Tuesday, July 29, 2014

"Ai giúp dân chứng minh bị công an đánh": 1001 giải pháp của bạn đọc

(PLO) – 100% độc giả PLO cho rằng phải có một bên thứ ba độc lập, ngoài công an-nghi can, tham gia vào quá trình điều tra, xét hỏi để làm chứng và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho cả hai bên.
 Vấn đề “Ai giúp dân chứng minh đã bị công an đánh?” nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Hàng trăm lượt góp ý gửi về, đóng góp ý kiến và đưa ra những giải pháp để nhằm hạn chế tối đa những trường hợp bức cung nhục hình tại trụ sở công an.
Kiến giải rất nhiều, nhưng tựu chung lại đều hướng đến một sự thay đổi trong quy trình điều tra. Điều này có nghĩa là phải sửa luật để mọi diễn biến trong quá trình xét hỏi đều là sự thật có thể chứng minh được.
Giám sát bằng camera
Đây là giải pháp được nhiều bạn đọc lựa chọn. Bạn đọc Vũ Hải Hà nói: “Nếu gắn camera giám sát trong phòng điều tra thì sẽ công bằng cho cả hai bên. Tránh tình trạng kẻ vu khống, người chối tội”. Đồng tình, bạn đọc Phạm Quốc Bảo, Công Lý… và nhiều bạn khác cũng cho rằng đây là giải pháp đơn giản và hữu hiệu nhất.
Giải pháp này hoàn toàn nằm trong khả năng của cơ quan điều tra. Chỉ cần bố trí một camera trong phòng hỏi cung, nếu có thể cho tiến hành luôn việc thu âm và đối chiếu băng ghi âm với biên bản để xác định độ chính xác, nguyên vẹn của lời khai. Các băng hình này sẽ được sử dụng khi có tố cáo về việc bức cung, nhục hình. Điều này đảm bảo cho cả hai bên, người bị bắt không sợ bị ép cung, điều tra viên không lo bị tố cáo oan.  

 Phòng hỏi cung tại nhiều nước trên thế giới luôn có gắn camera ghi hình
Luật sư Đặng Dũng góp ý: “Ngay cả luật sư cũng bị làm khó huống hồ nghi can. Theo tôi gia đình bị can phải có thêm một luật sư hỗ trợ, đi cùng để làm chứng và khách quan trong trường hợp có tranh cãi. Phải có bên thứ ba chứng kiến việc hỏi cung hoặc có máy thu hình, thu âm. Đây là điều chúng ta phải làm ngay”.
Theo bạn đọc này, do nhà nước chưa thể trang bị các thiết bị này cho mọi tổ điều tra nên phần chi phí này có thể do gia đình hoặc luật sư chi trả. So với việc có thể tự bảo vệ mình thì đây là khoản chi phí chấp nhận được và chỉ cần luật cho phép, tin chắc bất cứ người dân nào cũng đồng ý thực hiện.
Luật sư vào làm việc ngay từ đầu
Nhiều độc giả dẫn chứng cách làm của các nước tiên tiến trên thế giới là cho phép luật sư tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, xét hỏi. Người dân có quyền gọi luật sư để bảo vệ mình ngay khi bị dẫn độ về đồn công an. Tất nhiên, công an cũng không thể tiến hành bất cứ hành động nào trước khi luật sư có mặt.
Độc giả Nguyên Phi nói: “Tuyệt đối không bắt người đến trụ sở Công an khi chưa có người "giám hộ" chứng kiến lời khai, không được lấy lời khai khi chưa có giám hộ giám sát và quy định luôn người “giám hộ””.

Đề nghị cho luật sư tham gia ngay ở giai đoạn điều tra, xét hỏi

Bạn Bùi Quang Hưng bày tỏ thái độ bức xúc vì thực trạng bức cung hiện nay: “Ở nước ngoài, khi một người (chưa phải tội phạm, tức là chưa bị tòa tuyên án) đến cơ quan điều tra xét hỏi luôn có sự chứng kiến của bên thứ 3. Không biết vì sao ở nước ta ít thấy điều này? Bảo sao công an không lạm quyền khi điều tra xét hỏi vì có ai, hay cái gì khống chế khi họ mất bình tĩnh đâu?”.
Bạn đọc Võ Văn Tiến tỏ ra am hiểu về quy trình tố tụng, đưa ý kiến đánh đúng vào trọng điểm: “Luật tố tụng hình sự của Việt nam thiên về có lợi cho cơ quan công quyền. Luật chỉ cho phép luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn khởi tố. Còn giai đoạn điều tra thì không được. Như vậy bên thứ ba ở đây chính là luật sư. Những trường hợp bị chết tại trụ sở công an hầu hết trong giai đoạn thu thập chứng cứ (cấp phường xã) và điều tra (cấp quận huyện). Nên quy định quyền được giữ im lặng khi bị bắt, mọi lời khai khi chưa có luật sư tham gia hoặc người đại diện hợp pháp của bị can chưa ký vào biên bản lấy lời khai là vi phạm thủ tục tố tụng hình sự. Khi đó, việc ép cung hay mớm cung sẽ giảm đáng kể”.
Xác định tình trạng sức khỏe người bị bắt

 Phòng hỏi cung có sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên, trong đó có luật sư, đảm bảo quyền lợi của người bị xét hỏi
Điều căn bản này có vẻ như đã bị bỏ qua. Đó là lý do khiến những người bị bắt vào trụ sở công an khi quay ra trên cáng cứu thương có thể được giải thích là do tình trạng sức khỏe không tốt từ trước, bị suy tim, đột tử, xơ gan, thiếu máu cơ tim v..v…mặc dù trước đó họ hoàn toàn khỏe mạnh.
Bạn đọc Trần Tấn Thông đề nghị trước khi tạm giữ và xét hỏi người phải kiểm tra y tế cho người bị bắt.
Viện kiểm sát cần có mặt để giám sát quá trình điều tra và ghi nhận lại sơ bộ tình hình sức khỏe của nghi can, tham gia các buổi xét hỏi nghi can. Tôi ủng hộ tăng cường sự giám sát từ Viện kiểm sát”, bạn đọc Dlam nêu ý kiến. Đồng tình với quan điểm này còn có bạn Lê Xuân Thủy, bạn nói: “Khi đọc lệnh bắt người thì công an viên điều tra phải tự tay ghi rõ ''người lúc bị bắt là hoàn toàn bình thường...'' và ký xác nhận. Sau khi giao cho điều tra viên khác cũng phải có biên bản bàn giao, ghi rõ thông tin này. Ngoài ra, khi được thả, người bị bắt cũng phải kí nhận tình trạng của mình không ai đánh đập,đầu độc hay ...bỏ đói, khát...”.

Vấn đề nghiệp vụ và quyết tâm của ngành
Nhiều bạn đọc cho rằng giải pháp vẫn là nâng cao khả năng nghiệp vụ cho lực lượng công an. Ngoài ra, từng cá nhân trong ngành phải có quyết tâm bài trừ hiện tượng xấu bức cung, nhục hình ra khỏi quy trình điều tra, tố tụng.

 Cảnh sát điều tra bị nghiêm cấm dùng nhục hình, ép cung khi tra hỏi nghi can
"Việc chứng minh không ép cung, nhục hình là việc của công an chứ không phải người dân phải chứng minh điều đó vì làm sao người dân chứng minh được? Lãnh đạo và những người có liên quan của công an ở đó phải bị cách chức, kỷ luật thích đáng, bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy việc bị tạm giam, tạm giữ sau đó chết sẽ không còn xảy ra vì lãnh đạo, cán bộ công an điều tra sợ bị cách chức và truy cứu trách nhiệm”, bạn đọc TL kiến nghị.
Một ý kiến khác cũng cho thấy sự lòng tin của người dân vào cơ quan công quyền là điều cần phải xây dựng, bạn HungNguyen cho rằng Đảng và nhà nước phải thành lập một cơ quan độc lập để điều tra công an, như ở Hồng Kông là Sở liêm chính chuyên ngành điều tra các cán bộ công chức kể cả ngành công an quân đội.
Vụ án 5 công an ở Phú Yên dùng nhục hình đánh chết nghi can , các công an viên bị đưa ra xét xử

Bất kể áp dụng giải pháp gì, bước quan trọng và giải quyết vấn đề từ gốc đó là nâng cao năng lực của điều tra viên. Việc điều tra xét hỏi phải đi từ lập luận, đến chứng cứ… căng thẳng hơn có thể là những đòn cân não giữa hai bên. Song tất cả chỉ nên là đấu trí, đấu lý, chứ không phải là đấu sức, nhất là khi “đối thủ” của công an đang bị còng tay hay bị vô hiệu hóa khả năng tự vệ vì sự sợ hãi.
Thay cho kết bài là ý kiến của bạn đọc Trần Ngọc Quới “để giải quyết được bài toán triệt tiêu ép cung, dùng nhục hình trong công tác điều tra tội phạm cần tiến hành đồng bộ rất nhiều biện pháp mới có thể đảm bảo quyền con người không bị xâm phạm khi bị bắt tạm giam để điều tra. Cần sự nghiêm túc và tâm huyết của những người làm luật và thực thi pháp luật”.
Đây cũng là kỳ vọng của người dân trong vấn đề này gửi đến các cơ quan chức năng. Ngoài các giải pháp, vấn đề chỉ được giải quyết khi có sự quyết tâm, thẳng thắn, minh bạch của cơ quan, theo lý, là nơi bảo vệ trị an cho xã hội, bảo vệ người dân khỏi bạo lực và bất công.
 
Bộ Công an vừa ban hành thông tư số 28/2014/TT-BCA về công tác điều tra hình sự trong Công an nhân dân.
Thông tư quy định cụ thể nhiều việc mà điều tra viên, cán bộ điều tra không được làm như: không tiếp thân nhân bị can, người bị tạm giữ hoặc người có liên quan ở bất kỳ địa điểm nào, trừ trường hợp do yêu cầu nghiệp vụ thì phải được sự đồng ý của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra.
Nghiêm cấm bức cung, mớm cung hoặc dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào, không được lấy lời khai ngoài trụ sở, khi không có giấy triệu tập
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 25-8-2014, thay thế những quy định trước đây của Bộ Công an về hoạt động điều tra hình sự trong Công an nhân dân.

Thứ Ba, ngày 29/7/2014 - 19:17
An Khương (tổng hợp)

No comments:

Post a Comment