Ông Lê Hải Bình gọi hành động của Trung Quốc là 'vô nhân đạo'
Người phát ngôn ngoại giao Việt Nam nói Trung Quốc phải "chấm dứt hành động vô nhân đạo" sau khi một tàu cá Đà Nẵng bị chìm ở khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 (Trung Quốc gọi là Haiyang Shiyou 981 hay HYSY 981).
Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc gia tăng sau khi Việt Nam tố cáo tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Đà Nẵng hôm 26/5 ở khu vực Nam Tây Nam giàn khoan Hải Dương 981, cách giàn khoan này 17 hải lý.
"10 ngư dân đã được lực lượng kiểm ngư, Cảnh sát biển cứu vớt và đưa lên tàu an toàn," Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.
Ngày 27/5, đại diện Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối.
Cùng ngày, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi Trung Quốc "chấm dứt những hành động vô nhân đạo, xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam”.
Ông Lê Hải Bình nói Trung Quốc phải "tôn trọng luật pháp quốc tế đồng thời xử lý nghiêm những người có liên quan, không để tái diễn những hành động tương tự và bồi thường thỏa đáng cho các ngư dân Việt Nam”.
Ngoài vụ việc hôm 26/5, trang web Bộ Ngoại giao Việt Nam liệt kê thêm các vụ từ tháng Năm khi tàu cá Việt Nam "bị các tàu của Trung Quốc liên tục khống chế, xua đuổi, gây thiệt hại về tài sản”.
Theo phía Việt Nam, hôm 7/5, một tàu cá của Quảng Ngãi "bị tàu Trung Quốc số hiệu 1241 bắn đạn lửa; dùng vòi rồng phun nước; dùng búa, chai lọ, bu lông ném sang tàu; dùng câu liêm cắt đứt dây và hệ thống liên lạc, định vị”.
"Sau đó, thêm 01 tàu ngư chính Trung Quốc chưa rõ số hiệu đã khống chế, đâm thẳng vào tàu gây vỡ mạn phải và toàn bộ kính ca bin, hỏng nhiều thiết bị và tài sản trên tàu. Thiệt hại ước tính khoảng 890 triệu đồng.”
Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu thêm hai vụ việc tương tự hôm 16/5 và 17/5 cũng liên quan tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi.
Việt Nam cáo buộc trong vụ ngày 16/5, lực lượng Trung Quốc "đã lên tàu cá đập phá hầu hết tài sản trên tàu, đánh và gây thương tích nặng đối với hai ngư dân Việt Nam”.
Tàu Việt Nam và Trung Quốc vẫn đối đầu nhau ở vị trí xung quanh giàn khoan
Trong ngày 17/5, ngư dân Quảng Ngãi bị "tàu Trung Quốc số hiệu 21102, khống chế, lấy đi một số tài sản và ngư lưới cụ”.
Trung Quốc bác bỏ
Trong khi đó, ngày 27/5, Tân Hoa Xã bác bỏ cáo buộc của Việt Nam.
Hãng tin nhà nước Trung Quốc xác nhận tàu cá Việt Nam bị chìm, nhưng nói vụ việc xảy ra vì tàu Việt Nam "tiến hành quấy nhiễu và đâm va tàu cá của thành phố Đông Phương, tỉnh Hải Nam”.
"Các ngư dân trên tàu đã được cứu kịp thời," Tân Hoa Xã nói.
Tân Hoa Xã cáo buộc từ ngày 2/5, Việt Nam "nhiều lần cử các loại tàu tiến hành quấy nhiễu việc tác nghiệp khoan thăm dò” của công ty Trung Quốc.
Lời qua tiếng lại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã gia tăng những ngày gần đây.
Hôm 27/5, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố sẽ thúc đẩy "đàm phán trực tiếp” để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Ông Lưu nói: "Nam Hải là huyết mạch hàng hải của Trung Quốc, tầm quan trọng của Nam Hải đối với Trung Quốc vượt xa đối với các nước khác.”
Hôm 26/5, người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc Tần Cương lên án Việt Nam "bóp méo lịch sử, phủ nhận sự thật, tráo trở lật lọng, bội tín bội nghĩa”.
Ông Tần đáp trả sau khi Việt Nam hôm 23/5 mở họp báo để khẳng định Việt Nam "có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử” để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong một diễn biến khác, Tân Hoa Xã dẫn lại tin từ một đài truyền hình Việt Nam nói đã có ít nhất ba phim Trung Quốc "bị ngừng chiếu" trên các kênh truyền hình ở Việt Nam.
Tân Hoa Xã cáo buộc: "Khán giả Việt Nam rất phản cảm trước cách làm này, đồng loạt bày tỏ cần tẩy chay những kênh truyền hình này, nói rằng quyết định này khiến họ cảm thấy khó hiểu và thất vọng."
'40 vây 1'
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Huỳnh Ngọc Sơn được báo chí trong nước dẫn lời gọi hành động đâm tàu cá Việt Nam của phía Trung Quốc là 'hành động khủng bố' và 'mang tính dằn mặt ngư dân'.
Trong khi đó, người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc, Tần Cương, tuyên bố Việt Nam chịu trách nhiệm vì "tiếp tục quấy phá hoạt động bình thường của Trung Quốc".
"Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Việt Nam ngừng ngay lập tức hoạt động quấy phá và gây hại," ông Tần nói.
Theo lực lượng tuần duyên Việt Nam, chiếc tàu cá này đã bị 40 tàu Trung Quốc bao vây trước khi nó bị tấn công. Tất cả 10 ngư dân trên tàu đều được cứu.
Tân Hoa Xã nói rằng Việt Nam 'đã nhiều lần điều nhiều loại tàu khác nhau ̣(ra vùng biển có giàn khoan) với mục đích duy nhất là quấy nhiễu các công ty Trung Quốc đang khoan tìm dầu ở đó'.
Bắc Kinh và Hà Nội đang dính vào tranh chấp ngày càng căng thẳng trên Biển Đông.
Việt Nam phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 ra vùng biển mà Việt Nam nói là thuộc chủ quyền của họ ở gần Quần đảo Hoàng Sa mà hai nước hiện đang tranh chấp.
Việc Trung Quốc từ chối dời giàn khoan đã dẫn đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc khiến ít nhất hai người chết và một số xí nghiệp bị đốt cháy.
Các nhà lập pháp Việt Nam đang chuẩn bị kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về vụ giàn khoan và các vụ đâm tàu, theo truyền thông của nước này.
'Bảo vệ ngư dân'
Các tàu cá Việt Nam thường bị 'tàu lạ' đâm chìm khi đánh bắt trên Biển Đông
"Vì chưa biết tàu của họ có phải là tàu cá hay không nhưng đi bảo vệ giàn khoan và đâm chìm tàu cá của ngư dân ta trong vùng biển Việt Nam thì thấp nhất cũng có thể gọi là khủng bố," phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Huỳnh Ngọc Sơn được báo mạng VnExpress dẫn lời nói.
Đây dường như là tuyên bố mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của một lãnh đạo Việt Nam nhằm vào Trung Quốc.
Ông Sơn cũng nói rằng Việt Nam sẽ lên án vụ việc này 'qua con đường ngoại giao' và sẽ yêu cầu Trung Quốc bồi thường.
Trả lời phỏng vấn BBC hôm 27/5, phó chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam nói cần tổ chức lại cách ra biển của ngư dân để một mặt có thể khẳng định chủ quyền mặt khác bảo vệ cho sự an toàn về nhân mạng và của cải.
Ông Võ Văn Trác nhận định vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng hôm 26/5 'có thể nói là rất nghiêm trọng'.
"Đây là sự xâm phạm thô bạo và trắng trợn của Trung Quốc. Hội Nghề cá Việt Nam cực lực phản đối và đề nghị các cơ quan của trung ương lên tiếng đề nghị Trung Quốc ngưng hành động này, bồi thường thiệt hại cho ngư dân, đồng thời hứa không để xảy ra những vụ việc tương tự nữa."
Trả lời câu hỏi của BBC về việc có nên khuyến khích ngư dân tiếp tục bám biển để khẳng định chủ quyền khi các biện pháp bảo vệ chưa được thực hiện hiệu quả hay không, ông Trác nói:
"Vùng biển đó là của Việt Nam. Việc ngư dân đi đánh cá ở đó là hoàn toàn hợp pháp. Việc Trung Quốc gây ra vụ việc vừa rồi trực tiếp ảnh hưởng tới sản xuất của người ngư dân. Chúng tôi sẽ tìm cách vận động ngư dân tiếp tục bám biển, sản xuất kinh doanh trên vùng biển của mình."
"Nhưng ra biển cần phải theo đội hình chứ không đi lẻ tẻ đễ giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Ngoài ra còn có tàu kiểm ngư, cảnh sát biển hỗ trợ cho ngư dân."
'Việt Nam khuấy động'
"Ngư dân ra biển cần phải theo đội hình chứ không đi lẻ tẻ đễ giúp đỡ, hỗ trợ nhau. Ngoài ra còn có tàu kiểm ngư, cảnh sát biển hỗ trợ cho ngư dân."-Võ Văn Trác, phó chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam"
Hôm thứ Hai ngày 26/5, Tân Hoa Xã đăng bài xã luận bằng tiếng Anh cáo buộc Việt Nam muốn ‘khuấy động và thổi bùng việc khoan bình thường của giàn khoan Hải Dương 981’.
“Hà Nội nên biết rằng việc khoan như vậy trong vùng biển này là quyền chủ quyền của Trung Quốc theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển,” tác giả Dương Trạch Vỹ, một giáo sư luật, viết trong bài xã luận.
“Việt Nam nên ngừng lập tức bất kỳ hành động ngăn trở nào và phải nhận hậu quả tương ứng và trách nhiệm quốc tế cho sự khiêu khích của mình,” bài xã luận nhận định.
Nhật Bản đã kêu gọi bình tĩnh. Người phát ngôn Chính phủ Nhật Yoshihide Suga được các hãng thông tấn dẫn lời nói: “Điều quan trọng là các nước có liên quan nên kiềm chế không có các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng và các nước nên hành động điềm tĩnh tuân thủ luật pháp quốc tế.”
No comments:
Post a Comment