Sunday, February 16, 2014

35 năm trận chiến biên giới..nhìn từ bên kia bờ đại dương!

RFA- 16/02/2014         -Ngày 17/2/1979 Trung Quốc tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Ngày 14/2/2014, 74 nhân sĩ trí thức trong nước ra lời kêu gọi long trọng kỷ niệm ngày lịch sử này. Thế còn những người không có liên hệ lịch sử với nhà cầm quyền hiện nay nghĩ như thế nào về cuộc chiến tranh 35 năm trước? Kính Hòa ghi nhận một số ý kiến ở hải ngoại như sau.
Ngày 17/2/1979
Ông Phạm Văn Thành, người từng là thành viên Mặt trận Hoàng Cơ Minh chủ trương dùng vũ lực để lật đổ chế độ của đảng cộng sản, lúc ấy vừa mới vượt ngục tại Việt Nam nói với chúng tôi:
“Lúc đó những trại tù cải tạo ở phía Bắc rút dần về Nam. Chúng tôi có nhiều thân nhân là những người tù cải tạo, chúng tôi được biết là cuộc chiến tranh trên biên giới phía Bắc đã xảy ra. Tâm lý bấy giờ khi nghe cuộc chiến tranh ngoài miền Bắc thì cảm xúc không nhiều, cái cảm xúc rằng mình bị xúc phạm vì đất nước mình bị mất. Có thể là do cái lòng thù hận nó chi phối. Tôi nghĩ là tôi cần phải nói thật với lòng mình là tôi không có cảm xúc nhiều vì cái ảnh hưởng của cuộc chiến Nam Bắc từ những năm 1950, 1960 rồi đến 1975, nó còn ảnh hưởng quá nhiều đến những người như chúng tôi. Tôi nghĩ không phải chỉ riêng cá nhân tôi có một cái phản ứng, có một cái tâm lý là chúng tôi lạnh lùng, chúng tôi cảm thấy không xúc động.”
Một chuyên gia trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là ông Nguyễn Gia Kiểng vào năm 1979 lại được mới trả tự do khỏi tù cải tạo của chính quyền cộng sản lại có một cái nhìn khác:
“Lúc đầu năm 1979 thì tôi mới được trả tự do từ nhà tù ra. Cuộc chiến Campuchia đã bắt đầu rồi và các bạn bè tôi đều bàn tán là thế nào TQ cũng trả đũa VN. Và có những anh em chờ đợi chuyện đó với một chút phấn khởi, một chút vui mừng. Tôi nói với họ rằng lực lượng của TQ lớn lắm và mình nên lo sợ bởi vì TQ có cái văn hóa nông dân, văn hóa giành dân lấn đất, mà lực lượng VN lại dồn ở phía Nam rồi thì coi chừng mất phần biên giới. Về chuyện lãnh thổ đất đai thì mọi người VN chỉ là một thôi. Anh em có nói rằng thế còn Hoàng Sa, mà nói rất gây cấn. Có một ông Bộ trưởng xin không nhắc tên nói, cậu nói như thế nhưng mà khi TQ lấy Hoàng Sa thì tụi nó tức là Bắc Việt phản ứng như thế nào? Thì tôi mới trả lời là tụi nó là tụi nó, chúng mình là chúng mình. Đảng cộng sản có thể coi thường lợi ích của đất nước, nhưng các anh lại là những người đối lập với đảng cộng sản mà cũng nghĩ như thế thì là một thảm kịch cho đất nước này.
Tâm lý bấy giờ khi nghe cuộc chiến tranh ngoài miền Bắc thì cảm xúc không nhiều, cái cảm xúc rằng mình bị xúc phạm vì đất nước mình bị mất. Có thể là do cái lòng thù hận nó chi phối.
- Ông Phạm Văn Thành
Phải nói là những anh em tù lúc đấy có sự chia rẽ. Có những người như tôi lo lắng về sự mất mát, còn có những người lại đặt sự căm tức lên trên hết mà nói rằng hai thằng cộng sản nó đánh nhau thì việc gì mình phải lo lắng.”
Một người khác là ông Đỗ Hoàng Điềm vào năm 1979 là một thanh niên năm cuối bậc trung học tại Hoa Kỳ còn nhớ rất rõ thời điểm bùng nổ cuộc chiến:
“Lúc ấy tôi đang học năm cuối trung học sắp vào Đại học, tôi còn nhớ khá chi tiết thời điểm khi mà cuộc chiến tranh Việt Nam Trung quốc nổ ra. Tôi có một cảm giác tức giận khi nghĩ rằng quốc gia mình bị nước ngoài tấn công, nhất là đối với TQ nước mà chúng ta có một lịch sử đối đầu với họ hàng ngàn năm qua. Và đồng thời tôi cũng có một cảm giác mơ hồ rằng đảng cộng sản Việt Nam và đảng cộng sản TQ có liên hệ rất là chặt chẽ với nhau trước đó mà nay họ đánh nhau như vậy thì tức là nhà cầm quyền cộng sản Việt nam cũng tạo ra nguyên nhân của cuộc chiến đó.”
35 năm sau
35 năm sau ông Phạm Thành hiện sống tại Pháp nói rằng những cảm xúc năm xưa rất là tế nhị nhưng ông cần phải nói ra sự thật như thế, và nhìn lại cuộc chiến tranh năm xưa ông lại cảm thấy xót xa, và buồn lòng:
000_Hkg2116125-250.jpg
Cư dân ở các huyện biên giới phía Bắc, gần biên giới Lạng Sơn tìm nơi ẩn náu khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam hôm 17/2/1979. AFP photo
“Xót xa thưa anh, tôi theo dõi những trang FB của các anh em trong quốc nội. Có những tấm hình làm cho mình rất xót xa. Tôi bị ám ảnh bởi bức ảnh một cô gái ôm một đưa bé và trên một con đường mà tôi nghĩ là của chiến trận. Cái khuôn mặt ấy, cái bối cảnh làm cho tôi rất xót xa. Đối với tôi, đó là nỗi xót xa, sự kính phục, còn nỗi buồn thì mênh mông.”
35 năm sau ông Đỗ Hoàng Điềm là một trong những người đứng đầu một đảng chính trị của người Việt tại Hải ngoại là đảng Việt Tân. Ông nói với chúng tôi về những người lính ngã xuống tại biên giới phía bắc năm xưa:
“Ngày hôm nay với nửa cuộc đời đã trôi qua, khi nhìn lại thì tôi nói rằng một người lính Việt nam dù là quân đội nhân dân hay phục vụ dưới bất cứ chế độ nào, khi họ cầm súng bảo vệ Tổ quốc tôi không nghĩ là họ bảo vệ một chế độ nào hay một đảng cầm quyền nào cả. Tất cả đều hy sinh vì dân tộc, vì họ chống ngoại xâm. Và ngày hôm nay tất cả những người đó đều là những người anh hùng mà chúng ta cần vinh danh họ, đó là điều tôi cảm nhận rất rõ ngày hôm nay.
Chúng ta phải rút ra bài học này. Chúng ta có thể chia rẽ nhau nhưng mà trong việc giữ nước chúng ta phải là một. Tất cả những người lính đã ngã xuống vì Tổ quốc phải được tôn vinh.
- Ông Nguyễn Gia Kiểng
Và ông cũng thêm rằng:
“Điều thứ hai, thì cách đây 35 năm tôi chỉ cảm nhận mơ hồ cái trách nhiệm của nhà cầm quyền Việt Nam trong cuộc chiến đó, thì hôm nay với nhiều dữ kiện thì càng thấy rõ là những quyết định được nhà cầm quyền VN lấy sau năm 1975 đã góp phần đưa đến cuộc chiến đó, ví dụ như là đứng hẳn về phía phe Liên Xô chẳng hạn.”
Còn ông Nguyễn Gia Kiểng, một trong những người thành lập Tập hợp dân chủ đa nguyên, chủ trương phải thay đổi Việt Nam theo con đường đa nguyên bằng cuộc đấu tranh bất bạo động lại nói rằng:
“Chúng ta phải rút ra bài học này. Chúng ta có thể chia rẽ nhau nhưng mà trong việc giữ nước chúng ta phải là một. Tất cả những người lính đã ngã xuống vì Tổ quốc phải được tôn vinh. Trong suốt 40 năm qua chúng ta không may mắn trải qua một cuộc nội chiến nhưng mà có những lần chúng ta không có nội chiến mà lại chống xâm lược từ bên ngoài đó là trận chiến biên giới 17/2/1979, trận Hoàng Sa 1974 và Trường sa 1988.”
Như vậy dù rằng có nhiều quan điểm chính trị đối nghịch với nhà cầm quyền hiện nay tại Việt Nam, những người được chúng tôi hỏi chuyện trên đây cũng như nhiều ý kiến khác mà trong khuôn thời gian hạn hẹp chúng tôi không thể đưa hết lên đây đều đồng ý với nhau rằng những người lính ngã xuống tại biên giới phía Bắc cách đây 35 năm cần phải được vinh danh. Đó cũng là điều mà 74 nhân sĩ trí thức trong nước mong muốn trong tuyên bố của họ trước ngày kỷ niệm.
Buổi lễ kỷ niệm trận chiến Hoàng Sa tại Đà Nẵng dù chuẩn bị rất công phu đã bị bãi bỏ. Cũng có những đồn đoán rằng kỷ niệm trận chiến biên giới cũng chẳng có gì long trọng trong năm nay. Mọi người, trong và ngoài nước đang chờ câu trả lời vào ngày 17/2/2014.

No comments:

Post a Comment