Điều này đi ngược lại với những toan tính của chính quyền CSVN, khi họ đang khuyên dân chấp nhận 500 triệu USD đền bù, tạo điều kiện để cho nhà máy Formosa hoạt động trở lại trong tương lai. Đây là một tình thế nan giải, cho đến nay cả dân tộc Việt Nam vẫn chưa tìm ra cách giải quyết.
Anh C., một chuyên gia luyện kim độc lập với 30 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ thép tại Việt Nam, nói với SBTN rằng chính quyền vẫn chưa công bố cụ thể sự thật về Formosa đã hủy hoại môi trường biển như thế nào. Những tuyên bố mới đây của các quan chức trong ngành thép về việc Formosa “đánh tráo công nghệ luyện cốc từ dập khô thành dập ướt”, thật ra hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc ô nhiễm nguồn biển, mà chỉ làm ô nhiễm không khí.
Anh nhấn mạnh việc Formosa đầu độc biển bằng những hóa chất có nguồn gốc từ đâu, sử dụng trong công đoạn nào của dây chuyền sản xuất… vẫn hoàn toàn bị bưng bít. Điều này đồng nghĩa với khi nhà máy này đi vào hoạt động chính thức trong tương lai, mức độ ô nhiễm sẽ còn tệ hại hơn rất nhiều.
Anh C. khách quan nhận định: "Sẽ không có chuyện Formosa đóng cửa nhà máy tại Hà Tĩnh. Họ đã đầu tư quá nhiều vào đây, và đặc biệt là họ đang có được sự ưu đãi quá lớn từ chính quyền CSVN từ thời điểm ký kết thỏa thuận dự án.
Nếu thực tâm muốn đóng cửa, thì sau khi Formosa đã nhận tội, chính quyền CSVN đã có thể làm điều này, với việc khởi kiện Formosa theo luật pháp quốc tế. Nhưng họ đã không làm. Dư luận đều cho rằng chắc hẳn có rất nhiều quan chức chóp bu hưởng lợi từ Formosa qua thỏa thuận đầu tư nhà máy này, và vì vậy việc đóng cửa nhà máy là điều khó có thể xảy ra."
Anh C. cũng cho rằng sẽ không có chuyện Formosa đầu tư thêm phần thiết bị để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường khi sản xuất như lời các lãnh đạo Formosa đã hứa.
"Một vài tỉ USD đầu tư thêm thiết bị là một con số lớn, nhưng đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Mấu chốt của vấn đề chính là ở chỗ chi phí sản xuất, dẫn đến giá thành của thép." - anh C. nói
Theo anh, để duy trì cho các thiết bị bảo vệ môi trường hoạt động, chi phí sản xuất sẽ bị đẩy lên cao. Giá thép bán ra sẽ không cạnh tranh được với sắt thép Trung Cộng. Đó là lý do tại sao Formosa chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy. Nếu sản xuất không bị ô nhiễm, thì họ không cần đến Việt Nam.
Điều này có nghĩa là nếu Formosa sản xuất trở lại và hứa “không ô nhiễm môi trường”, thì họ sẽ chỉ làm phù phép để cho sự ô nhiễm ở mức không bị phát hiện, nhưng hậu quả về lâu dài thì vẫn thế mà thôi.
Có lẽ cũng đã thấy được vấn đề nan giải này, cho nên chính quyền CSVN đã nhanh chóng thực hiện công tác “chuyển nghề” cho ngư dân, trong đó có đề nghị cho họ đi đánh cá thuê ở Đài Loan. Nỗi đau của ngư dân Việt Nam là ở chỗ đó, khi không thể đánh cá trên vùng biển của mình, mà phải đi làm thuê trên biển của quốc gia đã đầu độc biển quê hương.
Anh C. kết luận rằng Formosa chỉ là một nhiều dự án đã được quyết định sai lầm ngay từ đầu bởi chính quyền CSVN, khi mà những người ký kết dự án không đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên hàng đầu.
"Ngày hôm nay, khi đã chọn biển, người dân Việt Nam chỉ còn cách phải đấu tranh với chính quyền đến cùng, cho đến khi nào chính quyền buộc phải đóng cửa nhà máy Formosa mới thôi. Điều này rất khó xảy ra, nhưng đó là sự lựa chọn duy nhất." - anh C. khẳng định.
07/13/2016 - 15:01
Đoàn Hưng / SBTN
Đoàn Hưng / SBTN
No comments:
Post a Comment