Phỏng vấn nhà nghiên cứu Biển Ðông, thạc sĩ Hoàng Việt
Nhật Bình/Người Việt
SÀI GÒN (NV) – Phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực Quốc Tế (PCA) tại The Hague, Hòa Lan hôm 12 Tháng Bảy chấp nhận đơn kiện của Philippines và tuyên bố bác bỏ “đường lưỡi bò” chín đoạn do Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Ðông.
Báo Người Việt có cuộc phỏng với nhà nghiên cứu các tranh chấp trên Biển Ðông, thạc sĩ Hoàng Việt. Ông Việt sinh năm 1971, hiện là giảng viên trường Ðại Học Luật ở Sài Gòn, đồng thời là thành viên Quỹ Nghiên Cứu Biển Ðông, kiêm cố vấn học thuật của Trung Tâm Dữ Liệu Hoàng Sa.
Nhật Bình/Người Việt (NV): Ông đánh giá thế nào về kết quả phiên tòa vừa diễn ra ở The Hague?
Thạc sĩ Hoàng Việt (HV): Tôi vui mừng khi Tòa Trọng Tài quốc tế đã ra phán quyết có lợi cho Philippines. Qua đó họ đã bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã ngang nhiên vẽ ra trên Biển Ðông và tự tuyên bố chủ quyền của mình trên khu vực này.
Tôi đánh giá cao tính công minh của phiên tòa, vì đây là phán quyết cuối cùng trong vụ kiện mà Philippines đã theo đuổi suốt mấy năm qua. Và kết quả phiên tòa mang tính ràng buộc đối với cả hai bên. Quyết định của Tòa không phải về chủ quyền mà về các quyền trên biển theo quy định của công ước quốc tế về luật Biển của Liên Hợp Quốc.
Công ước cung cấp cho tất cả các nước một khuôn khổ rõ ràng về việc sử dụng hợp pháp vùng biển, tạo thuận lợi cho thương mại mở và tự do, kể cả các quyền đã được xác lập về tự do hàng hải và hàng không.
NV: Ngay lập tức sau kết quả phiên tòa, Trung Quốc đã bác bỏ mọi phán quyết của Tòa Trọng Tài và nói “phán quyết đó không có ảnh hưởng gì đến nước này.” Ông nghĩ gì về lời tuyên bố này?
HV: Trước hết, không lạ gì về cách phản ứng của Trung Quốc. Vì bấy lâu nay họ vẫn thể hiện thái độ bành trướng, thách thức tất cả các nước có liên quan đến Biển Ðông như vậy.
Với tuyên bố xem thường phán quyết của Tòa, Bắc Kinh càng chứng minh chính sách của mình đã nêu từ trước đến nay, là chính sách ba không: không công nhận trọng tài, không tham gia và không thực thi phán quyết của trọng tài, như vậy Trung Quốc tự đặt mình ra ngoài vòng pháp luật quốc tế.
Mặc dù không có chế tài để ép buộc Trung Quốc thực hiện, nhưng mọi phán quyết khi được đưa ra gián tiếp sẽ là thông điệp gửi tới toàn thế giới đâu là đúng, đâu là sai? Các quốc gia trên thế giới có thể có cơ hội để chọn lựa quan điểm của mình. Tôi tin là phần lớn quan điểm của các quốc gia là sẽ đứng về luật pháp quốc tế như phán quyết của Tòa Trọng Tài.
Từ khi được thành lập cho đến nay, Liên Hợp Quốc không có “chế tài cứng” thực hiện phán quyết của tòa án, nhưng họ vẫn luôn có “chế tài mềm,” đó là là dư luận, là hình ảnh, uy tín của một quốc gia trên thế giới. Trung Quốc có thể hiểu điều đó hơn ai hết, có thể họ sẽ điều chỉnh trong tương lai nếu họ thực sự muốn trở thành một cường quốc được các quốc gia khác tôn trọng.
NV: Từ trước đến nay Việt Nam vẫn luôn tuyên bố chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc vùng tranh chấp ở Biển Ðông mà Trung Quốc luôn bác bỏ. Theo ông thì kết quả phiên tòa này có ảnh hưởng gì đến tuyên bố chủ quyền của Việt Nam?.
HV: Kết luận của Tòa đã chỉ rõ rằng, “Trung Quốc không có bất cứ một cơ sở pháp lý nào để chứng minh vùng biển nằm trong ‘đường lưỡi bò’ là thuộc chủ quyền của mình.” Qua đó nó cũng giúp làm sáng tỏ và thu hẹp các vùng biển đang tranh chấp trong vùng “lưỡi bò” trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Như vậy rõ ràng Việt Nam có đã được hưởng lợi từ khía cạnh pháp lý này. Nếu so sánh thì thấy các hành động của Trung Quốc với Philippines cũng tương tự với Việt Nam, đều liên quan đến nghề cá, dầu khí, xây dựng đảo nhân tạo, cũng cố tình đâm tàu cá trên biển và phá hủy môi trường. Về cơ bản các hành vi của Trung Quốc bị Philippines khởi kiện cũng khá tương đồng với những gì Việt Nam đang phải gánh chịu.
NV: Qua vụ Philippines kiện của Trung Quốc, ông có nghĩ là Việt Nam cũng nên có một cuộc khởi kiện như thế không?
HV: Bấy lâu nay Việt Nam vẫn luôn theo chính sách “đàm phán” ngoại giao với Trung Quốc mỗi khi có xảy ra tranh chấp. Ðây là một biện pháp hướng tới duy trì ổn định hòa bình trên khu vực biển tranh chấp. Tuy nhiên khi biện pháp này vẫn không thể giữ được chủ quyền thì tôi nghĩ cũng nên cân nhắc việc khởi kiện.
Vụ kiện của Philippines sẽ để lại bài học rất quý cho Việt Nam, từ khâu lựa chọn luật sư, tổ chức một vụ kiện, hình thành các yêu cầu khởi kiện, chiến lược pháp lý, chuẩn bị về chiến lược chính trị ngoại giao, vận động dư luận quốc tế về tính chính nghĩa của vụ kiện.
Nếu xác định rõ mục tiêu ban đầu là “không phải để giải quyết chủ quyền, mà chỉ nhằm làm rõ một số khía cạnh pháp lý liên quan đến yêu sách vùng biển,” như Philippines vừa làm là chỉ liên quan đến thực thi và giải thích “Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển” ở khu vực Biển Ðông mà thôi. Thì tôi tin là Việt Nam cũng sẽ thắng kiện như Philippines.
NV: Xin cảm ơn ông.
13-07-2016
No comments:
Post a Comment