HÀ NỘI (NV) – Tổ chức Ân Xá Quốc Tế tố cáo nhà cầm quyền CSVN tiếp tục tra tấn tù nhân dù đã ký vào Công ước Quốc Tế về Chống Tra Tấn từ ba năm trước.
Trong 10 tháng đầu bị cầm tù với bản án 5 năm tù giam, Dar, một người Thượng, kể rằng ông đã bị biệt giam trong một cái phòng giam nhỏ xíu, không có ánh sáng lọt vào và hoàn toàn im vắng. Hai tháng đầu tiên thì ngày nào cũng bị lôi đi thẩm vấn và đánh đập.
Lý do ông bị bắt là đã tổ chức biểu tình đòi nhà cầm quyền trả lại đất canh tác truyền thống cũng như đòi quyền tự do tôn giáo. Ba tháng đầu, gia đình của ông Dar tưởng ông đã bị nhà cầm quyền giết chết rồi quảng xác vào rừng. Ông đã bị lôi ra tòa kết án mà không có luật sư đại diện cũng khư gia đình ông không được tham dự, quan sát.
Theo ông kể lại, khi bị thẩm vấn, ông đã bị đánh bằng gậy, bị đá, bị đấm. Ông bị tra tấn bằng roi điện và có khi còn bị lấy giấy đốt dọc theo chân làm cháy da. Không chỉ có vậy, ông còn bị treo lên trần nhà để đám công an đánh. Các trận đòn có khi diễn ra giữa đêm khuya.
Ðây là một trong những thí dụ được nêu ra khi Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế công bố một bản phúc trình có tựa đề, “Các nhà tù bên trong các nhà tù: Tra tấn và đối xử tồi tệ với tù nhân lương tâm tại Việt Nam.”
Tra tấn tù nhân nhằm ép cung là chuyện phổ biến trong chế độ “dân chủ đến thế là cùng” (theo lời ông Tổng Bí Thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng). Ngay như Bộ Công An của chế độ từng công nhận hàng trăm tù nhân đã chết trong khi mới bị tạm giam để điều tra tại Việt Nam. Phần lớn vu cho họ “tự tử” nhưng thật sự đó chỉ là sự ngụy tạo để che đậy hành vi tra tấn chết người của công an.
Ðể có thể có bản tường trình đặc biệt về chế độ tù đày và tra tấn tù nhân của CSVN, Ân Xá Quốc Tế đã phỏng vấn rất nhiều cựu tù nhân lương tâm qua điện thoại.
“Bất kể gốc gác họ là những ai, một số có thể là luật sư, một số có thể là bloggers, nhưng trên hết, họ đều bị bắt bỏ tù vì cùng một lý do là thách đố quyền cai trị và lợi ích của đảng Cộng Sản.” Ông John Coughlan, một chuyên viên nghiên cứu về nhân quyền tại Việt Nam, Lào và Cambodia nói với báo Úc News Corps Australia.
“Hiện đang có 84 tù nhân lương tâm trong các nhà tù của Việt Nam mà đây chỉ là con số ước lượng dè dặt. Những cá nhân này, những người bảo vệ nhân quyền và vận động ôn hòa này thường xuyên bị đánh đập và hành hung dã man ngay ở trên đường phố bởi những kẻ mặc thường phục được hiểu là công an.” Ông nói.
Nhiều tù nhân lương tâm cho Ân Xá Quốc Tế hay qua các cuộc phỏng vấn rằng họ đã bị tra tấn dữ dội trong giai đoạn mới bị tạm giam khi công an của chế độ muốn ép cung để người ta bị đau quá mà phải “nhận tội” để đỡ bị đánh tiếp.
Châu Heng, một người đòi đất bị nhà cầm quyền cướp đoạt kể với Ân Xá Quốc Tế về chuyện ông đã bị đánh dã man thế nào khi mới bị tạm giam. Ông cho hay trước khi bị lôi ra tòa kết án, ông đã bị tra tấn đến bất tỉnh nhiều lần. Thêm nữa, đã hai lần ông bị chích một thứ thuốc gì đó đã làm ông mất trí nhớ, bất tỉnh và không thể nói hay nghĩ bình thường rõ rệt.
Khi ông được đưa tới gặp một bác sĩ trong nhà tù, ông há mồm ra rồi chỉ cho biết ông không thể nói được.
“Tên bác sĩ đánh vào mồm tôi với một vật cứng bằng cao su hình tròn. Hắn đánh gẫy hàm răng của tôi, gồm cả răng khôn. Tôi mất rất nhiều máu và bất tỉnh.” Ông Heng kể.
Một cựu tù nhân khác tên Lu nói rằng ông đã bị tra tấn hành hung liên tục trong sốt 4 tháng tạm giam. Ân Xá Quốc Tế kể lại rằng ông này rất nhiều lần bị tra tấn đến ngất xỉu và còn ép ông ăn phần cơm thừa của chó bỏ lại.
Theo Ân Xá Quốc Tế, khi các tù nhân lương tâm không bị biệt giam và giam chung với các tù nhân khác thì họ lại trở thành đối tượng để cho các tù nhân thường phạm khác ức hiếp, đánh đập. Một số cựu tù chính trị cho hay họ bị giam chung với rất nhiều người trong một phòng giam nhỏ. Trong đó, có những tên tù được dùng làm “ăng-ten” cho cai tù, báo cáo những hành vị của tù chính trị để họ bị cai tù đánh đập.
Có tất cả 18 cựu tù nhân lương tâm ở Việt Nam được Ân Xá Quốc Tế phỏng vấn để viết bản tường trình đặc biệt nói trên.
“Việt Nam nên nhân cơ hội đã ký vào Công ước Quốc tế về Chống Tra Tấn để thay đổi luật hình sự và Luật Tố tụng Hình Sự.” Rafendi Djamin, giám đốc khu vực Ðông Nam Á và Thái Bình Dương của Ân Xá Quốc tế nói trong một bản tuyên bố hôm Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016, “Bây giờ là lúc phải làm tốt cái cam kết quốc tế bằng cách đưa những kẻ (công an) đã tra tấn và có các hành động tồi tệ khác ra xét xử. Ðồng thời phải bảo đảm rằng chấm dứt những hành động đó.”(TN)
No comments:
Post a Comment