ĐĂNG BỞI  - 
Một số tài xế phản ánh, có khá nhiều xe cũng chở hàng nông sản vừa lên đến nơi đã được xuất khẩu ngay. Liệu có xảy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân ở Lạng Sơn bắt tay với nhau “làm luật” để được ưu tiên xuất hàng trước?
Anh cứ chụp hình để…vợ em thấy
Đến hẹn lại ứ, đó là điệp khúc diễn ra thường niên bởi hơn chục ngày nay, xuất khẩu nông sản, cụ thể là thanh long, dưa hấu qua cửa khẩu Tân Thanh đang bị dồn ứ. Có ngày lên đến hơn nghìn xe, kéo dài vài chục cây số.
Hiện đang có dư luận cho rằng, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng việc dồn ứ nông sản để trục lợi.
Những ngày nửa cuối tháng 3, từng đoàn, từng đoàn xe tải xếp theo hàng đôi dọc từ trạm kiểm soát số 1, khu kinh tế cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng ra đến ngã 3 Pác Luống và kéo dài từ ngã 3 Ma Mèo (xã Tân Mỹ) ra đến khu vực quốc lộ 1A.
Mặc dù nếu phải chung chi thêm từ 500- 700, thậm chí 1 triệu đồng mỗi xe để được xuất hàng ngay anh em cũng sẵn sàng bởi chi phí ăn ở, rồi tiền xe nằm chờ thì chi thêm từng đó nhiều chủ hàng, lái xe cũng cam lòng.
Anh Nguyễn Văn Dư, quê ở Bình Định, lái xe 77C 03683 chở dưa hấu vừa tranh thủ tắm vừa nói thật to: “Anh cứ chụp rồi đăng lên báo giúp em với, không ở nhà vợ em nó bảo em sướng quá đi không biết đường về”.
Anh Dư kể, em nằm chờ được xuất hàng ngày này là ngày thứ 2 rồi. Chắc phải mai mới xuống được hàng. Như vậy là mất đứt 3 ngày nằm chờ, cực lắm anh ơi.
Em lái xe tải năm nay là năm thứ 12, trong đó có 5 năm chở nông sản xuất khẩu qua biên giới và đều dính dồn ứ vào những dịp như thế này. Nguyên nhân chính là do hiện đang vào giữa thời điểm thu hoạch dưa hấu ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên nên các doanh nghiệp ào ạt xuất hàng để gỡ vốn.
“Khi dưa hấu sắp được thu hoạch, doanh nghiệp đến tận nơi trồng để thu mua, thường là mua cả vựa chứ không mua lẻ. Vì vậy, khi cây ra trái đợt đầu, vào dịp tết Nguyên Đán, họ thu hoạch và xuất khẩu với giá 20- 25 nghìn đồng/kg. Đến thời điểm cây ra trái đợt 2, mặc dù giá cả rất rẻ, chỉ khoảng 5- 7 nghìn đồng/kg, nhưng do đã mua cả vựa nên họ vẫn phải thu hoạch và bán tống bán tháo để thêm được ít nào hay ít đó”, anh Dư nói.
Anh Nguyễn Ngọc Công, tài xế xe 77K- 9840, quê ở Bình Định góp chuyện: lái xe chở hàng nông sản mùa này là khổ nhất. Nếu thuận lợi, cả chuyến đi về mất đứt 15- 16 ngày mà chủ hàng chỉ khoán gọn công sá là 12 triệu đồng, các chi phí nhà xe phải chịu. Vì vậy, nằm thêm 2- 3 ngày ở dọc đường là tăng thêm chi phí. Nhiều khi, hàng nằm dọc đường lâu quá hoặc bị hỏng hoặc dưa bị loại nhiều, chủ hàng lỗ vốn còn xù luôn tiền công hoặc nợ dai dẳng.
Tài xế Huỳnh Phước Tài, quê ở Thừa Thiên Huế phản ánh: Xe anh nằm đây đã 2 ngày rồi, mọi việc từ ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh đều phải tại chỗ.
Tuy nhiên, anh Tài được chứng kiến có khá nhiều xe cũng chở hàng nông sản vừa lên đến nơi đã được xuất khẩu ngay. Liệu có xảy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân ở Lạng Sơn bắt tay với nhau “làm luật” để được ưu tiên xuất hàng trước?
Một số lái xe khác cũng cho biết: có một nam thanh niên đi xe máy đến gợi ý các chủ xe chung chi tiền, từ 500- 700 nghìn đồng/xe để được xuất hàng sớm. Tuy nhiên do không tin tưởng nên anh em tài xế không dám nhận.
Mặc dù nếu phải chung chi thêm từ 500- 700, thậm chí 1 triệu đồng mỗi xe để được xuất hàng ngay anh em cũng sẵn sàng bởi chi phí ăn ở, rồi tiền xe nằm chờ thì chi thêm từng đó nhiều chủ hàng, lái xe cũng cam lòng.
Anh Nguyễn Văn Dư vừa tranh thủ tắm vừa nói: "Anh cứ chụp rồi đăng lên báo giúp em với, không ở nhà vợ em nó bảo em sướng quá đi không biết đường về” 
Có hay không việc trục lợi?
Thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương cho biết: Kể từ 12.3, dưa hấu tại các tỉnh phía Nam vào vụ thu hoạch và được đưa ồ ạt lên cửa khẩu để xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm nay dưa được đưa lên cửa khẩu nhiều hơn các năm. Hiện mỗi ngày có khoảng 500–700 xe, trong khi tiêu thụ chỉ được trên 200 xe dưa/ngày.
Trong khi đó, năng lực thông quan của cửa khẩu Tân Thanh cũng chỉ đạt khoảng 300–350 xe hàng hóa các loại mỗi ngày. Trung Quốc chủ yếu nhận dưa qua cửa khẩu Tân Thanh.Tính đến ngày 27.3, còn khoảng 1.600 xe hàng hóa các loại, trong đó chủ yếu là dưa hấu nằm chờ thông quan tại khu vực cửa khẩu.
Bà Đặng Thị Ngân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, theo công tác nắm tình hình của chi cục, hiện phía Trung Quốc vẫn thực hiện thu mua dưa hấu xuất khẩu của Việt Nam, không có chuyện gây khó dễ. 
Trung bình mỗi ngày có khoảng trên dưới 300 xe xuất khẩu nông sản qua biên giới, trong khi đó, số xe chở hàng nông sản lên Lạng Sơn lại lên đến 500- 700 xe/ngày
Mặt khác do điều kiện bãi xe tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh cũng như bên phía Trung Quốc rất hạn chế nên không thể chứa được nhiều xe, vì vậy đã gây ra tình trạng dồn ứ. 
Đối với việc xe hàng “làm luật” để được ưu tiên sang trước như phản ánh của một số tài xế thì chị Ngân khẳng định: hiện nay, xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu Tân Thanh chỉ có một số chủng loại chính như: thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, chuối... Trong đó, có một số loại hàng không thể để lâu được. 
Do đó, những mặt hàng này khi đến cửa khẩu cần phải thông quan, xuất hàng ngay, nếu để lâu sẽ bị quá lứa, phía Trung Quốc sẽ không thu mua, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Vì vậy, mặc dù không có quy định cụ thể, nhưng các doanh nghiệp đều ngầm hiểu với nhau và các mặt hàng nhanh hỏng bao giờ cũng được ưu tiên xuất khẩu trước.
Từ trước đến nay chưa có ý kiến thắc mắc hoặc khiếu nại về việc này. Hơn nữa, số hàng theo diện này cũng không nhiều, trung bình mỗi ngày chỉ trên dưới 20 xe.
Tài xế ăn trưa ngay trên đường trong khi chờ được xuất hàng  
Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Tân Thanh- Đặng Nam Cao cũng khẳng định: không có chuyện ưu tiên cho xe xuất khẩu trước, xuất khẩu sau. Việc dồn ứ hàng nông sản là do hàng về quá nhiều, cửa khẩu Tân Thanh không đáp ứng nổi. Cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng luôn kiểm tra, kiểm soát, làm thủ tục cho người và phương tiện xuất hàng qua biên giới theo đúng thứ tự và luật định.
Dù vậy, vẫn có thể có một số cá nhân lợi dụng việc dồn ứ hàng nông sản đánh vào tâm lý sốt ruột của chủ hàng, lái xe khi phải chờ đợi để lừa đảo, mưu đồ trục lợi chứ chắc chắn không có tình trạng “làm luật”, ưu tiên cho xe xuất trước, xuất sau.
Trạm sẽ lưu ý về vấn đề này để cảnh báo đến các lái xe, doanh nghiệp có hàng xuất khẩu và có hình thức đấu tranh với hình thức lừa đảo, trục lợi mới này. 
Xe bị dồn ứ từ cổng kiểm soát số 1 ra đến tận ngã 3 Pác Luống
Do không tiêu thụ được nên giá dưa hấu tại một số nơi 4.500 -5000 đồng/kg đã tụt còn 1.000 đồng, thậm chí rẻ hơn nhưng vẫn không có người mua-ảnh: TT

Tính trung bình mỗi ngày có trên 500 xe dưa dồn về cửa khẩu Tân Thanh. Thế nhưng lượng hàng xuất, chỉ đạt khoảng 300 xe mỗi ngày, cộng với hàng hóa nông sản khác khoảng 100 xe khiến cho bến bãi Cửa khẩu Tân Thanh lúc nào cũng quá tải. Xe dưa hấu ùn ứ dồn về cửa khẩu dài hàng chục km.
Theo LSO
Tỉnh Lạng Sơn đã trao đổi với phía bạn đề nghị tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thông quan, giao dịch. Từ ngày 17.3 đã thống nhất thực hiện thời gian thông quan từ 7h00-21h00 hằng ngày.
Bộ Công thương cũng đã có công hàm gửi Thương vụ Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đề nghị bạn trao đổi với chính quyền địa phương bên Trung Quốc phối hợp với bên Việt Nam giải quyết việc ùn tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan, giao dịch hàng hóa.
Các cơn quan chức năng khuyến cáo các hiệp hội, ngành hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng dưa hấu cần chủ động điều tiết kế hoạch giao hàng và kế hoạch vận chuyển hàng lên các cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, tránh tình trạng tranh mua tranh bán, kéo theo sự thiệt hại về chất lượng hàng hóa cũng như bị đối tác ép giá.