Chân Như, phóng viên RFA 2016-07-13
Ông Phil Robertson, phó giám đốc tổ chức theo dõi nhân quyền khu vực Á Châu, trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do vào ngày 12 tháng 7 năm 2016. RFA
Nhân quyền tại Việt Nam ngày càng tồi tệ là nhận xét của ông Phil Robertson, phó giám đốc tổ chức theo dõi nhân quyền khu vực Á Châu, khi ông có mặt trong cuộc phỏng vấn tại thủ đô Washington vào hôm 12 tháng 7.
Chân Như: Rất vui được gặp lại ông hôm nay tại trụ sở của RFA. Trước hết, ông có những thông tin gì mới về tình hình nhân quyền tại Việt Nam không thưa ông, đặc biệt là sau chuyến công du Việt Nam của vị tổng thống Hoa Kỳ vừa rồi?
Chúng tôi thấy thêm nhiều người bị đánh, trong nhiều trường hợp, những côn đồ, theo chúng tôi nghĩ, có quan hệ với chính quyền ra tay hành hung những nhà hoạt động dân chủ.
- Ông Phil Robertson
Phil Robertson: Theo tôi, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Barack Obama rất đặc biệt, nhưng để nói nó có ảnh hưởng, giúp gì được cho nhân quyền tại Việt Nam thì chúng tôi thấy rất ít. Anh cũng biết ông ta đã được tự do đọc diễn văn, nói những gì ông ta muốn nói, nhưng sau đó ông ta cũng đã không làm gì khác được khi những người khách ông ta mời đến nói chuyện riêng đã không đến được bởi sự cản trở của công an.
Chúng tôi cũng thấy được sự quyết định quá nhanh chóng của chính quyền Hoa Kỳ khi họ đồng ý gỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí trong khi Hoa Kỳ đã không có một sự ép buộc gì với chính quyền Việt Nam về nhân quyền, một cơ hội tốt như thế đã bị bỏ mất, tôi cảm thấy thất vọng. Tôi biết là đã có rất nhiều chỉ trích ngay từ những nhà tranh đấu trong Việt Nam rằng chuyến đi vừa rồi của ông ta không giúp được gì cho tình hình nhân quyền được sáng sủa hơn. Và chính hành động này của Hoa Kỳ đã tạo cho Việt Nam hiểu chệch hướng về nhân quyền.
Chúng tôi rất lo ngại vì tình hình nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tồi tệ, không có tốt hơn. Chúng tôi thấy thêm nhiều người bị đánh, trong nhiều trường hợp, những côn đồ, theo chúng tôi nghĩ, có quan hệ với chính quyền ra tay hành hung những nhà hoạt động dân chủ. Điều này làm chúng tôi rất lo ngại vì nó có vẻ như là một chiến dịch mới, vô kỷ luật được chính quyền hậu thuẫn nhắm tới những nhà hoạt động dân chủ.
Chân Như: Ông vừa nhắc đến những côn đồ được chính quyền hậu thuẫn ra tay đàn áp người dân, ông có theo dõi và biết về vụ việc của anh Lã Việt Dũng vừa mới đây bị hành hung phải nhập viện hay không?
Phil Robertson: Đây là một trường hợp điển hình, khi chúng ta thấy anh Dũng đã có buổi sinh hoạt với bạn bè và bị hành hung một cách tàn nhẫn bởi những kẻ vô danh tánh trên đường về. Không ai chịu trách nhiệm về việc này… Ai cũng biết những côn đồ này có quan hệ với chính quyền nhưng lại không có bằng chứng. Anh ta có thể đến trình báo với công an, nhưng rồi công an sẽ hỏi vậy anh muốn chúng tôi làm gì?
Trong khi theo chúng tôi hiểu thì công an biết rõ ràng sự việc, và đây là cách đối phó mới của chính quyền với những nhà hoạt động dân chủ. Kiểu chính quyền nói: “Các anh muốn biểu tình? Tôi sẽ cho các anh trả giá bằng sự đàn áp, đánh đập” và chúng ta không làm gì được. Đây là cách chính quyền cố tình phớt lờ để đàn áp chính người dân của họ.
Chúng tôi rất lo ngại những sự việc này và chúng tôi đang hối thúc chính phủ Hoa Kỳ và các chính phủ khác trên thế giới phải nêu vấn đề này với chính phủ Việt Nam và cho họ biết rằng chính quyền cần phải có cuộc điều tra thật sự về những trường hợp như thế này, bắt buộc hung thủ phải lãnh trách nhiệm. Nếu cứ để những trường hợp hành hung này diễn ra hàng tháng, biến Việt Nam thành một đất nước vô pháp luật, là một đất nước không đáng được nhận những lời tung hô mà mà họ đạt được về kinh tế và chính trị bởi những nước trên thế giới.
Chân Như: Theo ông thì trong bản báo cáo về nhân quyền tới đây, đâu là những vấn đề quan trọng ông sẽ đưa vào trong bản báo cho Việt Nam?
Phil Robertson: Chúng tôi vẫn tiếp tục buộc chính phủ Việt Nam phải nhìn nhận những điều luật như điều 79, điều 88, điều 258 trong bộ luật hình sự của quốc gia là những quy định mà người dân biết chính phủ đem ra sử dụng nó nhiều lần để cản trở người dân được quyền tụ họp, quyền biểu tình, nói lên những gì họ muốn nói.
Họ lại tiếp tục chỉnh sửa và tìm cách đưa thêm nhiều luật lệ để áp tải người dân. Ai cũng biết đây không phải là một quá trình làm việc dân chủ.
- Ông Phil Robertson
Chúng tôi đã thấy một chính quyền mà liên tục tạo thêm luật lệ để sẵn trong túi họ hầu mang ra để trị dân khi họ cần đến để nhằm hạn chế quyền của người dân. Nhưng giờ đây chúng ta lại thấy cách làm khác, đó là hành hung và hăm dọa, trước đó chỉ là hăm dọa hoặc quấy nhiễu bằng cách công an ở nơi đó mời người dân đi “café” để nói chuyện hoặc áp lực lên công ty họ đang làm việc, áp lực lên chủ nhà, áp lực ngay đến những người thân của họ trong gia đình để hầu buộc người đó từ bỏ con đường đấu tranh. Giờ thì chúng ta lại thấy cách mới của chính phủ đó là hành hung, hoặc ném chất dơ bẩn vào nhà của họ hoặc kích động một nhóm những cựu quân nhân đến gào thét trước cửa nhà họ kiểu sử dụng luật giang hồ để cản trở các nhà dân chủ trong khi những nhà đấu tranh này chỉ muốn nói lên những điều tốt muốn đất nước được tốt đẹp hơn thôi.
Chân Như: Câu hỏi cuối tôi muốn hỏi ông đó là ông nhận định sao về việc chính phủ Việt nam hoãn thi hành bộ luật hình sự 2015, mà đáng ra phải đưa vào xử dụng từ đầu tháng 7 này?
Phil Robertson: Theo tôi, họ lại tiếp tục chỉnh sửa và tìm cách đưa thêm nhiều luật lệ để áp tải người dân. Ai cũng biết đây không phải là một quá trình làm việc dân chủ. Chúng ta đã thấy một số người dân tự ứng cử vào quốc hội và đơn nộp của họ bị loại nên chúng ta có thể hiểu những người trong quốc hội Việt Nam chỉ là để làm màu, để chính phủ Việt Nam có cớ khi đưa ra bằng chứng với Liên Hiệp Quốc rằng họ cũng có dân chủ. Thật sự đây là luật do đảng và cho đảng và trước giờ chưa có gì thay đổi. Họ cũng vừa mới có cuộc bầu cử và loại một số người nhưng đó chỉ là để cho quốc tế thấy họ có dân chủ thôi.
Chân Như: Xin cám ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc chia sẻ này.
No comments:
Post a Comment