Saturday, March 29, 2014

Gà bẩn đường hoàng vào siêu thị, nhà hàng lớn!

29/03/2014 - 12:11
Sản phẩm gia cầm không đảm bảo, đóng dấu kiểm dịch giả được bày bán trong nhiều siêu thị lớn tại Hà Nội hay các nhà hàng lớn trong một thời gian dài mà không được phát hiện.

Sản phẩm của cơ sở Minh Ngọc bán tại Big C Thăng Long.
Cách đây vài ngày, cơ quan chức năng đã phát hiện cơ sở kinh doanh gia cầm sạch Minh Ngọc (số 11A ngõ 312, đường Bạch Đằng, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) dùng con dấu kiểm dịch thú y giả để đóng lên các con gia cầm đã qua giết mổ. Toàn bộ gia cầm tại đây đều được lấy từ một lò mổ ở chợ đầu mối Bắc Thăng Long, không hề có dấu kiểm dịch thú y trước đó. Chuyện gà vịt “trắng” dấu kiểm dịch, hay dùng dấu giả không còn là lạ ở các chợ, song điều khiến nhiều người phải sốc là hiện nay nhiều siêu thị, nhà hàng lớn tại Hà Nội đang bán những sản phẩm docơ sở Minh Ngọc cung câps.

Theo báo Lao Động, cơ sở Minh Ngọc đã báo cáo với cơ quan chức năng mỗi ngày chỉ xuất bán khoảng 200kg gia cầm. Tuy nhiên, khảo sát tại nhiều siêu thị như thì lượng hàng được lưu thông còn lớn hơn nhiều. Chỉ riêng tại siêu thị Big C Thăng Long, các khay thịt gà đủ loại được bày rất nhiều, quầy hàng liên tục hết và được bổ sung ngay sau đó. Chưa kể tại một số nhà hàng, lượng gà tiêu thụ không dưới chục kg mỗi ngày cho một địa điểm.

Trong khi dịch gia cầm đang lan rộng và có diễn biến phức tạp, thậm chí đã có người tử vong vì căn bệnh này thì việc kiểm soát gia cầm tại các chợ bị buông lỏng đã đành, ngay tại các cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm có đăng ký đàng hoàng cũng bị bỏ ngỏ. Để rồi lúc nào “ngẫu hứng” kiểm tra là y như rằng đụng đâu trúng đó. Phần lớn hàng hóa ở đây chỉ được xác định là đủ tiêu chuẩn khi có hóa đơn chứng minh xuất xứ, nguồn gốc . Nếu chiểu theo trường hợp này thì rõ ràng siêu thị và nhà hàng đều có thể trình ra được xuất xứ của gia cầm là từ một cơ sở chế biến có đăng ký kinh doanh, có đăng ký chất lượng đàng hoàng, song họ cũng chẳng thể xác minh được rằng những con gia cầm ấy đã được kiểm dịch hay chưa, bởi những con dấu tím trên thịt gà đó chỉ có thể được giám định bởi cơ quan chức năng.

Không những dùng dấu kiểm dịch giả mà tem mác của Minh Ngọc có logo rất giống như của công ty chế biến thực CP, từ màu sắc cho đến kiểu chữ, khiến người tiêu dùng có thể bị nhầm lẫn nếu không đọc kỹ dòng chữ bé xíu ở phía dưới logo CP nổi bật. Quả thực, với tâm lý thông thường của người tiêu dùng, trong thời buổi chất lượng thực phẩm hỗn loạn như hiện nay thì chắc chắn những sản phẩm của một cơ sở chế biến tư nhân khó có thể đủ thuyết phục bằng hàng hóa của công ty chế biến lớn có quy trình khép kín, bởi vậy, chắc chắn một phần không nhỏ gà của Minh Ngọc được bán tốt là bởi do sự nhầm lẫn như vậy của người tiêu dùng. Tương tự, khi ăn ở nhà hàng chẳng mấy ai được nhìn thấy thịt chưa chế biến có sạch hay không mà chủ yếu dựa vào uy tín của nhà hàng.

Mà một kg gia cầm trôi nổi thường có giá chỉ bằng 2/3 so với thịt gia cầm được cung cấp bởi các trang trại nuôi có đăng ký hay sản phẩm đã được kiểm dịch. Nhìn lại, với chiêu thức nhầm nhèm hàng hóa như vậy thì khó có thể thống kê được lợi nhuận mà cơ sở Minh Ngọc có thể thu được khi mỗi ngày họ bán được vài trăm cân gia cầm suốt từ năm 2008 – khi được cấp phép kinh doanh gia cầm sạch. Đó là còn chưa kể nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng khi thịt gia cầm không đảm bảo chất lượng hoặc khả năng lây lan bệnh dịch ra cộng đồng.

Liên tiếp những vụ việc như rau trôi nổi lên đời thành rau sạch, nấm không rõ nguồn gốc thành hàng thương hiệu và nay là gà bẩn đội lốt gà kiểm dịch đã cho thấy không chỉ uy tín “sạch” của hệ thống siêu thị đang bị lung lay mà còn bộc lộ rõ những lỗ hổng trong quy trình giám sát hàng hóa của chính doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước.


Vĩ Thanh

No comments:

Post a Comment