Tuesday, July 29, 2014

Cáo buộc Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ Ấn Độ

(Baodatviet) - Trung Quốc bị cáo buộc xâm chiếm lãnh thổ của Ấn Đô. Cáo buộc diễn ra chỉ sau ít ngày Chủ tịch Trung Quốc cam kết tìm giải pháp hòa bình.
Chính phủ Ấn Độ ngày 27/7 cáo buộc binh sĩ Trung Quốc vượt qua đường kiểm soát thực tế (LAC) dọc biên giới 2 nước tại vùng Ladakh thuộc bang Jammu và Kashmir.
Không những thế, binh sĩ Trung Quốc còn bị tố cáo phá bỏ lều của người du mục sống tại khu vực Demchok thuộc vùng Ladakh.
Theo trang tin Zee News, vụ xâm phạm mới nhất nói trên xảy ra hôm 22/7, không lâu sau khi quân đội Ấn Độ phản đối dân du mục Trung Quốc dựng lều trong lãnh thổ mình.
Dù vụ việc không dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nhưng Đảng Quốc đại đối lập đã dựa vào đó để chỉ trích chính sách của chính phủ ông Modi đối với Trung Quốc. Thủ lĩnh Đảng Quốc đại Manish Tewari chất vấn: “Không may là kể từ khi chính phủ mới lên nắm quyền, đã xảy ra nhiều vụ xâm phạm lãnh thổ từ phía Trung Quốc. Không biết chính sách ngoại giao cơ bắp mà họ hay nói đến đã đi đâu rồi?”.

Đường kiểm soát thực tế (LAC) dọc biên giới Trung Quốc - Ấn Độ.
Đường kiểm soát thực tế (LAC) dọc biên giới Trung Quốc - Ấn Độ.

Demchok nằm trong lãnh thổ Ấn Độ nhưng bị Trung Quốc “thèm muốn”. Dù 2 nước đã ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng biên giới (BDCA) nhằm tránh xung đột vũ trang tại biên giới nhưng các chuyên gia Ấn Độ nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục xâm phạm nếu không có sự phân định biên giới rõ ràng.
Vụ việc xảy ra ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề Hội nghị Cấp cao BRICS ở Brazil vào ngày 15/7 rằng Bắc Kinh sẽ tìm giải pháp cho vấn đề tranh chấp biên giới với New Delhi.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc bị tố xâm chiếm lãnh thổ của Ấn Độ.
Trước đó, báo chí Ấn Độ ngày 21/8/2013 đưa tin, một nhóm binh lính Trung Quốc đã xâm nhập vào hai khu vực thuộc Arunachal Pradesh hồi tuần trước. Nguồn tin từ lực lượng quân đội và cảnh sát Ấn Độ xác nhận, các binh lính Trung Quốc đã dựng trại ở sâu trong lãnh thổ Ấn Độ 20km và ở lại đó ít nhất 3 đến 4 ngày.
Lần xâm nhập đầu tiên vào Arunachal Pradesh của quân lính Trung Quốc bị phía Ấn Độ phát hiện là vào ngày 11/8/2013 ở Plam Plam – một khu vực ở trên cao, hẻo lánh và thưa thớt dân. Tiếp đó, cách đây vài ngày, Ấn Độ lại phát hiện lần xâm nhập thứ hai của binh lính Trung Quốc vào Hadig La, chỉ cách Plam Plam vài km.
Sau khi xâm nhập vào Plam Plam, nhóm binh lính Trung Quốc đã dựng trại lên ở đây.
Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, hôm 13/8/2013, lực lượng nước này đã yêu cầu Trung Quốc hạ trại, rút khỏi lãnh thổ của họ. Cả hai bên đều giương ra những biểu ngữ yêu cầu bên kia rút khỏi khu vực. Binh lính Trung Quốc chỉ rời đi sau đó 4 ngày, tức là vào ngày 15/8/2013.
Tình trạng binh lính Trung Quốc ra vào khu vực này được cho là thường xuyên, tuy nhiên nó dường như trái ngược với cam kết giải quyết tranh chấp biên giới.
Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 5/2013, Thủ tướng Trung Quốc nói tranh chấp lãnh thổ Trung - Ấn là một vết tích lịch sử mà hai nước luôn mong muốn giải quyết. “Chúng tôi đã lập ra các quy tắc trả lời cho câu hỏi này” - ông Lý tiết lộ.
Ông Lý nói thêm hòa bình và ổn định khu vực sẽ không trở thành hiện thực nếu hai nước không tin tưởng lẫn nhau.
“Mục đích chuyến thăm Ấn Độ của tôi là củng cố niềm tin chiến lược và tăng cường hợp tác giữa hai nước cũng như cùng hướng về tương lai” - ông nói.

Thảo My 
(Tổng hợp
)

No comments:

Post a Comment