Thứ bảy, 29/3/2014 16:10 GMT+7
TN-Máy bay bị rơi rớt đồ, tiếp viên trong nước lục đồ của khách, tiếp viên tuyến nước ngoài “buôn lậu”, VN Airlines cứu vớt danh tiếng bằng văn bản yêu cầu NHK (Nhật) xin lỗi đính chính thông tin…
Ngày 26/3, trong chuyến bay Đà Lạt – Tp HCM chiếc máy bay Airbus A321 số hiệu VNA397 bị rơi ốp bảo vệ ở phần càng máy bay.
Sự việc được phát hiện khi máy bay hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên kỹ thuật đi kiểm tra máy bay và phát hiện miếng ốp rơi xuống đường cất hạ cánh 09.
Sự việc nhanh chóng được báo cáo tới Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Đã có 2 cán bộ thuộc đoàn kiểm tra vào sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra sự việc. Cụ thể đã xác định được vật rơi ra khỏi máy bay to bằng cái đĩa, có tác dụng bảo vệ quạt làm mát phanh ở bánh xe. Ông Hồ Minh Tấn, Trưởng phòng Tiêu chuẩn An toàn bay Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “bất cứ bộ phận nào của máy bay bị rơi đều có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của cả chuyến bay. Nguyên nhân sự việc có thể do lỗi của con người, liên quan đến quá trình bảo dưỡng chứ không phải lỗi từ phía nhà sản xuất.
Cũng trong ngày 26/3, sau khi đáp chuyến bay VN956 từ Myanmar về Việt Nam, chị Ngô Thị Hằng (trú tại đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội) ra khu vực băng chuyền nhận hành lý nhưng không tìm thấy vali.
Sau khi thông báo cho nhân viên VNA để được hỗ trợ tìm kiếm, khoảng 30 phút sau chị Hằng mới thấy vali của mình chạy trên băng chuyền.
Tuy nhiên khi nhận lại hành lý chị Hằng phát hiện vali bị bật nắp ngăn ngoài, có dấu hiệu bẻ khóa. Chị Hằng đã yêu cầu VNA lập biên bản và yêu cầu hãng làm rõ sự việc.
Việc hành lý của hành khách bị “lục lọi”, bẻ khóa, mất trộm không phải là lần đầu xảy ra với VNA, trước đó có rất nhiều khách hàng phản ánh họ cũng từng bị mở, cậy thậm chí là mất hàng hóa khi đi về các sân bay của Việt Nam.
Mới đây ngày 27/3 đài truyền hình NHK (Nhật Bản) đưa tin tiếp viên của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cùng 1 cơ phó bị nghi vận chuyển hàng ăn cắp.
Vụ việc đang gây xôn xao và sự quan tâm của dư luận. Phó tổng giám Vietnam Airlines - ông Phan Xuân Đức đã lên tiếng xin lỗi về vụ việc này.
Tuy nhiên để cứu vớt “danh tiếng”, ngày 28/3 Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam yêu cầu đài NHK đính chính vì vi phạm việc sử dụng biển hiệu và hình ảnh của công ty. Phóng sự đã sử dụng biển hiệu, trụ sở của Tổng công ty Quản lý bay thay vì sử dụng hình ảnh của Vietnam Airlines.
Bởi theo đại diện Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thực tế là 2 doanh nghiệp độc lập, cùng trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, do đó, việc nhầm lẫn nói trên đã gây ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh, thương hiệu của Tổng công ty Quản lý bay, nhất là khi phóng sự này đã được phát sóng và lan truyền rộng rãi trên mạng Internet.
Trang Nhi
No comments:
Post a Comment