Wednesday, July 13, 2016

Giải quyết vấn đề liên quan đến Formosa Hà Tĩnh thế nào?

Anh Vũ, thông tín viên RFA 2016-07-13  
000_C00YZ.jpg
 Một người đàn ông Việt sống ở Đài Loan giơ hình hàng ngàn con cá chết, tuyên bố là do nước thải công nghiệp nhóm Formosa của Đài Loan, trong một cuộc biểu tình ở Đài Bắc vào ngày 18 tháng 6 năm 2016.  AFP PHOTO
Sau khi có kết luận Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm đã gây ra sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, một câu hỏi đặt ra là cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc để Formosa gây nên sự cố nghiêm trọng này và nên giải quyết giải quyết ra sao?
Theo báo Thanh niên ngày 11/7/2016, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn một số nội dung, trong đó có vấn đề liên quan đến vụ việc ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung.
Dư luận mạng xã hội những ngày qua có nhận xét rằng, việc Hội nghị Trung ương 3 đã không đề cập tới vấn đề Formosa và việc một số cơ quan báo chí của nhà nước phải rút các bài viết có tính “nhạy cảm” về vấn đề này. Điều đó đã khiến cho dư luận nghi ngờ về quyết tâm của nhà nước VN trong việc giải quyết các vấn đề hậu Formosa.
Dưới nhan đề "Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc là ‘vai chính’ xây dựng nhà máy Formosa Hà Tĩnh", báo mạng Một thế giới ngày 09/7/2016 đã khẳng định rằng: "Theo thông tin đăng trên trang web của Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) thì chính MCC là nhà thầu chính của các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho Formosa Hà Tĩnh." Đáng chú ý, chỉ ít lâu sau đó bài báo này đã bị gỡ bỏ.
Chỉ có một cơ quan phải chịu trách nhiệm, đó là đảng CSVN và Bộ Chính trị mà người đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
- TS. Nguyễn Quang A
Bình luận về sự việc này, TS. Nguyễn Quang A nguyên Viện trưởng Viện phản biện IDS cho rằng, vấn đề MCC chính là nguyên nhân mấu chốt, điều đã khiến nhà nước VN đã hết sức lúng túng trong việc tìm thủ phạm. Ông khẳng định:
“Tôi nghĩ rằng chắc chắn điều đó sẽ có sự liên quan hết sức mật thiết, bởi vì chuyện đằng sau là của Trung Hoa lục địa là công ty đứng ra thi công nhà máy Formosa của Đài loan. Tất cả những chuyện ấy đã khiến tôi rất nghi, mà đấy mới là điểm chính và là lý do làm cho các cơ quan của nhà nước VN phải lúng túng. Bởi vì nó liên quan đến chuyện 4 tốt và 16 chữ vàng.”
Nhà báo Nguyễn An Dân, một nhà bình luận chính trị từ Sài gòn thấy rằng, sự lúng túng của nhà nước trong những ngày đầu khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung đã khiến cho dư luận nghi ngờ. Ông nói:
“Đúng là chính quyền VN vẫn còn nhiều thiếu sót trong việc giải quyết vấn đề hậu Formosa. Nhưng nếu nói rằng nhà nước muốn chìm xuồng cho vấn đề Formosa thì theo tôi là chưa đúng lắm, nó chỉ là một bộ phận trong nhà nước, chứ không phải là toàn thể nhà nước. Vì vậy tôi vẫn tin rằng, trong đảng vẫn còn có một bộ phận còn quan tâm đến tình hình đất nước và an ninh quốc gia, cho nên tôi tin vào và đặt vào 30% số đó. Đúng ra đảng CSVN phải xin lỗi nhân dân, vì đảng lãnh đạo theo điều 4 của Hiến Pháp thì đảng phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình.”
Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm trong việc để Formosa gây nên sự cố môi trường?
Theo VNN online ngày 4/7/2016 cho biết, Bộ Công an và Công an Hà Tĩnh đã làm việc với Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà tĩnh, để thu thập tài liệu và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đối với dự án Formosa, trong việc xả thải hủy hoại môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.
Trả lời câu hỏi, cơ quan Nhà nước nào sẽ phải chịu trách nhiệm về việc để Formosa gây ra sự cố môi trường biển miền Trung?
Từ Hà nội, TS. Nguyễn Quang A nhận định:
“Có thể rút ra là họ sẽ chẳng làm gì đâu và cũng chẳng có một cơ quan nào chịu trách nhiệm. Chỉ có một cơ quan phải chịu trách nhiệm, đó là đảng CSVN và Bộ Chính trị mà người đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tất tật mọi chuyện thì họ đã thỏa thuận hết với Formosa cả rồi, bây giờ họ tìm cách giảm áp lực của người dân. Cho nên việc họ đang xử lý ở Hà Tĩnh thì họ cũng sẽ đưa mấy con tốt đen ra để lấy lòng dân thôi. Chứ còn không có cơ quan nhà nước nào quan tâm đến việc đó cả.”
000_CL8QN.jpg-400.jpg
Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung chiều 30/6/2016 ở Hà Nội, chính phủ Việt Nam cũng cho chiếu một đoạn video với lời phát biểu nhận lỗi của ông Trần Nguyên Thành, chủ tịch hội đồng quản trị công ty gan thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. AFP photo
Nhà báo Nguyễn An Dân chỉ rõ:
“Theo tôi, Formosa là một dự án lớn thì cơ quan đầu tiên là tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh phải chịu trách nhiệm, mà cả 2 nhiệm kỳ vừa qua phải chịu trách nhiệm. Còn ở Trung ương, cứ bộ này bộ kia đá cho nhau thì ngành nào, bộ nào cũng là phía Chính phủ thôi. Do đó Chính phủ nhiệm kỳ trước phải chịu trách nhiệm trên vấn đề quản lý vĩ mô và tầm nhìn về an ninh quốc gia; còn Chính phủ nhiệm kỳ này phải chịu trách nhiệm về mặt hậu kiểm và giải quyết hậu quả.”
Trả lời câu hỏi: Trong điều kiện hiện nay, Chính phủ VN cần phải tiến hành công tác điều tra sự cố Formosa như thế nào cho đúng quy định?
LS Lê Công Định đã trả lời RFA qua thư điện tử như sau:
"Trong thảm họa môi trường do Formosa gây ra, Chính phủ - cơ quan hành pháp - đã ủy quyền cho hai bộ phận trực thuộc mình là Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Công an tiến hành điều tra nguyên nhân và xác minh thủ phạm. Song theo Bộ Luật Hình Sự hiện hành, pháp nhân thương mại như Formosa không phải chịu trách nhiệm hình sự để bị khởi tố bị can, nhưng hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải bị khởi tố vụ án để Tòa án xác định thiệt hại và ấn định mức giá bồi thường.
Kế tiếp, sau khi có kết quả điều tra ban đầu, Cơ quan điều tra phải chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát xem cần thiết hay không truy tố hành vi phạm pháp ra trước Toà án. Sau đó, căn cứ vào kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, cáo trạng của Viện Kiểm sát và yêu cầu của các nạn nhân về bồi thường thiệt hại, chỉ Toà án - cơ quan tư pháp - mới có quyền xác định thiệt hại và ấn định mức giá bồi thường."
Trả lời câu hỏi, có cần thiết phải có một tổ chức riêng của nhà nước để chịu trách nhiệm trong việc giải quyết và xử lý các vấn đề hậu Formosa hay không?
Nhà báo Nguyễn An Dân cho rằng, ông ủng hộ ý kiến này, theo ông đây là một việc cần làm để tăng cường hiệu quả. Ông giải thích:
“Theo tôi vấn đề đó là cần thiết, tại vì thảm họa đó diễn ra trong nhiều lĩnh vực, trên diện rộng, thành ra việc thành lập một ủy ban là việc cần thiết. Bây giờ ông Đỗ Bá Tỵ đã nhìn thấy vấn đề và phát biểu rộng như vậy, thì tại sao không thành lập một Ủy ban trực thuộc Quốc hội, độc lập với Hành pháp rồi giao cho ông Đỗ Bá Tỵ làm trưởng ban để giải quyết sự cố Formosa?”
Người dân bị mất tiền thì họ phải đi đòi tiền, đó là một việc hoàn toàn chính đáng và chính quyền nên ủng hộ.
- Nhà báo Nguyễn An Dân
TS. Nguyễn Quang A bày tỏ:
“Đòi hỏi một điều như thế ở VN, một đất nước độc tài thì hết sức ảo tưởng và tôi nghĩ rằng không có khả năng như vậy đâu. Tôi không có một chút hy vọng nào cả, bởi vì họ có luật pháp nhưng người ta không dùng, bởi vì người ta không muốn, cái quan trọng là người ta không muốn.”
Cách giải quyết thiệt hại do ô nhiễm môi trường biển
Đề cập tới việc giải quyết vấn đề liên quan đến những người dân bị thiệt hại do môi trường biển ô nhiễm gây ra, TS. Nguyễn Quang A chia sẻ:
“Tôi nghĩ đó là việc nên làm, trước hết là người dân phải khởi kiện Formosa với các cơ quan bảo về pháp luật của VN, cho dù các cơ quan này sẽ theo lệnh họ chả làm gì đâu. Nhưng việc kiện thì vẫn cứ phải làm và có thể kiện sang Tòa án ở Đài Loan hay nơi nào đó. Tôi nghĩ rằng đó là quyền của người dân thì người dân cần phải làm, nên làm và tôi hết sức khuyên người dân phải hợp sức vào để làm điều ấy.”
Nhà báo Nguyễn An Dân đề xuất đối với các cơ quan nhà nước trong việc giúp đỡ và hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng ở 4 tỉnh miền Trung: “Dân an thì quốc thái, dân có yên ổn thì đất nước mới thái bình. Người dân bị mất tiền thì họ phải đi đòi tiền, đó là một việc hoàn toàn chính đáng và chính quyền nên ủng hộ. Chính quyền nên thành lập các trung tâm trợ giúp về pháp lý cho người dân về các vấn đề xung quanh Formosa.”
Theo báo Thanh niên ngày 11/7/2016, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, “Dự án được cấp phép tới 70 năm trên một diện tích rất lớn, ở địa bàn rất nhạy cảm. Hiện nay chúng ta thấy gần như Formosa do Trung Quốc điều hành là chính. Cần làm rõ các nguyên nhân chủ quan của chúng ta để có giải pháp khắc phục.”

No comments:

Post a Comment