Saturday, April 26, 2014

Đề cao tử sĩ Hoàng Sa, kêu gọi hòa giải chỉ là chiêu bài

ĐÀ NẴNG (NV) .- Phái đoàn đặc biệt đến thăm Trường Sa, tạo một sự kiện đặc biệt mà nhà cầm quyền CSVN dùng như bằng chứng cho nỗ lực hòa giải. Có những bằng chứng khác cho thấy đó vẫn là chiêu bài.


 Lễ tưởng niệm, cầu siêu cho cả tử sĩ Việt Nam Cộng hòa, liệt sĩ CSVN và thuyền nhân ở Trường Sa. Báo chí Việt Nam chỉ chú thích nhân vật ở bên trái là Anh hùng Vũ Huy Lễ - một trong những người lính Hải quân CSVN sống sót khi Trung Quốc cưỡng chiếm đảo Gạc Ma ở Trường Sa. Không có bất kỳ chú thích nào về hai người phụ nữ đứng cùng hàng (bà quả phụ Ngụy Văn Thà – giữa và cô Nguyễn Thị Thanh Thảo – bên cạnh là con gái cố Thiếu tá Nguyễn Thành Trí). (Hình: Tuổi Trẻ)

Phái đoàn đến thăm Trường Sa đã khởi hành ngày 16 tháng 4-2014 và chuyến thăm dự trù sẽ kết thúc vào ngày 28 tháng 4-2014.

Phái đoàn này được xem là đặc biệt vì có sự góp mặt của những Việt kiều được mô tả là từng thù hận chính quyền hiện tại một cách sâu sắc. Phái đoàn này đặc biệt còn vì có sự góp mặt của bà quả phụ Ngụy Văn Thà (vợ cố Trung tá Hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo – Hải quân Việt Nam Cộng hòa -  đã tử trận khi bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa hồi tháng 1 năm 1974) và con gái của cố Thiếu tá Nguyễn Thành Trí (Hạm phó chiến hạm Nhật Tảo, cũng tử trận như cố Trung tá Ngụy Văn Thà).

Sự kiện đặc biệt được thực hiện nhân chuyến thăm Trường Sa của phái đoàn đặc biệt là ngoài việc tưởng niệm, cầu siêu cho những người lính Hải quân của quân đội CSVN đã hy sinh khi bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa, lần này, chế độ Hà Nội còn tổ chức tưởng niệm, cầu siêu cho 74 tử sĩ của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã đền nợ nước ở Hoàng Sa và tưởng niệm, cầu siêu cho cả những thuyền nhân đã uổng mạng trên biển Đông khi chạy trốn khỏi Việt Nam sau 30 tháng 4 năm 1975.

Trả lời báo chí Việt Nam, một viên thứ trưởng Ngoại giao tên là Nguyễn Thanh Sơn, bảo rằng, ngày hòa hợp – hòa giải giữa những người Việt trong và ngoài Việt Nam đang rất gần vì chế độ Hà Nội đang thực hiện nhiều hành động để chứng minh với kiều bào rằng, họ không “bán nước” mà vẫn luôn cố gắng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển Đông.

Họ “chân thành”, thật sự muốn “hòa giải” và đang chứng minh sự “chân thành”, “công tâm” qua việc ghi nhận công lao của những tử sĩ thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã tử trận ở Hoàng Sa bởi “đó là những người con ưu tú đã chiến đấu, hi sinh vì sự vẹn toàn của đất mẹ”.

Sự “chân thành” vừa kể còn thể hiện ở việc tưởng niệm, cầu siêu cho cả những thuyền nhân đã uổng mạng trên biển Đông, những người mà viên Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam gọi là “nạn nhân chiến tranh”, bỏ xứ ra đi vì “bị tuyên truyền, kích động bởi thông tin một chiều, bởi khó khăn về đời sống kinh tế và nhiều nguyên nhân khác”. Bây giờ thì nói thế nhưng trước đây họ từng bị gọi là “ma cô, đĩ điếm, tay sai Mỹ ngụy, vượt biên để ăn xin bơ thừa sữa cặn”.

Trước khi phái đoàn đặc biệt lên đường thăm Trường Sa, góp phần kiến tạo sự kiện đặc biệt như vừa kể, một nhóm viên chức đại diện chính quyền huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng đã đến thăm bà quả phụ Ngụy Văn Thà và bà quả phụ Nguyễn Thành Trí tại tư gia của họ ở Sài Gòn. Tuy Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa nhưng về mặt hành chính, Việt Nam tuyên bố Hoàng Sa là một huyện thuộc thành phố Đà Nẵng.

Cả hai bà quả phụ và con cái họ đã bị lãng quên sau khi miền Nam Việt Nam rơi tay CSVN. Mãi đến gần đây, khi Trung Quốc càng ngày càng càn rỡ, nhiều người Việt bắt đầu lật lại lịch sử để tìm hiểu về lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Những nỗ lực bảo vệ chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa mới được biết tới và cuộc sống của hai bà quả phụ cũng như con cái của họ mới được quan tâm.

Theo tường thuật của tờ Thanh Niên, cả hai bà quả phụ đều đã ngoài 60, thường xuyên ốm đau. Chủ tịch huyện Hoàng Sa và nhóm viên chức tháp tùng đã “thăm hỏi, chia sẻ mất mát cũng như động viên hai bà quả phụ”. Đồng thời khẳng định “chính quyền huyện Hoàng Sa” luôn “ghi nhận công lao, sự hi sinh của trung tá Ngụy Văn Thà, thiếu tá Nguyễn Thành Trí cũng như các quân nhân Việt Nam Cộng hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa 1974 để bảo vệ chủ quyền Việt Nam, dù ở bất cứ thời nào thì sự hi sinh để cống hiến cho dân tộc cũng là điều đáng quý”.

Chuyến thăm vừa kể nhằm vận động bà quả phụ Ngụy Văn Thà và bà quả phụ Nguyễn Thành Trí tham gia phái đoàn đặc biệt. Chưa rõ vì sao, bà quả phụ Nguyễn Thành Trí, không tham dự và con gái cố Thiếu tá Trí thay mẹ lên đường ra Trường Sa.

Trước nữa, ông Đặng Ngọc Tùng, một Ủy viên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, kiêm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam -  tổ chức công đoàn nhà nước, dành cho cán bộ, viên chức và công nhân Việt Nam, đứng ra phát động Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”.

Trong lời kêu gọi mọi người hưởng ứng chương trình này, ông Tùng nhận định: “Máu của những người con đất Việt dù trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Ghi nhận công ơn to lớn đó, chia sẻ nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con có người thân đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) là việc làm rất cần thiết của cả cộng đồng và xã hội”.

Thành ra  Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định đứng ra “vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ các nguồn lực để “hỗ trợ cha, mẹ, vợ, con, thân nhân của những người lính đã hy sinh trong hai trận chiến Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) đang gặp khó khăn”.

Dẫu công khai thừa nhận sự hy sinh của 74 tử sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hòa là để “bảo vệ tổ quốc”, kêu gọi ủng hộ để hỗ trợ thân nhân của họ nhưng chế độ Hà Nội vẫn cố tình phân tuyến khi xác định đối tượng tưởng niệm trong việc xây dựng “Đền tưởng niệm” – một phần của chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa”.

“Đền tưởng niệm” sẽ chỉ dành cho 64 sĩ quan, binh sĩ 'Quân đội nhân dân Việt Nam' đã tử trận khi bảo vệ đảo Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa. Không có chỗ cho 74 tử sĩ Việt Nam Cộng hòa. Cho dù “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” là chương trình nhằm “thể hiện tinh thần đại đoàn kết dân tộc”.

Trở lại với phái đoàn đặc biệt đến thăm Trường Sa, nhằm tạo một sự kiện đặc biệt mà nhà cầm quyền CSVN muốn dùng như bằng chứng cho nỗ lực hòa giải, một số nhà báo tiết lộ, báo giới được lệnh, khi tường thuật về sự kiện đặc biệt đang diễn ra ở Trường Sa, không được đề cập đến cố Trung tá Thà và cố Thiếu tá Trí. Trên thực tế, báo chí Việt nam chỉ đưa hình ảnh bà quả phụ Ngụy Văn Thà và con gái cố Thiếu tá Trí chứ không có bất kỳ chú thích nào về việc họ là ai, tại sao họ có mặt trong phái đoàn đặc biệt.

Mới đây, sau khi phái đoàn đặc biệt đã ở Trường Sa để giúp kiến tạo sự kiện đặc biệt mà chính quyền Việt Nam muốn dùng như bằng chứng cho nỗ lực hòa giải, tờ Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành trung ương Đảng CSVN đăng một bài bình luận có tựa “Sự sụp đổ tất yếu của một chế độ bù nhìn, thất bại tất yếu của một đội quân đánh thuê”.

Trong bài, tờ Nhân Dân cố gắng chứng minh, chính quyền Việt Nam Cộng hòa – thể chế mà khi kêu gọi hòa giải, chính quyền CSVN xác nhận đã nỗ lực hết mức bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa - là “chế độ bù nhìn”. Còn Quân lực Việt Nam Cộng hòa – quân đội mà cố Trung tá Thà và Thiếu tá Trí phục vụ, hy sinh – bị gọi là “đội quân đánh thuê”!

Lời lẽ, lập luận trong bài “Sự sụp đổ tất yếu của một chế độ bù nhìn, thất bại tất yếu của một đội quân đánh thuê” trên tờ Nhân Dân y hệt giọng điệu cách nay 40 năm – thời mà quan điểm hẹp hòi, đầy thù hận đó đã đẩy hàng triệu người Việt ra biển, chấp nhận làm thuyền nhân. (G.Đ)

04-25, 2014 3:50:25 PM  

No comments:

Post a Comment