Tuesday, July 29, 2014

PICS:Những dấu hỏi và lo ngại về an toàn hàng không

Chỉ từ đầu năm 2014 đến nay, hàng không thế giới đã liên tiếp xảy ra hơn 10 vụ tai nạn máy bay thảm khốc. Người ta gọi rằng đây là năm thảm họa và đặt ra nhiều dấu hỏi và mối lo ngại về an toàn ngành hàng không, một ngành được xem là an toàn từ trước đến nay.

Dù các chuyên gia cho rằng di chuyển bằng đường hàng không là an toàn và mọi chuyện vẫn ổn, nhưng sau khi MH17 bị rơi ở vùng chiến sự cùng với các cuộc bạo loạn, khủng bố liên tiếp nhắm tới ngành hàng không, thì sự tự tin về sự an toàn cho ngành hàng không giảm dần.

Chỉ trong một tuần của tháng Bảy đã xảy ra ba thảm họa: Chiếc phi cơ mang số hiệu AH5017 thuộc hãng hàng không Air Algerie hôm 24/7 gặp nạn làm 116 người chết tiếp tục phủ đám mây u ám lên ngành hàng không toàn cầu. Trước đó một ngày, chiếc ATR 72 mang số hiệu GE222 của Đài Loan bị rơi khi cố gắng hạ cánh trong bão khiến 48 người chết. Một tuần trước đó, chiếc máy bay số hiệu MH17 của Malaysia Airlines bị bắn tại miền đông Ukraine làm 298 người tử nạn.


Ba vụ máy bay rơi liên tiếp tại ba châu lục trong vòng một tuần khiến nhiều người nghi ngại về an toàn khi đi máy bay. Đồ họa: LA Times

Mặc dù hai trong ba vụ đó được cho là do điều kiện thời tiết, nhưng nhiều người đặt câu hỏi về mức độ an toàn của ngành hàng không. "Khi không có tai nạn nào xảy ra trong thời gian dài thì chẳng ai quan tâm. Các tai nạn liên tiếp đã khiến người ta chú ý vào vấn đề", Paul Hayes, giám đốc về an toàn hàng không tại công ty tư vấn Ascend, nói.

Các chuyên gia hàng không cho rằng những vụ tai nạn nối tiếp không phản ánh đúng thực trạng xu thế an toàn ngành hàng không. Theo ông Hayes, xét trong dài hạn, an toàn hàng không đang cải thiện đáng kể, hơn thế nó còn phát triển nhanh hơn sự mở rộng của ngành công nghiệp hàng không.

Hàng không thực sự an toàn?

Gần đây các cuộc bạo động liên tục nhắm tới ngành công nghiệp vận tải hàng không tại những điểm nóng toàn cầu làm gia tăng nhiều mối lo lắng. Hồi đầu tháng, cuộc bạo loạn ở sân bay Tripoli đốt cháy 4 chiếc máy bay phản lực.

Một tuần trước, cuộc tấn công được trang bị vũ khí hạng nặng gồm súng và rocket phóng lựu hướng vào sân bay quốc tế Kabul.

Lực lượng an ninh Afghanistan dập tắt hoàn toàn vụ việc, tuy nhiên trong cuộc đột kích trước đó nhằm phá hoại cơ sở vật chất, phe Taliban đã phá hủy chiếc trực thăng của tống thống Afghanistan.

Tháng trước, cuộc đột kích bất ngờ nhằm vào sân bay Karachi làm 28 người thiệt mạng và nghiền nát một chiếc máy bay của hãng hàng không Emirates Airline.

Tripoli, Kabul và Karachi không phải là điểm dừng chân thường xuyên của hành khách phương Tây, tuy nhiên cả ba vụ bạo loạn đều gây ảnh hưởng lớn trong khu vực. Nguyên nhân vì khi nhà ngoại giao, công ty khai thác dầu mỏ, nhà thầu... đổ về đây ngày càng nhiều, vai trò của sân bay quốc tế trở nên tối quan trọng.

Chủ nghĩa khủng bố cũng là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến sự an toàn của ngành hàng không. Lâu nay, quân khủng bố vẫn nhắm tới các chuyến bay thương mại, bởi khi thảm họa xảy ra, thương vong thường lớn và truyền thông rất quan tâm.

Trong những năm 1970, dư luận bàng hoàng bởi một chuỗi các phi vụ cướp máy bay táo tợn. Năm 1988, chiếc máy bay mang số hiệu 103 của hãng hàng không Pan Am, Mỹ, phát nổ trên bầu trời Lockerbie, Scotland vì bị đặt bom, làm 270 người thiệt mạng.

Ngày 11/9/2001, lực lượng khủng bố cướp quyền chỉ huy 4 chiếc máy bay của hàng không Mỹ. Hai chiếc đâm thẳng vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York. Một chiếc nhắm vào Lầu Năm Góc tại Washington. Một rơi tại Pensylvania khi hành khách trên phi cơ nỗ lực chống lại những tên không tặc làm chiếc máy bay bị mất lái. Đây là thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử hàng không Thế giới khi gây ra cái chết của tổng cộng gần 3.000 người.


Khu tưởng niệm quốc gia September 11th 2001, nơi toà tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới bị phá huỷ máy bay của bởi lực lượng khủng bố. Hình: ustravel.com

"Có thể thấy, hàng không đã và sẽ luôn là mục tiêu hàng đầu của các vụ tấn công", theo lời Philip Baum, giám đốc điều hành Công ty tư vấn an toàn hàng không Green Light, có trụ sở đặt tại London, nước Anh.

Vài hình ảnh điểm lại những vụ tai nạn máy bay dân sự và quân sự xảy ra từ đầu năm 2014:

Ngày 25/7, một chiếc trực thăng của quân đội Ấn Độ đã bị rơi ở miền bắc nước này làm 7 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có 2 phi công. Chiếc trực thăng hạng nhẹ ALH Dhruv này rơi gần Sitapur thuộc bang Uttar Pradesh khi đang trên đường từ Bareilly tới Allahabad cũng thuộc bang Uttar Pradesh.


Những mảnh vỡ của máy bay AH5017 nằm rải rác ở sa mạc Sahara, khu vực gần làng Boulikessi, Mali.

Ngày 24/7, chiếc máy bay của Algerie số hiệu AH5017 chở theo 110 khách và 6 thành viên phi hành đoàn đã mất liên lạc với cơ quan kiểm soát không lưu 50 phút sau khi cất cánh từ sân bay Ouagadougou, Burkina Faso để đi tới thành phố Algiers, Algerie.
Giới chức trách đã xác định rằng máy bay bị rơi ở khu vực Tilemsi, miền Trung Mali, nằm ở một khu vực cách Gao của Mali khoảng 100 km về phía Nam và đã tìm thấy xác máy bay đã bị cháy rụi và không còn ai sống sót trong thảm kịch.

Điều kiện thời tiết xấu và tuổi đời 18 năm của máy bay được cho là những nguyên nhân dẫn đến tai nạn.

Trước đó một ngày, hôm 23/7, Chiếc máy bay ATR72 mang số hiệu GE 222 thuộc hãng hàng không TransAsia Airlines của Đài Loan (Trung Quốc) cũng gặp nạn khi đang cố gắng hạ cánh lần thứ 2 xuống sân bay ở quần đảo Bành Hồ, Đài Loan trong điều kiên thời tiết xấu. Chuyến bay mang số hiệu GE 222 cất cánh tại Cao Hùng và dự kiến tới sân bay Mã Công sau 35 phút. Tuy nhiên nó đã gặp nạn trước khi hạ cánh xuống sân bay.

Máy bay lao xuống một khu nhà dân và nổ tung, khiến 48 người thiệt mạng và 10 người bị thương nặng.

Hôm 17/7, một vụ tai nạn máy bay thảm khốc xảy ra khiến cả thế giới bàng hoàng.

Chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang trong hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) tới Kuala Lumpur (Malaysia) đã bị bắn rơi ở miền Đông Ukraine làm thiệt mạng toàn bộ 298 người vô tội trên máy bay.

Trong lúc các nhà điều tra quốc tế đang điều tra nguyên nhân vụ việc, thì các nước vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau về việc ai đã gây ra tai nạn thảm khốc này. Ukraine và các đồng minh phương Tây cáo buộc lực lượng ly khai và Nga đứng sau vụ việc. Trong khi đó, phiến quân và Nga lại cho rằng quân đội Ukraine mới là thủ phạm.


Hiện, một đội điều tra quốc tế do Hà Lan dẫn đầu đang giải mã hai hộp đen để làm sáng tỏ vụ việc.

Hiện trường thảm khốc của máy bay bị bắn rơi - MH17 khiến 298 người vô tội chết thảm. Hình: AFP

Cùng ngày 17/7, một chiếc trực thăng thuộc cơ quan cứu hộ khẩn cấp của Hàn Quốc đã bị rơi gần một trường tiểu học nằm trong khu dân cư ở phía Nam thành phố Gwangju và bốc cháy, toàn bộ 5 người trên máy bay đều thiệt mạng. Trực thăng này đang trên đường trở về căn cứ sau khi tham gia công tác tìm kiếm xác các nạn nhân mất tích trong vụ chìm phà Sewol.


Trực thăng rơi xuống và bốc cháy dữ dội. Hình: AFP

Vào ngày 14/7, chiếc trực thăng quân sự của Campuchia bị rơi ở địa điểm phía tây thủ đô Phnom Penh trong 1 một buổi huấn luyện làm 5 người chết và 1 người bị thương nặng (trong đó có 2 vị tướng cấp cao). Trên chuyến bay gặp xấu số có Trung tướng Uk Vanha (U Van-ha), Phó Tư lệnh không quân và là một phi công giàu kinh nghiệm. Chiếc máy bay là một trong 12 chiếc trực thăng Z9 Campuchia mua từ Trung Quốc vào năm 2009.

Vào lúc 7h30 ngày 7/7, máy bay Mi-171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916 thuộc Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam cất cánh từ sân bay quân sự Hòa Lạc. Chỉ 15 phút sau đó, máy bay đã bị mất liên lạc và rơi tai địa phân thôn 11, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Tạn nạn đã khiến 19 quân nhân hy sinh và 2 quân nhân bị thương nặng.


Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc tại Thạch Thất, Hà Nội.

Ngày 24/6: Máy bay A310-300; AP-BGN; Chuyến bay PK756 của hãng hàng không quốc tế Pakistan International Airlines (PIA) bị trúng đạn. Chiếc máy bay khởi hành từ Riyadh, Ả-rập Xê-út đến Peshawar, Pakistan đã trúng đạn ngay trước thực hiện hạ cánh. Hai thành viên phi hành đoàn và 1 hành khách đã thiệt mạng. 177 hành khách và 10 thành viên phi hành đoàn khác đã thoát chết trong gang tấc.


Máy bay của hãng PIA

7h sáng ngày 17/5, một thảm kịch đã xảy ra đối với chiếc máy bay quân sự An-74 TK300 của không quân Lào. Chiếc máy bay chở 19 quan chức nước này đang trên đường đến tham dự lễ kỷ niệm 55 năm ngày giải phóng Cánh đồng Chum và gặp nạn rơi xuống làng Nadee, huyện Paek, tỉnh Xiengkouang. Có 4 quan chức cao cấp của Lào đã tử nạn.

Ngày 7/3, cả thế giới chấn động khi chiếc Boeing 777 số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines biến mất bí ẩn trên không trung khi đang trên đường từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. Chiếc phi cơ chở 239 người mất tín hiệu ở Vịnh Thái Lan. Nhiều giả thuyết về số phận của nó đã được đưa ra tranh cãi. Theo phân tích dữ liệu từ vệ tinh, các chuyên gia quốc tế xác định máy bay có thể đã rơi xuống vùng biển phía nam Ấn Độ Dương. Một cuộc tìm kiếm giữa đại dương với sự tham gia của tàu, máy bay và thiết bị chuyên dụng từ các quốc gia hàng đầu trên thế giới đã kéo dài suốt nhiều tháng qua nhưng hiện vẫn chưa thu được kết quả.


Hiện vẫn chưa có lời giải cụ thể về vị trí chiếc máy bay bị mất tích. Hình: AFP

Ngày 16/2, Nepal Airlines DHC-6 Twin Otter 300; 9N-ABB; chuyến 183 gặp nạn khi đang trên đường đi từ Pokhara đến Jumla, Nepal. Máy bay đã để mất liên lạc qua radio khoảng 30 phút sau khi cất cánh. Vụ tai nạn được phát hiện vào ngày hôm sau. Tất cả 3 thành viên phi hành đoàn và 15 hành khách đã thiệt mạng.

Ngày 11/2, một chiếc máy bay quân sự Lockheed C-130 Hercules của không quân Algeria đâm xuống một ngọn núi ở tỉnh Oum El Bouaghi. Trên máy bay có 78 người, gồm 74 hành khách và 4 thành viên tổ bay. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 77 thi thể tại hiện trường và chỉ một người còn sống sót. Những báo cáo ban đầu cho thấy thời tiết xấu là nguyên nhân gây ra tai nạn.


Hình ảnh cho thấy phần đầu máy bay đã nát vụn. Hình: AFP

07-28- 2014 3:35:13 PM 
 Kevin Vinh
(Tổng hợp từ nhiều nguồn)


No comments:

Post a Comment