Tuesday, July 29, 2014

Mỹ nhắc nhẹ Trung Quốc cẩn thận "gậy ông đập lưng ông"

(Baodatviet) - Mỹ vừa lên tiếng cảnh cáo hành động cử tàu trinh sát ĐT đến do thám hoạt động diễn tập RIMPAC 2014 của TQ sẽ bị "gậy ông đập lưng ông".
Nhật báo “Wall Street Journal” (WSJ) Mỹ vừa cho biết, những vị khách không mời do quân đội Trung Quốc cử đến vừa thưởng thức “bữa buffet tình báo” tại cuộc tập trận trên biển quy mô lớn nhất thế giới, mặc dù chính họ cũng là khách mời của cuộc diễn tập này.

Tuy nhiên, tờ báo này cũng cảnh cáo, hành động “to gan, lớn mật” như vậy sẽ khiến cho Chính phủ Trung Quốc sau này khó có thể trách cứ nếu lực lượng nước ngoài có các hành động tương tự ở vùng biển quốc tế gần Đại Lục, lúc đó chính Trung Quốc sẽ chịu cảnh “gậy ông đập lưng ông”.

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cũng ra tuyên bố là, tuy lần này Hải quân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân RIMPAC, được tổ chức 2 năm 1 lần, nhưng lại phái một tàu trinh sát - kẻ không mời mà đến - tới vùng biển quốc tế gần đảo Hawaii để theo dõi cuộc diễn tập trên biển do Mỹ dẫn đầu này.

Năm nay Trung Quốc lần đầu tiên tham gia tập trận RIMPAC, việc này đã được các quan chức Mỹ và Trung Quốc ca ngợi là bằng chứng cho quan hệ quân sự giữa hai nước không ngừng cải thiện. Nhưng sự xuất hiện của tàu trinh sát Trung Quốc đã phá hỏng tất cả.

Chiến hạm các nước diễu hành dưới sự chỉ huy của tàu sân bay CVN-76
Chiến hạm các nước diễu hành dưới sự chỉ huy của tàu sân bay CVN-76 "Ronald Reagan"
Chiếc tàu trinh sát có khả năng thăm dò được thông tin và tín hiệu điện tử của các tàu khác, do Trung Quốc phái đến lại làm dấy lên những căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước, và có khả năng khiến cho phe phản đối tăng cường quan hệ với Trung Quốc của Mỹ trở nên cứng rắn hơn.

Trung Quốc từ lâu đã luôn yêu cầu Mỹ dừng các hoạt động trinh sát trên vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Nhưng theo các quan chức Mỹ cho biết, cuộc tập trận RIMPAC năm 2012, Trung Quốc cũng đã phái tàu trinh sát điện tử Type 815, số hiệu 851 “Bắc Cực Tinh” đến thăm dò tình hình cuộc tập trận.

Tin tức cho biết hành động do thám này có khả năng khiến hải quân Trung Quốc bị xem là vị khách có hành vi không đứng đắn, nên Trung Quốc sẽ phái những tàu ít có khả năng mắc sai lầm nhất. Do đó, họ sẽ tuyển chọn những tàu và thuyền viên có kinh nghiệm cho hành động lần này.

Năm nay, Trung Quốc cũng cử tàu thu thập thông tin tình báo “Bắc Cực Tinh” của hạm đội Đông Hải đến thu thập thông tin tình báo của cuộc diễn tập. Theo tin tức của truyền thông Trung Quốc, đây là tàu thu thập thông tin tình báo tiên tiến, giàu nghiệm trên biển nhất của Trung Quốc, thường xuyên hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế biển của Nhật và khu vực phụ cận.

Chiến hạm Trung Quốc diễu hàng trên biển trong diễn tập RIMPAC 2014
Chiến hạm Trung Quốc diễu hành trên biển trong diễn tập RIMPAC 2014

Nhìn từ sơ đồ của hoạt động tập trận ở Thái Bình Dương, tàu trinh sát Type 815 “Bắc Cực Tinh” (nguyên là tàu điều tra hải dương "Đông Điều-232") nằm ở phía Nam đảo Oahu, gần nhóm chiến đấu tàu sân bay CVN-76 "Ronald Reagan" của Mỹ và các tàu khác.

Phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ James Darling đã tuyên bố rằng, Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ vẫn luôn theo dõi hoạt động của tàu trinh sát Trung Quốc ở vùng biển xung quanh Hawaii ngoài lãnh hải của Hoa Kỳ. Nó không gây ảnh hưởng đến cuộc tập trận Rimpac, nhưng lại nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Hawaii.

Cuộc tập trận năm nay có 22 nước và Trung Quốc là nước lần đầu tiên tham dự. Trung Quốc cử 4 tàu tham dự cuộc diễn tập này, bao gồm: Tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu, tàu hộ vệ tên lửa Nhạc Dương, tàu vận tải Thiên Đảo Hồ và tàu bệnh viện Phương Châu Hòa Bình.

Tìm hiểu lực lượng tàu trinh sát điện tử Trung Quốc

Các tàu trinh sát điện tử của Trung Quốc loại nhỏ thì có lượng giãn nước chỉ 500 tấn, loại lớn có thể lên đến 6.000 tấn, tốc độ hành trình dưới 20 hải lý/h. Nó có khả năng trinh sát, phát hiện và phân tích các tham số tín hiệu điện tử của các hệ thống thông tin liên lạc ở cảng khẩu hoặc tàu bè trên biển.

Tàu trinh sát điện tử số hiệu 851 “Bắc Cực Tinh” trước và sau khi nâng cấp
Tàu trinh sát điện tử số hiệu 851 “Bắc Cực Tinh” trước và sau khi nâng cấp

Các tàu trinh sát điện tử được xếp vào loại tàu phục vụ của hải quân, thuộc lớp tàu trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện, được trang bị các máy thu tín hiệu vô tuyến điện, máy thu tín hiệu radar tại mọi dải tần, các thiết bị giải điều chế đầu - cuối và thiết bị lưu trữ tín hiệu. Ngoài ra, nó còn được trang bị các an ten thu và các thiết bị phân tích số liệu, một số tàu còn được trang bị thiết bị gây nhiễu và chế áp điện tử. 

Các số liệu thu thập được sẽ phục vụ cho công tác phá giải mật mã, nghiên cứu quy luật sử dụng tần số của địch và nghiên cứu phương pháp gây nhiễu và chế áp khi cần. Đây là những số liệu rất quan trọng trong hình thái tác chiến điện tử. Ngoài ra, các tàu này còn có thể đo đạc tín hiệu điều khiển, theo dõi và tính toán quỹ đạo bay của tên lửa trong các vụ thử tên lửa chiến thuật.

Các tàu trinh sát điện tử thường được ngụy trang thành các tàu cá, tàu điều tra hải dương, khảo sát khoa học hoặc thương thuyền. Trên thế giới, một số nước chế tạo các tàu trinh sát điện tử chuyên biệt, nhưng một số quốc gia khác lại sử dụng chiến lược hoán cải các tàu cá viễn dương thành tàu tàu trinh sát điện tử, tiêu biểu là Liên Xô, còn Mỹ cũng đã cải tạo một số tàu buôn thành tàu trinh sát điện tử và Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ. 

Hiện nay, tàu trinh sát điện tử của hải quân Trung Quốc đã phát triển đến thế hệ thứ 3. Thế hệ thứ nhất tiêu biểu là 2 tàu khảo sát khoa học “Hướng Dương Hồng 21” và “Hướng Dương Hồng 28”, tiêu biểu cho thế hệ thứ 2 là tàu trinh sát điện tử 851 “Bắc Cực Tinh”, còn thế hệ thứ 3 hiện giờ chỉ có 1 tàu là “Thiên Vương Tinh”. Điểm đặc biệt là các tàu trinh sát điện tử thế hệ mới đều được trang bị hệ thống tự hủy một số thiết bị quan trọng.

Bộ 3 antenna hình cầu cỡ lớn trên tàu trinh sát điện tử Trung Quốc
Bộ 3 antenna hình cầu cỡ lớn trên tàu trinh sát điện tử Trung Quốc

Tàu trinh sát điện tử “Bắc Cực Tinh” của hải quân Trung Quốc mang số hiệu 851, nguyên là tàu điều tra hải dương “Đông Điều 232” do Nhà máy đóng tàu Hộ Đông - Thượng Hải chế tạo, bắt đầu phục vụ trong hạm đội Đông Hải năm 1999. “Bắc Cực Tinh” còn có thể mang theo 1 trực thăng tác chiến điện tử trong hải hành viễn dương (có nhà chứa) nhưng chỉ sử dụng những khi thật cần thiết vì sợ lộ bí mật. 

“Bắc Cực Tinh” có chiều dài 130m, rộng 16,4m, mớn nước 6,5m, lượng giãn nước khoảng 6.000 tấn. Nó được trang bị 2 động cơ Diezen, 2 trục đẩy, đảm bảo cho tàu có vận tốc hành trình 20 hải lý/h. Tàu được trang bị 1 pháo 37mm và 2 khẩu pháo 25mm. Ban đầu, nó được trang bị hệ thống anten chảo vệ tinh, sau đó được thay thế bằng 3 anten hình cầu cỡ lớn. 

Hiện nay, “Bắc Cực Tinh” đã được nâng cấp ngang với tàu trinh sát thế hệ 3 là “Thiên Vương Tinh”. Ban đầu, nó được trang bị hệ thống anten chảo vệ tinh, sau đó được thay thế bằng 3 anten hình cầu cỡ lớn và các tính năng tiên tiến như: Phân tích tham số kỹ thuật và tính năng chiến thuật của thiết bị điện tử đối phương, thậm chí còn có thể xác định loại trang bị vô tuyến điện và loại radar của đối phương.

Còn tàu trinh sát điện tử thế hệ thứ 3 của hải quân Trung Quốc mang số hiệu 853 “Thiên Vương Tinh” thuộc loại tàu trinh sát Type 815G, thay đổi kết cấu cột buồm từ dạng khung thép sang dạng tháp kín so với Type 815. Nó bắt đầu chạy thử cuối năm 2010, sau đó được bàn giao về cho hạm đội Nam Hải.

Thanh Tâm

No comments:

Post a Comment