi, được báo đài đưa tin. Nhưng khi chị Quyên đi lấy chồng khác, tuyệt nhiên không còn bài báo nào viết về chị nữa. Vợ của anh hùng thì cũng phải khác người.
Ở một đất nước mà anh hùng được dựng lên không tỳ vết. Lãnh tụ phải suốt đời cô đơn không một chút riêng tư, sống như những vị thánh.
Não trạng người có quyền thế đã quen thế rồi. Cộng thêm “công dung ngôn hạnh”, “tam tòng tứ đức” ở một xã hội nửa phong kiến, nửa văn minh, nửa lạc hậu, các bà mẹ có chồng con là liệt sỹ hy sinh cho đất nước bị xét nét không khác được.
Muốn làm mẹ Việt Nam anh hùng nhất định giữ lấy…trinh.

No comments:

Post a Comment