Saturday, April 26, 2014

Về cấm xuất cảnh và hủy hộ chiếu

VRNs (26.04.2014) – Sài Gòn – VN Tuần qua – Thưa quý vị, trong thời gian vừa qua, nhà cầm quyền đã và đang lạm quyền, bất chấp pháp luật cấm xuất cảnh các nhà hoạt động đấu tranh Dân chủ ở VN như Nhà báo Phạm Chí Dũng, Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nhiều Bloggers như Blogger Hoàng Vi, Blogger Châu Văn Thi, Blogger Huỳnh Trọng Hiếu… cũng như nhiều vị Chức sắc Tôn Giáo… Tất cả những người bị nhà cầm quyền không cho xuất cảnh thì không hề nhận được một thông báo nào cho biết họ bị nhà cầm quyền cấm xuất cảnh, lý do vì sao họ bị cấm xuất cảnh, và họ bị cấm xuất cảnh từ khi nào. Tất cả những người này, chỉ được biết họ không được xuất cảnh khi họ khi làm thủ tục ở sân bay, khi mà họ đã chuẩn bị cho công việc làm ăn của họ, cũng như mua vé máy bay…

Để quý vị hiểu rõ hơn những quy định cấm xuất cảnh của nhà cầm quyền được quy định như thế nào, đặc biệt nhà cầm quyền đã “tùy tiện” áp dụng pháp luật, “tùy tiện” cấm xuất cảnh… công dân VN. Sau đây, VNTQ rất hân hạnh được tiếp chuyện với cha Giuse Đinh Hữu Thoại về chủ đề này.
Con xin chào cha.
Pv.VRNs: Thưa Cha, với tư cách Hội trưởng Hội những người bị cấm xuất cảnh, Cha có thể cho mọi người rõ về các qui định cấm xuất cảnh của nhà cầm quyền Việt Nam?
Lm Đinh Hữu Thoại: Thực ra, cũng nói rõ, Hội trưởng chỉ là để các anh chị em liên lạc, thông tin khi cần thiết, không phải chức vụ gì ghê gớm…Trước khi đi vào trả lời câu hỏi của HT, tôi hỏi ngược lại, HT có thể chia sẻ lại sự kiện HT bị cấm xuất cảnh thời gian gần đây như thế nào?
Pv.VRNs: Dạ, như Cha và nhiều người đã biết, con bị nhà cầm quyền ngăn chặn xuất cảnh đi Hoa Kỳ để thực hiện sứ vụ truyền thông của Truyền thông Chúa Cứu Thế vào tối ngày 13.04.2014. Tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Thượng tá Vũ Xuân Ái và nhiều công an, an ninh và những người mặc thường phục khác đã giữ con trái phép tại căn phòng nhỏ, cưỡng bức không cho con rời khỏi phòng, tịch thu hộ chiếu mà không chiu lập Biên bản tịch thu mặc dù con yêu cầu. Sau khi đạt mục đích ngăn chặn xuất cảnh, nghĩa là khi máy bay đã bay, họ lại cưỡng bức con rời khỏi căn phòng…bằng nhiều “biện pháp nghiệp vụ” như dọng thẳng tay vào cổ của con, lôi kéo, lăng mạ…xúc phạm thân thể, danh dự nhân phẩm công dân…đối xử như tội phạm trước mặt nhiều hành khách trong và ngoài nước.
Lm Đinh Hữu Thoại: Trở lại vấn đề, phải nói là nhà cầm quyền Việt Nam có “tài” trong cách dùng từ ngữ. Về xuất – nhập cảnh, Điều 13 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền khẳng định: 1. Mọi người có quyền tự do di chuyển và cư trú, trong phạm vi biên giới của quốc gia. 2. Mọi người đều có quyền rời khỏi lãnh thổ bất kỳ nước nào, kể cả nước của mình, và quyền trở về xứ sở. Điều 23 Hiến pháp Việt Nam 2013 cũng qui định giống như vậy là: .Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Có điều họ thêm cụm từ: Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Chính đây là cái mà nhà cầm quyền cần để vận dụng khi cần thiết. Họ có thể tùy tiện đưa ra các văn bản gọi là “qui định pháp luật” do chính họ ban hành, chỉ nhằm bảo vệ nhà cầm quyền, tùy tiện hạn chế quyền tự do của công dân, mà đối với nhà cầm quyền, chỉ đơn giản là “không thích”, “không muốn” cho người này, người kia xuất cảnh. Cũng vậy, để tránh né cụm từ “cấm xuất cảnh” dễ bị lên án, họ dùng cụm từ “chưa được xuất cảnh”, mà thực tế còn nặng hơn cấm xuất cảnh. Bởi vì, nếu cấm, công dân sẽ biết rõ để tránh né… Đằng này, họ “chưa cho” mà không thông báo nên nhiều khi công dân chuẩn bị công việc làm ăn, mua vé máy bay… và chỉ biết mình không được xuất cảnh khi làm thủ tục ở sân bay.
Pv.VRNs: Cha có nói đến việc “tùy tiện” áp dụng pháp luật, “tùy tiện” cấm xuất cảnh…Cha có thể nói rõ hơn không ạ?
Lm Đinh Hữu Thoại: Tại Điều 21 Nghị định 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt nam qui định 7 trường hợp Công dân Việt Nam ở trong nước chưa được xuất cảnh là:
1. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm.
2. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án hình sự.
3. Đang có nghĩa vụ chấp hành bản án dân sự, kinh tế; đang chờ để giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh tế.
4. Đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế và những nghĩa vụ khác về tài chính trừ trường hợp có đặt tiền, đặt tài sản hoặc có biện pháp bảo đảm khác để thực hiện nghĩa vụ đó.
5. Vì lý do ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm lây lan.
6. Vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
7. Có hành vi vi phạm hành chính về xuất nhập cảnh theo quy định của Chính phủ.
Như vậy cái tùy tiện nằm ở khoản 6 này. Tất cả các trường hợp kia đều rõ ràng, phải có các quyết định, bản án…xác định, còn khoản 6 thì không rõ ràng. Hành vi thế nào, mức độ ra sao, cần phải có dấu hiệu, chứng cứ cụ thể nào để xác định là chưa được xuất cảnh vì để “bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”? Không có một tiêu chí rõ ràng, dẫn đến tùy tiện của cơ quan chức năng…nhà cầm quyền có thể “thích” hoặc không “thích”, thấy “cần” hoặc “chưa cần” cấm người này, người kia…hoàn toàn dựa theo suy đoán riêng cá nhân mà không dựa theo bất kỳ nguyên tắc pháp luật nào. Cái tùy tiện khác nữa nằm ở chỗ thực thi việc cấm xuất cảnh.Theo qui định, thẩm quyền quyết định chưa cho công dân Việt Nam xuất cảnh, đối với trường hợp “vì lý do an ninh…” thuộc về Bộ trưởng Bộ Công an (theo qui định tại điểm d khoản 1 Điều 22 Nghị định 136/2007/NĐ-CP).Thế nhưng, tôi được biết, chưa có trường hợp bị cấm xuất cảnh nào được cho xem quyết định của Bộ trưởng bộ công an, thậm chí, nhà cầm quyền còn trắng trợn vi phạm pháp luật khi ghi rõ trong Biên bản cấm xuất cảnh là “theo đề nghị” của công an này, công an kia…
Pv.VRNs: Còn việc thu giữ hộ chiếu, như trường hợp công an cửa khẩu Tân sơn nhất tịch thu hộ chiếu số B7395142 của con thì sao ạ?
Lm. Đinh Hữu Thoại: Đây cũng là việc làm tùy tiện, không tuân thủ qui định pháp luật. Cụ thể, Điều 24 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP qui định: Người thuộc diện chưa được xuất cảnh, thì chưa được cấp giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam. Trường hợp đã cấp thì Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an thực hiện việc hủy giá trị sử dụng giấy tờ đó.Như vậy, không thể tịch thu hộ chiếu đã cấp, vì lẽ đơn giản đây là giấy tờ giá trị, hợp pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân.Không thể bị “tịch thu” mà chỉ có thể “hủy giá trị sử dụng” và cơ quan có thẩm quyền làm việc này là “Cục quản lý xuất nhập cảnh, bộ công an.” Công an cửa khẩu tịch thu hộ chiếu công dân là tùy tiện, trái pháp luật.

Thượng tá Vũ Xuân Ái luôn tùy tiện cấm công dân xuất cảnh và tịch thu hộ chiếu, với câu nói cũng rất tùy tiện "Tôi là luật!"
Thượng tá Vũ Xuân Ái – công an cửa khẩu TSN- luôn tùy tiện cấm công dân xuất cảnh và tịch thu hộ chiếu, với câu nói cũng rất tùy tiện “Tôi là luật!”
Cũng cần nhắc đến Chỉ thị số 29/2007/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc thực hiện cải cách hành chính trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của cán bộ, công chức, công dân có qui định: Giữ gìn và sử dụng hộ chiếu phổ thông đúng pháp luật là quyền và trách nhiệm của cá nhân được cấp hộ chiếu. Các cơ quan, đơn vị không thu giữ hộ chiếu phổ thông của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi ở trong nước cũng như khi ở nước ngoài.
Hộ chiếu phổ thông của công dân chỉ bị thu giữ trong trường hợp người mang hộ chiếu vi phạm pháp luật Việt Nam, bị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu giữ.
Ngay tại chỉ thị này, chúng ta cũng có thể thấy sự tùy tiện ra chỉ thị của ông thủ tướng.Trong khi Nghị định qui định “hủy giá trỉ sử dụng” hộ chiếu thì Ông ta tùy tiệnchỉ thị “thu giữ” hộ chiếu.Trong khi Điều 52 Hiến pháp 1992 và Điều 16 Hiến pháp 2013 qui định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thế nhưng Ông ta lại tùy tiện chỉ thị: Các cơ quan, đơn vị không thu giữ hộ chiếu phổ thông của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi ở trong nước cũng như khi ở nước ngoài, còn hộ chiếu phổ thông của công dân thì … bị thu giữ. Thế cán bộ, công chức, viên chức không phải là công dân à? Hay họ là công dân “siêu hạng”?
Nhưng cũng cần ghi nhận, tại chỉ thị này nói rõ “chỉ bị thu giữ khi vi phạm pháp luật và có quyết định thu giữ của cơ quan có thẩm quyền” mà trong trường hợp chúng ta đang đề cập, cơ quan có thẩm quyềnphải là “cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ công an”.
Pv.VRNs:Vậy thưa Cha, trường hợp như của con, bị công an tùy tiện cấm xuất cảnh, tùy tiện tịch thu hộ chiếu thì con phải làm gì?
Lm Đinh Hữu Thoại: Thế HT đã làm gì?
Pv.VRNs: Thưa Con đã thực hiện quyền khởi kiện Thượng tá Vũ Xuân Ái về hành vi hành chính trái phép ngăn chặn con xuất cảnh và tịch thu hộ chiếu. Song song đó, con cũng đòi ông ta phải bồi thường vật chất và tinh thần đối với hành vi trái pháp luật do ông ta gây ra. Đồng thời, con cũng tố cáo hành vi vi phạm pháp luật hình sự tội “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” theo Điều 282 BLHS do Ông ta không có quyền mà ngăn chặn con xuất cảnh, tịch thu hộ chiếu của con; tội “giữ người trái pháp luật” theo Điều 123 BLHS khi không có lệnh, quyết định gì mà công an cửa khẩu dưới quyền của ông Vũ Xuân Ái ra lệnh buộc con không được rời khỏi phòng làm việc của Ông Ái, cũng như lệnh cho thuộc cấp dùng các biện pháp cưỡng chế buộc con phải ở lại trong phòng…; và tội “làm nhục người khác” theo Điều 121 BLHS vì Ông ta ra lệnh cho thuộc cấp dùng các “biện pháp nghiệp vụ” dọng thẳng tay vào họng con, có lời lẽ và hành động xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm con- như khống chế, đè cổ như tội phạm- trước mặt hành khách trong và ngoài nước…
Lm Đinh Hữu Thoại: HT đã thực hiện đúng quyền của mình khi bị xâm phạm tự do. “Chúng ta có quyềnvì chúng talà con người”. Dĩ nhiên, nhà cầm quyền sẽ không dám công khai xét xử, nhưng việc làm của chúng ta là cần thiết để phản kháng trước hành vi tội ác ngày càng công khai, trắng trợn…của những người nhân danh pháp luật.Chào mừng HT, một thành viên mới của Hội những người bị cấm xuất cảnh.

No comments:

Post a Comment