Sunday, February 16, 2014

Tín dụng tăng trưởng ì ạch..doanh nghiệp đói vốn sản xuất!

SM- 16/02/2014       -Bất chấp việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay trong tháng 1/2014 đã trực tiếp chỉ đạo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm thúc đẩy cho vay sản xuất kinh doanh và ngăn chặn tín dụng đen trên thị trường, song dòng tín dụng vẫn nghẽn và doanh nghiệp vẫn than đói vốn sản xuất.


Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn bế tắc trong việc tiếp cận vốn vay sản xuất
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố hôm 14/2, tính đến ngày 20/1, tín dụng cả nền kinh tế ước giảm 1,21% so với cuối năm 2013. Thông thường đầu năm vẫn là khoảng thời giản các doanh nghiệp mới bước vào giai đoạn chuẩn bị các hợp đồng dự án nên ngân hàng chưa giải ngân được nhiều. Tuy nhiên, nếu so với mức giảm của cùng kỳ năm 2013 (giảm 1,06%) thì tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2014 ì ạch hơn. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy dòng tín dụng đang bị nghẽn lại, đe dọa khả năng phục hồi của các doanh nghiệp vốn đang “chết lả” sau “một năm kinh tế buồn”.
 
Hơn nữa, mặc dù báo cáo của NHNN cho thấy mặt bằng lãi suất chung trong thời gian qua đã dễ thở hơn, nhưng theo các chuyên gia kinh tế lãi suất thực tế chỉ giảm ở kỳ ngạn ngắn và với một số lĩnh vực ưu tiên. Do đó, việc tiếp cận với vốn vay trong thời điểm hiện tại với các doanh nghiệp vẫn đang là nhiệm vụ bất khả thi.
 
Ngoài ra, theo TS Trần Du Lịch hiện đang có tình trạng ngân hàng huy động vốn ngắn hạn 1, 2 tháng để chuyển sang cho vay trung và dài hạn nên lãi suất cho vay kỳ hạn trung và dài hạn vẫn còn quá cao gây khó cho các doanh nghiệp khi muốn tiếp cận vốn vay để tái đầu tư, tái sản xuất.
 
Đồng quan điểm với TS. Trần Du Lịch, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết: Hiện doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm tới hơn 90% tống số doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian qua, họ vẫn liên tục gặp khó trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trước tình trạng nghẽn tín dụng này, ông Nam cho rằng các ngân hàng cần thay đổi cái nhìn đối với những đối tượng doanh nghiệp này vì nếu cứ “chăm chăm” nhìn vào tài sản thế chấp sẽ rất khó để giải quyết nhu cầu vay vốn. Trong khi đó, nếu cứ tập trung vào những “ông lớn” mà bỏ qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đồng nghĩa với việc “giết chết” hàng trăm ngàn công ăn việc làm của các người lao động, đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế nói chung.
 
Thực tế, có thể thấy, năm 2013 là một năm cám cảnh cho các doanh nghiệp Việt Nam với khoảng 60.737 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động, tăng 12% so với năm trước. Điều đáng nói là mặc dù số lượng các doanh nghiệp “chết” tăng cao hơn năm trước nhưng GDP 2013 vẫn tăng cao hơn năm 2012 đã khiến nhiều chuyên gia kinh tế không khỏi băn khoăn.
 
Phát biểu tại buổi tọa đàm với hơn 600 doanh nhân trẻ diễn ra hồi trung tuần tháng 1/2014, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhấn mạnh con số 61 ngàn doanh nghiệp “đóng cửa” là một thực trạng vô cùng “nhức nhối” và “đau lòng”. Bởi đây là một dấu hiệu cho thấy căn bệnh chết hàng loạt của các doanh nghiệp sẽ không chỉ dừng lại ở những doanh nghiệp vừa và nhỏ mà sẽ tiếp tục lan sang các doanh nghiệp khá hơn nếu không có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
 

No comments:

Post a Comment