Tự Do Cho Tù Nhân Lương Tâm và Xoá Bỏ Tra Tấn
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 16 tháng 2, 2014
Ngày Vận Động Cho Việt Nam 2014 vào cuối tháng 3 tới đây có nhiều mục tiêu. Thứ nhất là vận động cho Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam được thông qua Uỷ Ban Đối Ngoại của Thượng Viện. Thứ hai là cài các điều kiện nhân quyền vào cuộc thương thảo mậu dịch Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, hay TPP). Thứ ba là đòi tự do cho tù nhân lương tâm và bảo vệ họ để không bị tra tấn trong tù.
Hai mục tiêu đầu tôi đã có nhiều bài giải thích. Nơi đây tôi muốn nói về mục tiêu thứ ba. Còn mục tiêu thứ tư thì sẽ được trình bày trong một bài sau.
“Mỗi phái đoàn một tù nhân lương tâm”
Mỗi phái đoàn đến Hoa Thịnh Đốn trong hai ngày 26 và 27 tháng 8 sẽ được “gởi gắm” một hồ sơ tù nhân lương tâm để vận động khi gặp gỡ các dân biểu và thượng nghị sĩ của mình. Chúng tôi ước lượng sẽ có khoảng 50 - 60 phái đoàn. Và như vậy sẽ giúp được cho khoảng ngần ấy tù nhân lương tâm, gần phân nửa tổng số tù nhân lương tâm Việt Nam mà các tổ chức nhân quyền quốc tế đã công nhận.
Vận động có nghĩa là kêu gọi vị dân biểu hay thượng nghị sĩ can thiệp mạnh mẽ và liên tục cho người tù lương tâm để được tự do vô điều kiện và trong thời gian đang còn ở tù thì không bị tra tấn, đánh đập, ngược đãi.
Chúng tôi hiện đang huy động nhân lực để soạn hồ sơ về từng tù nhân lương tâm một để các phái đoàn nắm sẵn trong tay trước khi lên đường đến Hoa Thịnh Đốn.
Làm sao để can thiệp?
Triển vọng đẩy lùi TPP cho chúng ta cơ hội cài vào đó các điều kiện nhân quyền, và điều kiện nhân quyền hàng đầu là trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm.
Triển vọng này ngày càng trở thành hiện thực. Cách đây hai hôm Phó Tổng Thống Joe Biden, khi tham dự buổi họp mặt dã ngoại của các dân biểu Đảng Dân Chủ, đã thừa nhận rằng TPP hầu như không thể hoàn tất cho đến sau ngày bầu cử vào cuối năm nay. Lý do là không vị dân biểu Dân Chủ nào muốn chính thức ủng hộ TPP trong lúc này, phần lớn do áp lực của các công đoàn và phần nào của các tổ chức nông nghiệp và của giới bảo vệ môi sinh. Nếu không có được hậu thuẫn của khoảng 50 dân biểu Dân Chủ thì triển vọng để TPP được phê chuẩn rất mờ mịt. (Xem:http://www.nytimes.com/2014/02/15/us/politics/biden-remark-casts-doubt-on-pillar-of-us-trade-agenda.html?_r=0)
Sự trì hoãn này cho chúng ta thời gian và cơ hội để yêu cầu các vị dân biểu và thượng nghị sĩ, bên cạnh các vấn đề nhân quyền tổng quát, nêu lên mỗi người một hồ sơ tù nhân lương tâm để đòi hỏi Hành Pháp Hoa Kỳ can thiệp mỗi khi ngồi vào bàn thương thảo TPP với các giới chức Việt Nam.
Và Hành Pháp Hoa Kỳ sẽ hiểu rằng, nếu Việt Nam không giải quyết ổn thoả hồ sơ tù nhân lương tâm mà một vị dân biểu hay thượng nghị sĩ nêu lên thì triển vọng tranh thủ được lá phiếu của vị ấy cho TPP sẽ giảm đi. Hành Pháp Hoa Kỳ có động cơ và lý do để áp lực Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm, ít ra là cho số người đang được các thành viên Quốc Hội Hoa Kỳ lên tiếng can thiệp.
Ngăn chặn tra tấn và các hình thức ngược đãi
Chiến Dịch Xoá Bỏ Tra Tấn Ở Việt Nam được phát động ngày 16 tháng 1, 2014 là có lý do. Nó bổ túc cho chiến dịch đòi tự do cho tù nhân lương tâm: bảo vệ họ trong thời gian còn trong tù.
Muốn vậy, chúng ta cần theo dõi thật sát tình trạng của từng người tù lương tâm để khi có dấu hiệu bị đàn áp, tra tấn, ngược đãi thì lập tức vị dân biểu hay thượng nghị sĩ đỡ đầu được báo động để can thiệp. (Chúng tôi không dừng ở đây mà còn báo động cả cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, và các cơ quan Hoa Kỳ và LHQ hữu quan.)
Sự theo dõi liên tục này được thực hiện qua chương trình “kết nghĩa” với tù nhân lương tâm. Người “kết nghĩa” liên lạc thường xuyên với gia đình của tù nhân lương tâm và báo động ngay cho chúng tôi khi có dấu hiệu vi phạm nhân quyền của tù nhân lương tâm.
Lật thế cờ
Trong quá khứ, chúng ta đã bao lần chứng kiến sự kiện Việt Nam thả một bắt hai. Có dư luận cho rằng còn tệ hơn: bắt hai thả một, nghĩa là Việt Nam tích trữ tù nhân lương tâm làm món hàng đổi chác với quốc tế. Kế hoạch của chúng ta vô hiệu hoá mưu chước này, nếu quả thật đó là mưu chước của chế độ ở Việt Nam.
Trong kế hoạch của chúng ta, mỗi tù nhân lương tâm đều trở thành một nút chặn những quyền lợi mà chế độ đang cầu cạnh với Hoa Kỳ, qua TPP và rộng hơn. Cách độc nhất để tự giải thoát là chính họ tự tháo gỡ các nút chặn này. Thả một bắt hai hay thả hai bắt một đều phản tác dụng. Giam tù nhân lương tâm lâu cũng phản tác dụng. Hành hạ họ trong tù cũng phản tác dụng.
Chúng ta không bỏ sót một tù nhân lương tâm nào, mặc dù do nhu cầu chiến thuật của từng giai đoạn chúng ta chỉ nêu một ít trường hợp tiêu biểu để tạo chú ý, nhưng chú ý không phải riêng cho số trường hợp ấy thôi mà là cho tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Hồ sơ tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh được chọn để nêu lên tại buổi điều trần của Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos cách đây đúng một tháng là trong ý nghĩa ấy.
Khi chúng ta hành động có mục tiêu, có kế hoạch, có phối hợp thì triển vọng thành công sẽ tăng. Những tiến triển gần đây chứng minh điều này. Và cứ vậy chúng ta tiến bước.
Ghi danh tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam 2014:http://vdnqvn.com
Bài liên quan:
Chiến Dịch Đòi Tự Do Cho Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam:
Chiến Dịch Xoá Bỏ Tra Tấn Ở Việt Nam:
No comments:
Post a Comment