Ngoại trưởng John Kerry phát biểu tại Bộ Ngoại giao ở Washington trong cuộc họp báo công bố Báo cáo thường niên 2013 về Tự do Tôn giáo Quốc tế, ngày 28/7/2014.
VOA-29.07.2014
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố các nước gây phương hại cho tự do tôn giáo cuối cùng sẽ đe dọa đến nền an ninh của chính mình. Thông tín viên VOA Scott Stearnd tại Bộ Ngoại giao Mỹ ghi nhận về bản phúc trình thường niên của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế.
Ngoại trưởng Kerry nói những nước vi phạm tự do tôn giáo chẳng những đe dọa một cách bất công đến dân chúng mà họ nhắm làm mục tiêu, mà còn gây phương hại đến sự ổn định của chính mình.
“Từ Nam Á cho đến vùng Sahel ở châu Phi, các chính phủ đã bịt miệng các thành viên của những tổ chức tôn giáo thông qua các luật lệ áp chế, những hình phạt gắt gao và những chiến thuật tàn nhẫn không có chỗ đứng trong thế kỷ thứ 21.”
Bản phúc trình năm nay về tự do tôn giáo quốc tế gồm những mối quan ngại về bắc bộ Nigeria, nơi bạo lực giữa nhóm chủ chiến Hồi giáo Boko Haram và lực lượng an ninh Nigeria đã gây thiệt mạng cho người Hồi giáo và Cơ đốc giáo.
“Tại Nigeria, Boko Haram đã giết hại hơn 1.000 người chỉ riêng trong năm ngoái. Và số đố bao gồm cả các nhà lãnh đạo Hồi giáo lẫn Cơ đốc giáo, các cá nhân ở gần các nhà thờ và các ngôi đền, những tín đồ cũng như những kẻ bàng quan.”
Tại Iraq, ông Kerry nói thế giới đã chứng kiến “sự dã man và tàn ác không thể tưởng tượng nổi” của tổ chức Quốc gia Hồi giáo và Levant có trụ sở ở Syria.
“Vụ tàn sát tập thể người Hồi giáo Shia, những vụ cưỡng bức cải đạo nhắm vào người Cơ đốc giáo ở Mosul, việc cưỡng hiếp và hành quyết và dùng phụ nữ trẻ em làm bia đỡ đạn. Tất các các hành vi dã man này nêu bật những nguy tai.”
Tại Myanmar tức Miến Ðiện, bản phúc trình về tự do tôn giáo lên án bạo lực nhắm vào người Hồi giáo mà ông Kerry nói là “tiếp tục gây cảnh thất tán cho các gia đình và tàn phá các cộng đồng.
“Hàng ngàn người Rohingya theo Hồi giáo đã bị thất tán ở Miến Ðiện sau các vụ bạo động phe phái. Và hàng chục ngàn người khác sống trong những túp lều lụp xụp mà không có sự chăm sóc y tế đầy đủ.”
Ông Kerry nói các chính phủ áp bức và các nhóm cực đoan trên khắp thế giới cho thấy rõ họ tiêu biểu cho cái gì. Do đó ông nói Hoa Kỳ cũng phải cho thấy rõ mình đại diện cho cái gì.
“Chúng ta không kiêu căng nói với mọi người phải tin điều gì. Chúng ta không nói với mọi người họ phải sống như thế nào hàng ngày. Chúng ta chỉ yêu cầu có một giá trị phổ cập về sự khoan dung, về khả năng mọi người phải tôn trọng cá tính riêng của mình và sự chọn lựa riêng của mình.”
Phó Giám đốc tổ chức Human Rights ở Washington, bà Sarah Margon nói đó là một thông điệp thường được Washington áp dụng một cách không đồng đều.
“Ðiều đó nằm trong khuôn khổ phát triển thông minh. Nó nằm trong các biện pháp tốt về an ninh. Và Hoa Kỳ đã gửi thông điệp đó đôi khi vào những lúc thuận tiện, và thường là không được chú ý.”
Bản phúc trình năm nay về các quyền tự do tôn giáo thêm Turkmenistan vào một danh sách các nước đáng quan tâm đặc biệt, là nơi chính quyền Obama cho rằng dân chúng bị đánh đập và tra tấn vì các đức tin tôn giáo.
No comments:
Post a Comment