Sunday, February 16, 2014

Điếng lòng với nạn “chặt chém” vô lương!

SM- 16/02/2014       -Dù nạn “chặt chém” du khách luôn diễn ra hàng năm, nhưng chưa năm nào đạo đức kinh doanh của người bán hàng lại bất chấp dư luận, lì lợm “làm liều” như năm nay. Điều này đã khiến một bát phở bình dân đội giá lên 200.000 đồng, gửi xe để vào chùa hay các điểm vui chơi giá 50.000 đồng…. và nhiều nữa các dịch vụ được chủ quán, người trông, kẻ bán hét giá cao gấp chục lần giá trị thực. Có thể nói, việc họ đang tâm “chặt chém” du khách bất chấp hậu quả, chẳng cần uy tín đã cho thấy sự bất thường trong xã hội, khi mà con người ta lờ mờ cảm nhận điều gì đó bất ổn sắp xảy đến, họ chẳng cần nghĩ gì xa xôi, chỉ cần “Sống cái đã!”.

Từ dịch vụ trông xe giá vài chục nghìn
Ví dụ dễ thấy và phổ biến nhất về nạn “chặt chém” có lẽ là dịch vụ trông giữ xe tại đền, chùa hay  những điểm vui chơi … Cứ vào những ngày lễ tết là các bãi giữ xe chính thức hay “bãi trông xe dù” lại được dịp “chém” khách “thả ga”. Nếu giá vé trông ngày thường chỉ từ 3.000 đồng – 5.000 đồng thì vào thời điểm này sẽ tăng lên 4 – 5 lần.
 
Không hiểu người Việt bây giờ “dễ tin nhau” quá hay họ cũng đang “phó mặc” số phận cho trời mà một mảnh giấy xé làm tư, với những con số nguệch ngoạc cũng có giá trị đại diện để người ta gửi gắm số tài sản hàng chục triệu đồng là chiếc chiếc xe máy vào đó. Vì vậy, rất có thể nghề trông xe không cần vốn, không quá mất sức, nhưng cần nhiều “độ gấu” để cạnh tranh địa bàn nên giá trông xe cũng chẳng có một chút lương tâm nào gọi là có.
 
 
Đơn cử như tết Nguyên đán Giáp Ngọ mới đây, hàng trăm người dân đã không khỏi sững sờ khi phải trả 50.000 đồng để gửi xe vào công viên Thống Nhất xem bắn pháo hoa lúc giao thừa. “Cửa vào công viên đông, thấy có chăng biển gửi xe ở ngoài, lại thấy có mấy chú mặc đồng phục, mình nghĩ đắt lắm thì cũng chỉ 20.000 đồng.Tuy nhiên khi xe đã yên vị trên vỉa hè đường Lê Duẩn đến khi nhận vé mình ngẩn cả người do anh trông xe hô giá 50.000 đồng/chiếc. Đến lúc này thì đã quá muộn để mình đổi ý bởi chẳng còn đường lùi, chỉ biết móc tiền ra trả và đứng nhìn những nạn nhân khác đang nối đuôi nhau tiến vào chỗ gửi xe”, bạn Linh ở Khương Trung chia sẻ. Dù đã cảnh giác không lao đến những địa điểm vui chơi chính như Hồ Gươm, hồ Tây nhưng có lẽ Linh và các bạn trẻ không ngờ vẫn bị “chém” trước thời khắc thiêng liêng. Một chút gợn nhẹ, chán nản vào giây phút giao thừa khiến màn pháo hoa cũng trở nên kém rực rỡ đối với những bạn trẻ này.
 
Đó chỉ là câu chuyện nhỏ nhưng thường gặp vào cuối năm, còn khi năm mới đã sang, lợi dụng tâm lý đầu Xuân ai lại cò kè thêm bớt đầu năm dễ “xúi quẩy” khi du xuân, hành lễ đền chùa thì tình trạng “chặt chém” diễn ra dày đặc hơn.  Tại Phủ Tây Hồ, những bãi trông xe có vé in dấu đỏ với dòng chữ Cục Thuế TP. Hà Nội, giá niêm yết 3.000 đồng, nhưng hàng nghìn lượt xe máy ra vào vẫn phải trả số tiền 10.000đ/xe và 5.000đ/xe mà không được ý kiến. Bởi một chút thắc mắc nhỏ là họ phải đón nhận những ánh mắt đe dọa của người trông giữ xe.
 
Không “mềm” như ở phủ Tây Hồ, tại những nơi như hội Lim (Từ Sơn, Bắc Ninh), Bia Bà (Hà Đông, Hà Nội) rồi chùa Hà, chùa Phúc Khánh, khu du lịch Suối Tiên (Q.9)  …. từ bãi xe chính cho đến những điểm trông giữ tự phát đều hét giá 20.000 – 30.000 đồng/ xe. Thậm chí, số tiền thu được trong những ngày này quá lớn, chỉ hai ngày đã có thể thu được 4 triệu đồng khiến nhiều cửa hàng dẹp kinh doanh chuyển sang trông giữ xe ngày lễ, tết.
 
Tại Royal City, dù khu trung tâm thương mại giải trí đang có chương trình miễn phí gửi xe từ thứ 2 – 5 (ngày cuối tuần 3.000 đồng/ xe máy) nhưng rất nhiều người dân vẫn “bị dụ” gửi xe ở những bãi trông xe tự phát gần đó với mức giá 20.000 đồng. Chỉ vì những lời chào mời lấy cho tiện dù cho chẳng gần và nhanh hơn được là bao so với việc gửi xe trong bãi mà độ an toàn thì không đảm bảo, nhưng nhiều người vẫn tặc lưỡi chấp nhận trở thành nạn nhân dịch vụ “trông giữ xe cao cấp” này.
 
Đến bát bún hay chuyến đò giá cũng vài trăm nghìn đồng
Không chỉ chuyện gửi gắm phương tiện, du khách nếu có tỉnh táo thoát được cửa vào thì họ sẽ lại phải đối diện với muôn vàn dịch vụ tưởng như “bình dân” nhưng lại phải trả những mức phí đắt đỏ. Từ mùng 2 đến khoảng mùng 10 Tết, hàng loạt quán ăn như bún ốc, bún riêu, phở bò … trở thành điểm đến của người dân sau những bữa ăn nhiều đạm ngày Tết. Tuy nhiên, tưởng đây là thú ẩm thực “chống ngán” ngày Xuân thì hóa ra những bát phở, bát bún bắt mắt, thơm ngon lại còn khiến nhiều khách ngã ngửa, ngán ngẩm hơn vì bị chủ quản ngang nhiên “móc túi” khi thản nhiên hét giá mỗi bát 100.000 đồng.
Phản ánh trên Vietnamnet, một đoàn khách đã phải chi tới 4,8 triệu đồng cho 22 bát phở xào và phở nước (cùng 20 cốc nước giá 400.000 đồng và 1 chai nước lọc 10.000 đồng). Lý giải cho việc giá cao ngất ngưởng đó, nhà hàng lấy lý do nguyên liệu được sử dụng rất “đặc biệt”, rồi vì ngày lễ tết nên giá phục vụ khác …. Ăn đã thế uống cũng chẳng kém cạnh, du khách khát nước trót mua dừa để uống liền bị chém đẹp 175.000 đồng/quả; 35.000 đồng/cốc nước mía. Điều đáng nói là tất cả những điều đó khách hàng phải đón nhận trong sự hăm dọa, cười nhạt của chủ quán – trạng thái khác hắn so với sự hân hoan đôn đả lúc đầu.
 
 
Với những kiểu làm dịch vụ như hiện tại, có thể thấy, người bán hàng cũng chẳng thiết đến hai chữ uy tín hay chất lượng mà chỉ như “con thú vồ mồi”, lừa được ai vào bẫy là “chém”, miễn là lấy được tiền bằng mọi thủ đoạn từ ngọt nhạt đến hăm dọa, vậy thì cũng không hiểu du lịch Việt Nam sẽ loay hoay phát triển thế nào khi người Việt với người Việt còn như vậy.
 
Điều đáng ngại là dù bị lên án nhưng người bán hàng cũng không mấy quan tâm, hình như cũng giống như thực trạng thực phẩm bẩn đang hoành hành, người nào cũng sản xuất ra thực phẩm không an toàn và không dám ăn thứ đồ mình bán, nhưng lại hy vọng đi mua được những loại thực phẩm sạch do người khác làm ra. Vậy là ai cũng hy vọng vào lương tri người khác nhưng bản thân lại đang tâm “tẩm độc”, “chặt chém” đồng loại. Cái vòng luẩn quẩn này sẽ càng khó thoát ra khi kinh tế ngày càng trở nên khó khăn. Cho dù các con số dự báo về tình hình năm mới có đẹp nhưng chỉ cần nhìn đám đông trẩy hội, đi chùa, biết là “chặt chém” nhưng vẫn lao vào như “thiêu thân” chỉ để cầu khấn, mong mỏi mơ hồ dù biết khó thành hiện thực là đủ hiểu người ta đã kiệt quệ “niềm tin” đến đâu.
 

No comments:

Post a Comment