Monday, June 2, 2014

Giảm phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế, bằng cách nào?

Một Thế Giới - 06:42 03-06-2014

Giảm phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế, bằng cách nào?

Khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, xâm chiếm lãnh hải của ta, thực tế nền kinh tế của ta đang phụ thuộc lớn vào Trung Quốc không chỉ được nhìn dưới góc độ miếng bánh lợi ích của tự do thương mại ta được hưởng quá ít so với Trung Quốc, mà còn ở góc độ an ninh kinh tế.

Chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình như ngoại giao, luật pháp, duy trì quan hệ kinh tế bình thường với Trung Quốc nhưng không loại trừ Trung Quốc trả đũa bằng biện pháp kinh tế, vì vậy ta không thể không có kịch bản ứng phó khẩn cấp.

Những kịch bản trước mắt cũng như lâu dài, tin rằng cơ quan quản lý nhà nước các cấp đã chuẩn bị và cần sự hợp tác, phối hợp cũng như thêm sáng kiến của tất cả các tác nhân trong nền kinh tế.

Nhưng cũng phải thấy rằng, cho dù không có sự kiện giàn khoa HD 981, thì bức tranh quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng cần phải chỉnh sửa, từ chính sách vĩ mô của nhà nước đến hoạt động vi mô của doanh nghiệp hay hành vi tiêu dùng của người dân, để phía Việt Nam có nhiều gam màu sáng hơn.

Trước mắt - khẩn cấp và lâu dài - căn bản, cốt lõi, đều đòi hỏi sự hành động. Bằng việc mở diễn đàn “Giảm phụ thuộc Trung Quốc về kinh tế, bằng cách nào?”, báo điện tử Một Thế Giới mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc, để cùng nhau vượt qua lúc thời điểm khó khăn này cũng như hướng đến một cuộc chấn hưng tìm kiếm phát triển.

Giải pháp, hãy nhìn từ thực tế, bắt đầu từ thực tế về quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc. Thực tế đó là:

- Về thương mại: Việt Nam chưa cải thiện được nhiều về xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng lại gia tăng mạnh về nhập khẩu từ quốc gia này. Từ năm 2000 – 2013, tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ dao động trong khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng tỉ trọng nhập khẩu đã tăng từ 10% lên mức 28%. Với cơ cấu hàng tiêu dùng chiếm tỉ trọng khoảng 20%, hàng tư liệu sản xuất chiếm khoảng 35%, hàng công nghiệp phụ trợ và máy móc phụ tùng vận tải 35%, có thể thấy khoảng 70% hàng hóa Trung Quốc được nhập vào Việt Nam để phục vụ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí cả các doanh nghiệp lớn đang sử dụng công nghệ của Trung Quốc để sản xuất.

- Về đầu tư: Hiện vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% tổng vốn FDI mà Việt Nam thu hút được mỗi năm, nhưng cùng với việc Việt Nam đẩy mạnh đàm phán gia nhập TPP, đã xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư mạnh vào việc xây dựng nhà máy để sản xuất nguyên vật liệu tại Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội từ TPP.

- Về tổng thầu EPC: Trung Quốc hiện là nhà thầu lớn nhất của Việt Nam. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã trúng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành; hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khoá trao tay) phần lớn các công trình năng lượng, khai khoáng, hóa chất ở Việt Nam.

Theo thống kê được công bố vào đầu  tháng 4.2014 của Viện Nghiên cứu cơ khí thuộc bộ Công thương, Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 công trình được phía Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Trong ngành xi măng, 24 dự án lớn do Trung Quốc làm tổng thầu.  Cả nước có hai dự án công nghiệp nhôm và bauxite và ba nhà máy tuyển than thì tất cả đều do nhà thầu Trung Quốc đảm trách. Nếu tình huống xấu xảy ra trong bang giao kinh tế, việc này sẽ đẩy Việt Nam vào thế khó.

Nhưng cũng có một thực tế khác, mở ra cơ hội “giảm phụ thuộc” từ Trung Quốc là bên cạnh các hiệp định tự do thương mại đã ký, Việt Nam đang tích cực đàm phán hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và AFTA với EU, với triển vọng mở rộng nguồn cung và thị trường trường xuất khẩu, có thể đa phương hơn nữa để giảm việc tập trung trứng vào một giỏ.

No comments:

Post a Comment