Saturday, April 26, 2014

Việt Nam không còn đất cho người thiểu số

HÀ NỘI (NV) - Nguyên nhân chính khiến những người thuộc các sắc tộc thiểu số ở Việt Nam bần cùng là vì không có đất để ở và canh tác. Tuy nhiên chính sách hiện hành không dành đất cho họ.


 Người dân thiểu số một tỉnh miền núi phía bắc phải cố sức cày một rẻo đất nhỏ trên sườn núi để trồng cấy. (Hình: Đất Việt)

Đó là điểm mà các ông: Giàng Seo Phử, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc của Quốc hội CSVN và  Danh Út, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc của nhà cầm quyền trung ương, nhấn mạnh, khi thảo luận về việc thực hiện chính sách và các qui định pháp luật để giảm đói nghèo cho người thiểu số, trong giai đoạn từ 2005 đến 2012.

Ủy ban Dân tộc của Quốc hội CSVN từng thực hiện một thống kê, theo đó, trong giai đoạn từ 2005 đến 2012, Việt Nam có khoảng 652 ngàn gia đình thuộc các sắc tộc thiểu số cần được hỗ trợ đất ở, đất canh tác nhưng đến nay, chính quyền các địa phương chỉ “hỗ trợ” đất cho 232 ngàn gia đình (khoảng 41.5% so với nhu cầu).

Sau 7 năm thực hiện chính sách và các qui định pháp luật để giảm đói nghèo cho người thiểu số, vẫn có 58.5% gia đình thuộc các sắc dân tộc thiểu số chưa được “hỗ trợ đất”. Khoảng 33 ngàn gia đình vẫn không có đất ở và 327 ngàn gia đình vẫn không có đất canh tác.

Kết quả bi đát này là vì “không còn đất” để “hỗ trợ” họ. Lý do không còn đất để “hỗ trợ” người thiểu số được giải thích là vì các nông trường, lâm trường của nhà nước vẫn nắm giữ rất nhiều đất đai (khoảng 6 triệu héc ta) dù phần lớn diện tích bị bỏ hoang.

Còn người thiểu số thiếu đất ở, không có đất canh tác là vì đất ở, đất canh tác bị thu hồi để làm các công trình thủy điện, xây dựng khu công nghiệp, sân golf. Đó là chưa kể những gia đình thuộc các sắc tộc thiểu số đã được “hỗ trợ” đất cũng không hài lòng vì chỉ nhận được quyết định chứ chưa được nhận đất, đất được “hỗ trợ” để canh tác cách nhà vài chục cây số…

Ông Danh Út, Phó chủ tịch Hội đồng dân tộc, cả quyết, đó là nguyên nhân dẫn tới đói nghèo, tái nghèo, phát sinh nghèo dai dẳng trong cộng đồng các sắc thiểu số. Mất nhà, mất đất, nghèo đói là lý do chính khiến dân chúng thuộc các sắc tộc thiểu số bất bình. Đó cũng là lý do khiến khu vực cao nguyên ở cả ngoài Bắc lẫn trong Nam bất ổn và làm chế độ Hà Nội lo âu.

Hồi tháng 7 năm ngoái, tại hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 2012, tổ chức tại Lâm Đồng, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã chính thức đề nghị nhà cầm quyền CSVN “tạm dừng khởi công các dự án thủy điện ở khu vực Tây Nguyên cho đến hết năm 2014”.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên là một cơ quan hỗn hợp, bao gồm một số sĩ quan cao cấp của công an, quân đội và viên chức cao cấp là lãnh đạo các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, nhằm ngăn chặn cũng như đối phó với những bất ổn về an ninh, chính trị ở khu vực này.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên được thành lập năm 2002, sau khi người thiểu số ở Tây Nguyên nổi dậy lần đầu tiên để đòi tự do tôn giáo, đòi quyền sống, chống cưỡng đoạt đất đai vào năm 2001. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên do Bộ trưởng Công an làm Trưởng ban.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, riêng việc cho phép thực hiện hàng loạt dự án thủy điện ở Tây Nguyên đã tạo thêm nhiều vấn nạn xã hội và môi trường. Vấn nạn lớn nhất là người thiểu số mất nhà, mất đất canh tác, không còn sinh kế.

Riêng tại Tây Nguyên, các sắc tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã nổi dậy hai lần. Ngoài lần đầu tiên hồi năm 2001 và sau đó có hàng ngàn người thiểu số vượt biên sang Cambodia xin tị nạn chính trị, họ còn đồng loạt nổi dậy thêm một lần nữa vào tháng 4 năm 2004.

Hiệp hội người thiểu số Việt Nam tại Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng tố cáo về việc chính quyền Việt Nam đang giam giữ từ vài trăm đến hàng ngàn người thiểu số tham gia các cuộc nổi dậy này. Đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để những tù nhân đó không “chết dần, chết mòn” trong tù. (G.Đ.)

04-25- 2014 6:06:03 PM

No comments:

Post a Comment