Sunday, February 16, 2014

Philippines đòi tòa án quốc tế xử “đường lưỡi bò”


Nước này đang hoàn tất các đệ trình cuối cùng tới tòa trọng tài quốc tế để chứng minh ”đường lưỡi bò” của TQ là vô căn cứ.
5 luật sư Anh và Mỹ đại diện cho Philippines đang hoàn tất các đệ trình cuối cùng tới tòa trọng tài quốc tế trước hạn chót 30/3 để chứng minh tuyên bố của Trung Quốc về”đường lưỡi bò” là vô căn cứ, không có hiệu lực theo Công ước của LHQ về luật biển.
Biển Đông, Trung Quốc, chủ quyền, đường lưỡi bò
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bài phát biểu trước các thành viên quốc hội Indonesia tại Jakarta ngày 3/10/2013. Ảnh: Reuters
Diễn biến xoay quanh vụ kiện của Philippines đang được Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế ở The Hague, Hà Lan thụ lý.
Philippines đã đưa tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở biển Đông ra trọng tài quốc tế phân xử theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo New York Times hồi đầu tháng 2, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã so sánh các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với Đức vào năm 1938.
Ông Aquino nói: "Thế giới cần phải lên tiếng. Hãy nhớ rằng, Sudetenland (vùng đất của Tiệp Khắc cũ, nay thuộc CH Séc, nơi có đa số người Đức sinh sống - PV) từng được hiến tặng trong một nỗ lực nhằm dỗ dành Hitler ngăn chặn Thế chiến II bùng phát".
Bắc Kinh đã gọi cách so sánh này là sự sỉ nhục.
Bất chấp việc các nước láng giềng vẫn chưa có biện pháp chống đối bằng vũ lực trước những hành động được coi là gây hấn gần đây của Trung Quốc (điều tàu đổ bộ và tàu khu trục tiến vào khu vực bãi đá ngầm James đang tranh chấp với Malaysia hay lập căn cứ cho một tàu tuần tra dân sự 5.000 tấn ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, …), Bắc Kinh tỏ ra đề phòng vụ kiện đang được Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế ở The Hague, Hà Lan thụ lý.
Các luật sư của Philippines từng chỉ ra rằng, tòa trọng tài quốc tế đã ra những quy định cho phép các nước khác ứng dụng để can thiệp và tham gia vào vụ tranh tụng.
Trong khi đó, Trung Quốc đang từ chối tham gia và đã khuyến cáo Việt Nam không nên tham gia vào vụ kiện.
Biển Đông, Trung Quốc, chủ quyền, đường lưỡi bò
Tàu đổ bộ “khủng” Jinggangshan của hải quân Trung Quốc ở biển Đông. Ảnh: China Daily Mail
Ông Carl Thayer, chuyên gia về biển Đông tại Học viện quốc phòng Australia tin rằng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra một trong những cảnh báo trong chuyến công du Hà Nội hồi tháng 9 năm ngoái.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị không bình luận trực tiếp về áp lực của Trung Quốc, kể cả các khuyến cáo cụ thể từ ông Vương, nhưng khẳng định với hãng thông tấn Reuters rằng, Hà Nội đang theo dõi chặt chẽ các động thái pháp lý của Manila.
Khi được hỏi liệu Việt Nam đã quyết định có tham gia vụ kiện hay không, ông Nghị tái nhắc lại các tuyên bố trước đây rằng, Việt Nam sẽ áp dụng “mọi biện pháp hòa bình cần thiết và thích hợp” nhằm bảo vệ chủ quyền và các lợi ích quốc gia.
Các quan chức khác của Việt Nam cho biết thêm, mặc dù ít có khả năng Việt Nam sẽ tham gia vụ kiện do mối quan hệ gần gũi và phức tạp với Trung Quốc, họ đang cẩn thận xem xét các diễn tiến, kể cả tham vấn với các chuyên gia luật nước ngoài.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying tái lặp lại các phản đối của nước này đối với hành động của Philippines cũng như tuyên bố, Trung Quốc và Việt Nam đã đạt “một nhất trí quan trọng” về cách giải quyết tranh chấp ở biển Đông.
Giới chức Mỹ tuần trước tiếp tục đưa ra những tuyên bố nêu rõ quan điểm đứng về phía Philippines - nước mà Mỹ có hiệp ước phòng thủ chung.
Đô đốc Samuel Locklear - người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ và Daniel Russel - Thứ trưởng Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, đều lên tiếng ủng hộ hành động của Philippines trong việc tìm kiếm một giải pháp hợp pháp, hòa bình.
Trước những diễn biến đang khiến vụ kiện chống Trung Quốc ở biển Đông “nóng” lên, giới phân tích nhận định, bất kỳ phán quyết cuối cùng nào của tòa án về vụ tranh chấp, một trong những điểm nóng căng thẳng nhất ở châu Á hiện nay, khó có thể được thực hiện, nhưng sẽ có ảnh hưởng chính trị và đạo đức rất lớn.
"Nếu nhiều nước, bao gồm cả các quốc gia thành viên ASEAN, lên tiếng ủng hộ việc áp dụng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp, Bắc Kinh có thể kết luận rằng, coi thường phán quyết của tòa án là quá tai hại, ngay cả khi đường 'lưỡi bò' của Trung Quốc ở khu vực biển Đông được phát hiện là bất hợp pháp", chuyên gia Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, Mỹ, cho hay.
Tuấn Anh (Theo Reuters)

No comments:

Post a Comment