Monday, June 2, 2014

Tinh thần quốc tế cộng sản và xung đột lợi ích quốc gia

 Kính Hòa, phóng viên RFA 2014-06-02
000_Hkg9833728-600.jpg
TBT Đảng cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng (T) và ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nói chuyện với nhau trước phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 19/5/2014-AFP photo
Một trong những ý tưởng hấp dẫn nhất của học thuyết cộng sản là tinh thần quốc tế của học thuyết này. Theo lý tưởng ấy thì các tầng lớp lao động là công nhân và nông dân khắp nơi trên thế giới đoàn kết lại chống những kẻ tư bản bóc lột, vì thế những người cộng sản từ những quốc gia khác nhau sẽ không phân biệt nhau, bỏ qua lợi ích của quốc gia nhỏ hẹp mà hướng tới một thế giới đại đồng, một quốc tế vô sản, một quốc tế cộng sản. Và dĩ nhiên các đảng cộng sản trên thế giới đều có biểu tượng chung là hình ảnh búa liềm trên nền đỏ.
Trong suốt thời gian tồn tại của phong trào cộng sản, lý tưởng quốc tế cộng sản đã được diễn dịch qua nhiều hành động khác nhau. Đầu tiên có lẽ đó là sự thành lập Đệ tam quốc tế thống lĩnh tất cả các đảng cộng sản trên thế giới. Sau đó là những cuộc chiến tranh, đối đầu, can thiệp, … nhân danh tinh thần quốc tế cộng sản như vụ can thiệp vào Hungary năm 1956, cuộc can thiệp của Quân giải phóng nhân dân Trung hoa vào Triều tiên, các cuộc phiêu lưu quân sự của Cuba ở châu Phi,…
Nhưng ngay cả trong thời kỳ thịnh vượng nhất của khối các quốc gia cộng sản, người ta cũng thấy rằng tinh thần quốc tế của những người cộng sản đôi khi không vượt qua được những ích lợi dân tộc. Một giáo viên người Việt học tập ở Ba Lan nói với chúng tôi rằng người Ba Lan vẫn bực tức về việc miền Đông của nước này bị Hồng quân Liên Xô đánh chiếm hồi năm 1939 và không hề được trả lại. Năm 1969 một cuộc xung đột ngắn nhưng cũng đẫm máu bùng nổ giữa hai nước lớn nhất khối cộng sản là Liên Xô và Trung Quốc, xung đột Việt Nam Trung quốc đến ngày hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc…
Song thực nghiệm cộng sản đã thất bại, với sự kiện bức tường Berlin sụp đổ cách đây 25 năm. Cốt lõi chính trị công nông của nó thất bại, và các đảng cộng sản được cho là đã không bảo vệ được những người thợ và nông dân khi họ lên cầm quyền. Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, một nhà bất đồng chính kiến nói về sự thất bại này một cách châm biếm:
“Đảng cộng sản cứ mà nhân danh cái gì đó thì cái đó chết, nhân danh công nhân là giai cấp tiền phong lãnh đạo thì bây giờ khổ nhất là công nhân. Lại nhân danh công nông, trong đó có nông dân thì nông dân bây giờ mất hết cả ruộng đất phải đi làm thuê.”
Đảng cộng sản cứ mà nhân danh cái gì đó thì cái đó chết, nhân danh công nhân là giai cấp tiền phong lãnh đạo thì bây giờ khổ nhất là công nhân.
- Tiến sĩ Hà Sĩ Phu
Một trí thức trẻ rời bỏ đảng cộng sản hồi năm 2013 cũng nói rằng ông cảm thấy những lý luận của đảng cộng sản cầm quyền là không ổn để điều hành quốc gia. Việc điều hành này bao gồm cả những chính sách đối ngoại trong thời đại mới mà Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu cho rằng không thể được thực hiện bởi hai đảng cộng sản với nhau được.
Ông Robert Kaplan viết trong quyển Biển Nam Trung hoa (Biển Đông) nồi thuốc súng của châu Á, rằng những xung đột về địa chính trị và lợi ích quốc gia vẫn đang ngự trị nền chính trị của thế giới trong thế kỷ 21 này. Ông đặc biệt phân tích cách tiếp cận của nước Trung Quốc hiện đại về vai trò đế quốc của mình. Theo ông, nước Trung Quốc được dẫn dắt bởi đảng cộng sản hình dung trật tự mới trong vùng châu Á là một nơi mà Trung Quốc là trung tâm còn xung quanh là các quốc gia lệ thuộc. Một triết lý không khác mấy với đế chế Trung Hoa ngày xưa.
Trật tự này rõ ràng không phải là trong một tinh thần quốc tế cộng sản như lý thuyết cộng sản đề cao.
Nhưng có vẻ như đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn nghĩ tới tinh thần quốc tế vô sản ấy với những khẩu hiệu như Nghĩ tới đại cục mà bỏ qua những bất đồng, khi nói về quan hệ Việt Nam Trung Quốc.
Từ khi quan hệ Trung Quốc Việt Nam được bình thường hóa sau cuộc chiến đẫm máu 1979 đến nay, quan hệ hai đảng cộng sản Việt Trung thường xuyên được ca ngợi và dường như nó chỉ đạo mọi hoạt động đối ngoại của Việt nam.

Mâu thuẫn với lợi ích quốc gia

Sự kiện giàn khoan nước sâu của Trung Quốc kéo vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đang đẩy những mâu thuẫn giữa lợi ích quốc gia và cái gọi là tinh thần quốc tế cộng sản lên cao nhất. Một nguồn tin được các cơ quan truyền thông lớn trích dẫn nói rằng ông Nguyễn Phú Trọng đã bị những người đồng lý tưởng cộng sản với ông ở Bắc Kinh từ chối gặp gỡ. Đây không phải là một tuyên bố chính thức, nhưng điều chắc chắn là từ khi cuộc khủng hoảng giàn khoan bùng nổ đúng một tháng trước đây, ông Trọng giữ một sự im lặng đáng ngạc nhiên.
Trong khi đó nhiều tiếng nói cất lên yêu cầu từ bỏ những lý tưởng cộng sản và quan niệm quốc tế cộng sản ấy để tìm kiếm một sự cân bằng quyền lực mà đối chọi với Trung quốc. Tiêu biểu cho những ý kiến đó là ông Cù huy Hà Vũ. Ông phát biểu với chúng tôi từ Washington DC rằng trong tình hình hiện nay chỉ có thể liên minh quân sự với Hoa Kỳ mới đương đầu được với Trung Quốc. Ông Nguyễn Thanh Giang, một nhà địa chất lâu năm rất quan ngại về việc bảo vệ các nguồn tài nguyên cho Việt Nam trong lòng biển Đông cũng cùng quan điểm này với ông Vũ.
Nhà bất đồng chính kiến Hà Sĩ Phu và Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong những người chủ xướng trang Bauxite Việt Nam chống việc khai thác bauxite có liên quan đến các công ty Trung Quốc thì cho rằng ngay trong đảng cộng sản Việt Nam cũng có những người muốn thoát ra khỏi sự kiềm chế của Trung Quốc dưới lý tưởng quốc tế cộng sản
Cựu đại tá Bùi Tín của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chúng tôi thì nói rằng ông rất nghi ngại về việc đảng cầm quyền ở Việt nam vẫn đang kiên trì đường lối Mác Lê nin trong cuộc khủng hoảng giàn khoan đang diễn ra ngoài biển Đông:
Tôi hoài nghi lắm! Bởi vì cái gánh nặng về giáo điều nó nặng quá. Muốn như vậy thì anh phải bỏ cái Mác-Lê Nin đi chứ
Dĩ nhiên đường lối đối ngoại của một quốc gia sẽ bị chi phối bởi chính sách của đảng cầm quyền. Nhưng liệu xung đột lợi ích quốc gia có được giải quyết bằng tinh thần quốc tế vô sản xưa cũ đã được các nhà triết lý cộng sản nêu lên cách nay hơn 100 năm hay không? Nội dung này đã được ông Bùi Tín đề cập trong cuộc phỏng vấn dành cho chúng tôi và cũng là câu hỏi lớn mà nhiều người dân đang mong đợi câu trả lời từ đảng cầm quyền, và sẽ được minh chứng bằng những gì đang và sẽ diễn ra ngoài biển Đông.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/inter-commun-interest-conflict-nations-kh-06022014161747.html/06022014-kinhhoa.mp3/inline.html

No comments:

Post a Comment