VIỆT NAM (NV) - Dự luật Nhà Ðất và Kinh Doanh Bất Ðộng Sản tại Việt Nam sửa đổi do Bộ Xây Dựng đệ trình để quốc hội thảo luận hôm 24 tháng 5, 2014, được cho là “có nhiều điểm mới.”
Báo Thanh Niên trích dẫn một số điều khoản sửa đổi của các dự luật trên nói rằng, người Việt Nam “định cư ở ngoại quốc được phép về Việt Nam thì được sở hữu nhà ở như công dân trong nước, không phân biệt loại nhà và số lượng nhà.”
Khu nhà ở đang chờ người ngoại quốc ghé mắt đến. (Hình: Báo Thanh Niên)
Báo Thanh Niên dẫn ý kiến kết luận của Bộ Trưởng Bộ Xây Dựng Trịnh Ðình Dũng nói rằng, một nhóm khuynh tả ở Quốc Hội Việt Nam đòi “chỉ cho phép cá nhân ngoại quốc được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên mới được sở hữu nhà ở, để hạn chế các trường hợp lợi dụng chính sách, gây lũng đoạn thị trường bất động sản, để bảo đảm an ninh quốc phòng.”
Báo Thanh Niên cũng cho biết, dự luật Nhà Ðất sửa đổi nếu được thông qua, sẽ làm thay đổi một số nội dung liên quan đến Luật Ðất Ðai. Luật Ðất Ðai năm 2013 qui định rằng chỉ có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới được giao đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê... Với Luật Kinh Doanh Bất Ðộng Sản được sửa đổi nêu trên, tất cả các tổ chức, cá nhân nước ngoài đều được giao đất, cho thuê đất để kinh doanh bất động sản.
Trong khi đó, theo báo Tin Tức Việt Nam, việc gỡ bỏ những qui định hạn chế quyền sở hữu nhà của người ngoại quốc, đặc biệt là người Việt hải ngoại là một tin tốt. Bà này cho rằng, luật được sửa đổi sẽ thu hút một số lượng ngoại tệ vào thị trường bất động sản, mặc dù đó không phải là nguồn đầu tư chính yếu và vững chắc.
Tuy nhiên, theo dư luận, chủ trương tung ra luật “mở cửa” thị trường nhà đất và kinh doanh bất động sản cho ngoại kiều và người Việt hải ngoại dự phần, chỉ nhằm chiêu dụ họ đưa tiền về mua nhà, mua đất để ở và làm ăn. Rất nhiều người Việt hải ngoại có kinh nghiệm không quên rằng việc làm ăn ở Việt Nam hiện nay gặp nhiều vướng mắc, nhiêu khê từ thủ tục hành chính đến luật pháp không rõ ràng và thiếu cả môi trường thân thiện.
Theo bà Dương Thùy Dung, phó giám đốc Phòng Nghiên Cứu và Tư Vấn Phát Triển, từ năm 2009 đến nay, chỉ mới hơn 100 trong tổng số 80,000 người ngoại quốc đang sống và làm việc tại Việt Nam mua nhà, chiếm tỉ lệ 0.12%.
Một phúc trình khác cũng nói rằng tính hết hết tháng 6, năm 2013, chỉ có 126 tổ chức và cá nhân người ngoại quốc mua nhà tại Việt Nam, phần lớn tại Sài Gòn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, và Khánh Hòa. Số người này thuộc 22 quốc gia khác nhau, đông nhất là người Nam Hàn. (PL)
http://www.nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment