HÀ NỘI (NV) - Việt Nam cố gắng chứng tỏ thiện chí trong “Ðối thoại về nhân quyền giữa Việt Nam - Hoa Kỳ” và Hoa Kỳ đang quan sát thiện chí đó thể hiện như thế nào trên thực tế.
Ðó là một trong những nội dung mà ông Tom Malinowski, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về Dân Chủ - Nhân Quyền - Lao Ðộng, đồng thời là người đứng đầu phái đoàn Hoa Kỳ tham gia Ðối thoại về nhân quyền với Việt Nam, kể với VOA.
Người H'mông tụ tập, giơ cao các khẩu hiệu đòi trả tự do cho những đồng bào của họ bị phạt tù vì đòi tự do tôn giáo. Ba người H’mông vừa bị đưa ra xử phúc thẩm và tòa án giữ nguyên án sơ thẩm hồi tháng 3. (Hình: Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế)
Cuộc “Ðối thoại về nhân quyền giữa Việt Nam - Hoa Kỳ” mà ông Malinowski đề cập, diễn ra hồi giữa tháng trước tại Hoa Kỳ.
Theo ông Malinowski, các thành viên trong phái đoàn Hoa Kỳ “khá ấn tượng” về việc phái đoàn Việt Nam, “tìm cách đạt tiến bộ trong các mối quan tâm của Hoa Kỳ về thực trạng nhân quyền tại Việt Nam.” Tuy nhiên “chất lượng cuộc đối thoại” không quan trọng bằng Việt Nam sẽ làm gì trong những ngày sắp tới.
Ông Malinowski khẳng định, Hoa Kỳ sẽ theo dõi và làm việc chặt chẽ với Việt Nam để khuyến khích Việt Nam đạt tới những tiến bộ về nhân quyền.
Dẫu cho Hoa Kỳ quyết định chuyển trục sang Châu Á - Thái Bình Dương, muốn hoàn tất sớm Hiệp Ðịnh Ðối Tác Tự Do Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP), quan tâm tới việc giảm căng thẳng trên Biển Ðông song quan hệ hợp tác cả về kinh tế lẫn quan sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ có thể phát triển tốt hơn nếu Việt Nam cải thiện tình trạng nhân quyền.
Ông Malinowski đánh giá cuộc đối thoại nhân quyền vừa qua giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cởi mở, mang tính xây dựng hơn vài cuộc đối thoại trước đó.
Lần đối thoại nhân quyền vừa kể, Hoa Kỳ tiếp tục nhấn mạnh quan tâm về những cá nhân đang bị chính quyền Việt Nam giam giữ hay đã bị phạt tù chỉ vì đã thể hiện quan điểm của họ một cách ôn hòa.
Theo ông Malinowski, ông John Kerry, ngoại trưởng Hoa Kỳ nhấn mạnh với phái đoàn Việt Nam rằng, việc để cho dân chúng tự do bày tỏ ý kiến hay tự do hội họp là lợi ích của Việt Nam. Mọi thứ sẽ tốt hơn nếu mở nắp để hơi nước trong một bình nước sôi thoát ra thay vì cố gắng giữ chặt để cuối cùng mọi thứ trào ra bên ngoài.
Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam sớm cải cách pháp lý ở Việt Nam sao cho bộ Luật Hình sự của Việt Nam phù hợp với Hiến Pháp Việt Nam và phù hợp với những gì mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực tự do ngôn luận, tự do hội họp.
Cũng theo ông Malinowski, phái đoàn Việt Nam thừa nhận, “Việt Nam cần đạt những tiến bộ” nhưng mặt khác, nhấn mạnh, chính quyền Việt Nam “đang đạt những tiến bộ.” Phía Việt Nam đồng ý, nhất thiết luật hình sự phải phù hợp với Hiến Pháp Việt Nam và công nhận Việt Nam đã có các cam kết thực thi luật pháp quốc tế.
Ông Malinowski cho rằng, cải cách pháp lý để luật pháp Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế là mục tiêu quan trọng nhất. Ðiều này bảo đảm rằng, không ai có thể bị bắt vì bày tỏ quan điểm, dân chúng có thể tự do biểu tình ôn hòa, tự do tham gia vào các quyết định chính trị.
Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ về Dân Chủ-Nhân Quyền-Lao Ðộng bày tỏ hy vọng sẽ sớm thấy những cá nhân bị bắt, bị phạt tù vì các điều khoản trong Bộ Luật Hình sự trái với luật quốc tế sớm được phóng thích. Quyền của người lao động sẽ được tôn trọng hơn nữa.
Ông Malinowski giải thích, Hoa Kỳ “có hy vọng cao vào cuộc đối thoại nhân quyền năm nay” vì có sự hỗ trợ từ những cuộc đối thoại liên quan đến TPP. Hoa Kỳ muốn thấy Việt Nam hợp tác với cộng đồng các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương không chỉ vì các lợi ích chung về thương mại mà còn vì những giá trị chung. Cuộc Ðối thoại nhân quyền vừa qua là cách mà qua đó Hoa Kỳ có thể thảo luận chính xác những bước Việt Nam cần phải thực hiện để có thể trở thành thành viên của TPP trong năm nay.
Ông Malinowski xem tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Ðông là dịp để nhắc Việt Nam nhớ rằng, Việt Nam cần trở thành thành viên trong cộng đồng mà nền tảng dựa trên sự tôn trọng những qui định chung được mọi người hiểu biết và tôn trọng. Cộng đồng quốc tế có những qui định bảo vệ các quốc gia trước những hành động xâm lược và cũng có những qui định bảo vệ con người. Thành ra đã là thành viên của cộng đồng quốc tế thì phải chấp nhận toàn bộ những qui định ấy. (G.Ð)
06-02- 2014 2:18:50 PM
No comments:
Post a Comment