Theo NLĐO-13/07/2016 22:42
Giới chuyên gia cảnh báo với tình trạng xả thải vô tội vạ hiện nay, sông Hậu sẽ gánh thêm nhiều chất thải độc hại do các công trình “hoành tráng” ven sông sắp mọc lên
Thời gian qua, dư luận phản đối mạnh mẽ dự án Nhà máy Giấy Lee & Man (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) vì lo ngại nhà máy này đi vào hoạt động sẽ xả thải gây ô nhiễm sông Hậu. Nhưng không chỉ có Lee & Man, sự xuất hiện ngày càng dày đặc những nhà máy trong và ngoài KCN ven sông Hậu khiến dòng sông ngọt lành này có nguy cơ bị ô nhiễm nặng.
Lén lút xả thải
TP Cần Thơ hiện có 8 KCN với tổng diện tích 2.267 ha. Trong đó, 6 KCN với 225 nhà máy nằm sát sông Hậu đã đi vào hoạt động gồm: Trà Nóc 1, Trà Nóc 2, Thốt Nốt, Hưng Phú 1, Hưng Phú 2 và Hưng Phú 2B. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có KCN Trà Nóc 1 (112 nhà máy) và Trà Nóc 2 (50 nhà máy) là có nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 6.000 m3/ngày đêm.
Sông Hậu ngày càng bị ô nhiễm do nhiều nhà máy mọc lên ven sông Ảnh: NGỌC TRINH
Hậu quả là thời gian qua, do “bỏ quên” khâu xử lý chất thải, nhiều nhà máy lén lút xả thải trực tiếp ra sông Hậu. Một trong những vụ vi phạm điển hình xảy ra tại Công ty TNHH Phương Duy (KCN Trà Nóc 2). Khuya 4-9-2015, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP Cần Thơ bắt quả tang công nhân Công ty Phương Duy cho công nhân dùng ghe gắn động cơ vận chuyển chất thải rắn màu đen, đựng trong túi lưới 2 lớp thả xuống rạch Cái Chôm để thải ra sông Hậu. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện công ty này đặt đường ống dưới nền gạch rồi bơm chất thải vào túi lưới đặt sẵn dưới lườn ghe để kéo đi đổ. PC49 - Công an TP Cần Thơ nhận định đây là thủ đoạn đầu độc môi trường tinh vi, rất khó phát hiện.
Gần đây nhất, tối 16-5, PC49 - Công an TP Cần Thơ bắt quả tang Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Huy Việt - Tây Đô (KCN Trà Nóc 2) xả thải trực tiếp ra sông Hậu. Nhà máy này lắp đặt đường ống kim loại đấu nối với đường ống nhựa đặt chìm dưới sông. Hằng ngày, canh lúc thủy triều xuống, công ty cho người kéo đầu ống nhựa lên lắp vào ống kim loại, sau đó vận hành máy bơm nước để xả nước thải trực tiếp từ hồ chứa không qua xử lý ra sông Hậu. Trung bình, thời gian thực hiện xả thải kéo dài từ 90 phút đến 120 phút/ngày. Với hành vi vi phạm nghiêm trọng này, đầu tháng 7 vừa qua, UBND TP Cần Thơ ra quyết định xử phạt Công ty Huy Việt - Tây Đô 860 triệu đồng.
Mối nguy từ những công trình “hoành tráng”
Giới chuyên gia cảnh báo cùng với tình trạng xả thải vô tội vạ hiện nay, sông Hậu sẽ gánh thêm nhiều chất thải độc hại do các công trình “hoành tráng” ven sông sắp mọc lên.
PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậuthuộc Trường ĐH Cần Thơ, cho biết dọc theo sông Hậu đã và đang hình thành một loạt nhà máy nhiệt điện như: nhà máy nhiệt điện chạy dầu ở Trà Nóc - TP Cần Thơ, nhà máy nhiệt điện chạy than của Lee & Man, 4 nhà máy nhiệt điện than Duyên Hải - tỉnh Trà Vinh, nhà máy nhiệt điện than đang xây dựng ở Long Phú - tỉnh Sóc Trăng... “Tất cả các cụm nhà máy nhiệt điện này sẽ thải ra một lượng khí thải khổng lồ, gồm CO2, nitơ oxit (NOx), các vi hạt rắn lơ lửng (PM 10, PM 2.5) và khí sulfur dioxide (SO2). Cộng thêm đó là khói bụi, tiếng ồn và kim loại nặng bay hơi, đe dọa sức khỏe cộng đồng dân cư, tăng biến đổi khí hậu” - PGS-TS Tuấn khuyến cáo.
Bên cạnh đó, tại TP Cần Thơ, đang có 1 dự án sân golf nằm giữa thượng và hạ nguồn sông Hậu (dưới chân cầu Cần Thơ), chỉ cách Nhà máy Giấy Lee & Man khoảng 15 km đường sông. Theo ông Tuấn, sân golf này sẽ dùng rất nhiều loại thuốc trừ sâu, thuốc trừ nấm, thuốc trừ cây cỏ dại và phải rải rất nhiều phân bón hóa học. Các độc chất này sẽ theo lượng nước tưới tiêu đi vào lòng đất và tràn xuống sông Hậu hòa lẫn với các chất ô nhiễm khác. Nguy cơ hủy diệt hệ thủy sinh tự nhiên sẽ rất cao.
Cũng như Nhà máy Giấy Lee & Man, dư luận đang rất lo ngại về dự án sân golf này tác động xấu đến môi trường, nguồn nước sông Hậu. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, dự án sân golf trước đây được quy hoạch ở quận Bình Thủy, sau đó chuyển về cồn Ấu thuộc quận Cái Răng. Trước băn khoăn của dư luận, ông Hải nói: “Từ đây đến cuối năm, chúng tôi sẽ lên lịch đi kiểm tra dự án này”.
Ô nhiễm gấp 5-6 lần
Theo một nghiên cứu của Trường ĐH Cần Thơ, tại rạch Sang Trắng 1, cách KCN Trà Nóc 2 khoảng 200 m (nơi tiếp nhận nước thải trực tiếp thải ra sông Hậu), hàm lượng COD (mức độ hiện diện chất hữu cơ trong nước) vượt chuẩn cho phép từ 5-6 lần. Trong khi đó ở rạch Sang Trắng 2, nơi cách xa KCN hơn thì hàm lượng hữu cơ vượt tiêu chuẩn 4-6 lần. Mười năm qua, người dân không thể lấy nước sinh hoạt từ 2 con rạch này do bị ô nhiễm nghiêm trọng.
CA LINH
No comments:
Post a Comment