Monday, June 2, 2014

Tàu Trung Quốc đâm thủng tàu cảnh sát biển Việt Nam

ÐÀ NẴNG (NV) - Sau một thời gian chỉ tấn công trực diện các tàu đánh cá, chiều 1 tháng 6, lần đầu tiên tàu cảnh sát biển của Trung Quốc, cố tình đâm chìm tàu cảnh sát biển của Việt Nam.

Tờ Thanh Niên tường thuật, căng thẳng trong khu vực tranh chấp có chiều hướng gia tăng vào cuối ngày đầu tiên của tháng 6, khi các tàu của Trung Quốc đột nhiên hung hăng khác thường. Sau khi liên tục xịt vòi rồng vào tàu cảnh sát biển mang số hiệu 2013 của Việt Nam giống như nhiều ngày trước đó, tàu cảnh sát biển mang số hiệu 46105 của Trung Quốc đột nhiên đâm thẳng vào mạn phải tàu cảnh sát biển mang số hiệu 2016 của Việt Nam.


 Sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam tuyên bố vẫn xem Trung Quốc là “bạn,” chỉ “đôi khi có những va chạm gây căng thẳng,” tàu cảnh sát biển của “bạn” tấn công trực diện, đâm thủng tàu của cảnh sát biển Việt Nam. (Hình: Thanh Niên)

Mỏ neo gắn ở mũi tàu cảnh sát biển mang số hiệu 46105 của Trung Quốc đã gây hư hại nặng nề cho tàu cảnh sát biển mang số hiệu 2016 của Việt Nam. Tàu cảnh sát biển mang số hiệu 2016 của Việt Nam gãy 7 mét lan can, gãy ống thông hơi, gãy ống dẫn dầu, đồng thời bị thủng bốn lỗ ở mạn phải, lỗ lớn nhất dài 40 centimeter, rộng 7 centimeter. Trong bốn lỗ thủng này, có một lỗ chỉ cách mép nước 40 centimeter nên nước đã tràn vào khoang tàu.

Thuyền trưởng tàu cảnh sát biển mang số hiệu 2016 của Việt Nam cho biết đã cho con tàu của ông ta rời khu vực tranh chấp để trở về Ðà Nẵng sửa chữa vì các lỗ thủng đe dọa sự an toàn của con tàu.

Từ khi xảy ra tranh chấp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, tại khu vực tranh chấp, Trung Quốc luôn ở thế áp đảo cả về số lượng tàu lẫn kích thước, sức mạnh của các loại tàu.

Trò chuyện với phóng viên Reuters bên lề Ðối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam cho biết, đầu năm tới, Nhật sẽ giao cho Việt Nam một lô tàu tuần duyên, song không tiết lộ số lượng là bao nhiêu chiếc.

Từ năm ngoái đến nay, giới lãnh đạo Việt Nam, đã liên tục đề nghị Nhật viện trợ tàu tuần duyên cho Việt Nam như Nhật từng thực hiện đối với Philippines và Malaysia. Thủ tướng Nhật và bộ trưởng Quốc Phòng Nhật cũng đã từng vài lần hứa hẹn sẽ viện trợ tàu tuần duyên cho Việt Nam nhưng không xác định thời điểm và số lượng. Nay, ngoài việc tiết lộ thời điểm Nhật sẽ viện trợ tàu tuần duyên, viên thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam còn nói thêm rằng, Nhật sẽ huấn luyện và chia sẻ thông tin với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

Cũng theo Reuters, viên thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam nói thêm rằng, Việt Nam chưa xác định lúc nào sẽ đưa tranh chấp chủ quyền trên Biển Ðông giữa Việt Nam và Trung Quốc ra Tòa Án Trọng Tài Liên Hiệp Quốc. Theo viên thứ trưởng này, Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị Việt Nam không đưa tranh chấp giữa hai bên ra tòa. Việt Nam có kiện Trung Quốc hay không sẽ phụ thuộc vào cách ứng xử của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc “tiếp tục dồn ép Việt Nam, Việt Nam không có lựa chọn nào khác.”

Một số hãng thông tấn quốc tế cho biết, khi tham dự Ðối Thoại Shangri-La ở Singapore, thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam đã gặp riêng ông Vương Quan Trung, phó tổng tham mưu trưởng của quân đội Trung Quốc. Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc cho biết, hai bên đã “trao đổi quan điểm một cách thẳng thắn về các vấn đề an ninh.”

Viên tướng là thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam nói với Reuters là những ý kiến của ông Shinzo Abe, thủ tướng Nhật và ông Chuck Hagel, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, tại Ðối Thoại Shangri-la về an ninh khu vực là “có giá trị lớn và rất có ý nghĩa.” Những ý kiến đó buộc các quốc gia ASEAN phải nghĩ lại vì vụ giàn khoan 981 không chỉ liên quan đến Việt Nam mà còn liên quan đến nhiều quốc gia khác.

Với tư cách một diễn giả chính, tại Ðối Thoại Shangri-la, ông Shinzo Abe, thủ tướng Nhật, khẳng định, các tuyên bố về chủ quyền trên biển phải dựa vào luật lệ quốc tế. Không quốc gia nào có thể dùng vũ lực hay hăm dọa để khẳng định chủ quyền. Ông Abe còn nhấn mạnh, Nhật sẽ ủng hộ tối đa cho nỗ lực bảo đảm an ninh vùng biển và bầu trời, duy trì tự do hàng hải và tự do hàng không của các quốc gia ASEAN. Nhật cũng có kế hoạch giữ vai trò lớn hơn và chủ động hơn so với thời điểm hiện nay để bảo đảm cho Châu Á và thế giới hòa bình hơn.

Sau ông Abe, ông Chuck Hagel, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ công khai cáo buộc Trung Quốc gây bất ổn ở biển Ðông, đe dọa quá trình phát triển của khu vực và cho biết, Hoa Kỳ sẽ không làm ngơ khi có quốc gia khác coi thường luật pháp quốc tế.

Ðến lượt Việt Nam, ông Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam gọi Trung Quốc là “bạn.” Ông Thanh so sánh xung đột chủ quyền Việt-Trung như “mâu thuẫn gia đình.” Trong diễn văn tại Ðối Thoại Shangri-La, Singapore, ông Thanh nói rằng, “Quan hệ giữa Việt Nam và 'nước bạn láng giềng Trung Quốc' về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Ðông và đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng.” Ông Thanh “đề nghị” Trung Quốc rút giàn khoan và cùng Việt Nam đàm phán để giữ được hòa bình ổn định và quan hệ hữu nghị hai nước. (G.Ð)
06-02-2014 2:00:25 PM

No comments:

Post a Comment